Người dân đang đổ tiền vào đâu?
Bán USD gửi đồng
Tháng 5, người gửi tiết kiệm mất 1% lãi suất và 2% trong những ngày đầu tháng 6, chỉ còn hưởng mức 9%/năm. Trong chín tháng liên tục, lạm phát giảm, ở mức 8,34% so cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất kể từ tháng 8/2010. Giá vàng đã giảm 3,17% so với tháng trước, và giảm khoảng 6% so với đầu năm.
Với mức giá “lờn vờn” 41 – 42 triệu trong hai tháng nay, người có tiền đang chờ vàng giảm thêm để mua vào.
Sau hơn bốn tháng ổn định, đồng USD vừa “nổi sóng” đã bình lặng ngay sau đó, quay về dưới 21.000 đồng/USD. Theo cục Thống kê TP.HCM, tỷ giá USD/VND tháng 5 tăng 0,13% so với tháng trước, giảm 1,72% so với tháng 12.2011.
Tính sơ sơ, người gửi tiết kiệm đồng USD đang phải lấy lãi suất USD 2% bù lại mức giảm 1,72% trong năm tháng đầu năm, họ cũng chẳng còn mấy đồng lãi. Cộng thêm thông điệp USD không tăng quá 2 – 3% trong năm nay của ngân hàng Nhà nước, đồng USD đã dần dần bị bán đi và thay thế bằng tiền đồng.
Con số huy động ở các ngân hàng đang thể hiện rõ điều này. Theo cục Thống kê TP.Hồ Chí Minh, tổng huy động trên TP.Hồ Chí Minh cuối tháng 5 ước đạt 903,5 ngàn tỉ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước, tăng 11,9% so cùng kỳ. Vốn huy động bằng ngoại tệ trong tháng 3 chiếm 23,9% (đã giảm 5% so cùng kỳ) đến tháng 5 giảm thêm, chiếm 21,1%, giảm 11,7% so cùng kỳ. Ngược lại, vốn huy động tiền đồng từ hơn 76% tăng lên 78,9%, tăng 20,5% so cùng kỳ.
Như vậy, người có tiền đã xác định rõ nên bỏ tiền vào đâu, và cũng chẳng còn “kén cá chọn canh” nhiều như hai tháng trước đây. Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy, lượng tiền huy động ở các ngân hàng cổ phần trồi sụt liên tục, cho thấy việc giữ chân khách hàng bằng khi lãi suất trong xu hướng giảm là bài toán thách thức với họ.
Đó là lý do các ngân hàng liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mãi, hoặc đưa ra các sản phẩm đầu tư nhằm tối đa hoá lợi nhuận cho khoản tiết kiệm như ở Sacombank, Maritime, HSBC VN, ANZ…
Tuy lượng tiền gửi tăng, nhưng tốc độ tăng giảm dần qua từng tháng cho thấy, dù đang lên ngôi nhưng tiết kiệm chẳng phải là đất để đồng tiền sinh sôi nảy nở nhiều như đã từng có với thị trường chứng khoán, vàng hay USD. Còn đầu tư bất động sản thì đến nay nhiều người chẳng còn muốn nhắc đến.
Sẽ đổ tiền vào đâu?
Dù thị giá cổ phiếu hiện là 9.500 đồng/cổ phần, HĐQT Công ty gỗ Trường Thành (TTF) vừa quyết định sẽ phát hành cổ phiếu với giá 5.000 đồng/cổ phần cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng thêm vốn chủ sở hữu, cải thiện dòng tiền cho công ty.
Ông Võ Trường Thành, chủ tịch HĐQT công ty cho biết, công ty đang làm việc với cổ đông chiến lược nước ngoài để bán 19% vốn điều lệ với giá 13.000 – 14.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, phòng khi đàm phán không thành công, HĐQT đã muốn huy động từ cổ đông, nhằm giúp công ty bớt phụ thuộc vào vốn ngân hàng, bởi ông vẫn chưa vay vốn bổ sung được, cũng như lãi suất chưa giảm như mong muốn.
Theo tổng giám đốc một ngân hàng, khiến các cổ đông bỏ thêm tiền vào cổ phiếu là chuyện khó hiện nay. Thành ra, một số ngân hàng tăng vốn bằng cách trả cổ tức bằng tiền, để cổ đông lấy tiền mua cổ phiếu phát hành thêm.
Các nhà đầu tư đã có khoản lãi hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác khi tính từ đầu năm, VN-Index đã tăng hơn 20%. Theo báo cáo tháng 5 phát hành tuần qua của chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thanh khoản và điểm số thị trường lại giảm do các yếu tố liên quan đến dòng tiền, cung cầu trong ngắn hạn hơn là do sự thay đổi xấu của yếu tố môi trường kinh tế trong nước hay yếu tố doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, dòng tiền có dấu hiệu đạt đỉnh trong 3 tháng gần đây, khi giá trị giao dịch trung bình phiên đã không tăng trong 3 phiên liên tiếp.
Theo BVSC, việc hạ trần lãi suất huy động đẩy sự hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm xuống khi so sánh các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán. Trong quá khứ, theo dõi biến động của lãi suất cho vay và chỉ số P/E, BVSC thấy biến động ngược chiều của P/E đối với diễn biến lãi suất. Tuy nhiên, chứng khoán không phải là kênh đầu tư rộng cửa với tất cả mọi người bởi có tiền thôi chưa đủ, nếu không có kiến thức, kinh nghiệm.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo