Nguyên Tổng giám đốc GP Bank vừa bị bắt là ai?
Theo tin tức trên báo Zing.vn, ông Phạm Quyết Thắng bắt đầu sự nghiệp tại GP Bank vào tháng 5/2009, với chức danh Phó tổng giám đốc. Thời điểm này, GP Bank đang rúng động với sự kiện 2 nguyên Phó tổng giám đốc Vũ Ngọc Toàn, Đỗ Như Phụng bị bắt, khởi tố để điều tra vụ án tiếp tay cho đối tác lợi dụng việc kinh doanh bất động sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Khi đó, ông Nguyễn Hữu Thủy, vốn là Phó tổng Giám đốc Ngân hàng VietinBank được điều về làm Tổng giám đốc GP Bank.
Chỉ 6 tháng sau, ông Phạm Quyết Thắng trở thành người thay thế cho ông Hữu Thủy, chính thức tiếp quản chiếc ghế Tổng giám đốc GP Bank. Khi đó, ông Thủy chuyển về Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia để đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Giám sát Tập đoàn Tài chính, trước khi trở thành lãnh đạo của VAMC.
Trước khi giữ chiếc ghế cao nhất trong ban điều hành của GP Bank, ông Thắng từng có thời gian dài làm việc tại VP Bank. Năm 2009, ông giữ chức Giám đốc chi nhánh VPBank Đông Đô.
Tham gia ngành ngân hàng trong 20 năm, lại có trình độ thạc sĩ quản trị kinh doanh, ông Thắng từng cùng GP Bank đạt giải thưởng "Thương hiệu nổi tiếng quốc gia năm 2010". Tháng 12/2010, ngân hàng này cũng tăng vốn điều lệ lên trên 3.000 tỷ đồng theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước vào năm 2012 vẫn phát hiện đơn vị này tiềm ẩn nhiều rủi ro trong hoạt động, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu và quản trị, điều hành ngân hàng kém hiệu quả.
Năm 2014, Tập đoàn United Overseas Bank Limited (UOB) của Singapore đã được Ngân hàng Nhà nước cho phép tiếp cận GP Bank, dự kiến mua lại 100% cổ phần của ngân hàng này. Tuy vậy, thương vụ thất bại do phía GP Bank không đồng ý mức giá mà đơn vị của Singapore đưa ra.
Sự việc kéo dài đến cuối năm 2014, khi GP Bank có báo cáo tài chính tồi tệ, âm vốn chủ sở hữu hơn 9.000 tỷ đồng (trong khi vốn điều lệ chỉ 3.000 tỷ đồng), nợ xấu tới 45%. Ngân hàng Nhà nước nhảy vào cuộc. GP Bank bị mua lại với giá 0 đồng.
Cùng với quyết định mua lại 0 đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng bổ nhiệm Phó tổng giám đốc VietinBank Phạm Huy Thông sang làm Tổng giám đốc GP Bank thay thế cho ông Phạm Quyết Thắng từ tháng 7/2015.
Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Quyết Thắng, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GPBank) về hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng bị khởi tố còn có Nguyễn Anh Dung - nguyên Kế toán trưởng GPBank, Nguyễn Ngọc Nam - Giám đốc Công ty TNHH - CN Sao Bắc (Công ty Sao Bắc) và Hoàng Công Hợp - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ĐTXD Thành Trung (Công ty Thành Trung).
Trong số 4 bị can, ông Thắng và Nam bị bắt tạm giam, 2 người còn lại được cho tại ngoại nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trước đó, ngày 17/7/2015, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với ông Tạ Bá Long, nguyên Chủ tịch HĐQT GPBank và Đoàn Văn An, nguyên Phó chủ tịch HĐQT GPBank.
Thông tin ban đầu cho biết để có tiền trả nợ trái phiếu cho Công ty tài chính CP điện lực (EVNFC), khoảng giữa năm 2011, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã bàn bạc, thống nhất để ông Long đại diện GPBank ký thỏa thuận đặt cọc mua 58% tòa nhà Capital Tower với Hoàng Công Hợp - Chủ tịch HĐQT Công ty Thành Trung; Ký hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Trung tâm thương mại văn phòng - nhà ở An Khánh Sao Bắc GPBank với Nguyễn Ngọc Nam - Giám đốc Công ty Sao Bắc.
Sau đó, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An đã chỉ đạo Phạm Quyết Thắng ký chứng từ, làm thủ tục rút 3.900 tỷ đồng của GPBank để chuyển vào tài khoản của các công ty Thành Trung và Sao Bắc, đến nay không có khả năng thu hồi. Cơ quan tố tụng xác định, hành vi của các bị can đã gây thiệt hại cho GPBank hơn 5.500 tỷ đồng cả gốc và lãi. Trong đó, Tạ Bá Long và Đoàn Văn An có vai trò chủ mưu cầm đầu, bị can Phạm Quyết Thắng, Hoàng Công Hợp và Nguyễn Ngọc Nam giữ vai trò đồng phạm giúp sức.
End of content
Không có tin nào tiếp theo