Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhà đầu tư châu Á cần lưu ý những gì trong tuần này?

Tây Ban Nha chính thức cầu viện bên ngoài hỗ trợ, đàm phán hạt nhân Iran với IAEA lại thất bại... là những sự kiện kinh tế đáng chú ý tuần qua và có thể sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới các thị trường hàng hóa toàn cầu trong tuần này.

"Cứu châu Âu, chỉ còn 3 tháng"



Đó là nhận định của tỷ phú Mỹ George Soros. “Theo tôi, các giới chức còn 3 tháng nữa. Trong thời gian đó, họ có thể sửa chữa những sai lầm của mình và đảo ngược tình thế hiện nay”, ông phát biểu tại Trento, Italy. Theo Soros, các “giới chức” mà ông nói đến chính là chính quyền Đức và ngân hàng liên bang Đức



“Trong một cuộc khủng hoảng, các chủ nợ ngồi ở vị trí người lái xe và không điều gì có thể thực hiện được nếu như không có ủng hộ của người Đức”, ông nói. Theo ông, phong trào phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng của người dân Khu vực đồng Euru “có thể sẽ lớn mạnh cho tới khi chính sách được đảo ngược”.



Tỷ phú Soros cho rằng, co nhỏ nền kinh tế lại là một sự lựa chọn sai lầm trong việc giải quyết khủng hoảng. “Các giới chức không hiểu bản chất của cuộc khủng hoảng Khu vực đồng Euro. Họ nghĩ rằng đó là vấn đề về tài khóa (chi tiêu) trong khi nó nghiêng về vấn đề ngân hàng và khả năng cạnh tranh hơn”, ông nhận xét.



100 tỷ Euro cho Tây Ban Nha



Tại cuộc họp trực tuyến diễn ra cuối tuần rồi, bộ trưởng bộ tài chính các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã thống nhất sẵnsàng hỗ trợ Tây Ban Nha với mức tối đa là 100 tỉ Euro để giải cứu các ngân hàng. Các điều kiện cho vay sẽ áp đặt trực tiếp lên các nhà băng đang gặp khó khăn cần được hỗ trợ vốn.


Theo kế hoạch trên, Tây Ban Nha sẽ tiếp bước Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha nhận hỗ trợ tài chính. Quyết định cầu viện bên ngoài của Madrid đã nhận được sự ủng hộ của các thành viên còn lại trong khối, dù trước đó nước này vẫn khẳng định rằng có thể tự lực cánh sinh trong bối cảnh đầy rẫy khó khăn hiện nay.



Trên thực tế, Tây Ban Nha hiện đã không còn chỗ để lùi. Tuần trước, tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ bậc tín dụng của nước này. Tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha đã lên tới 25%, trong khi nợ xấu tăng vọt, chi phí vay mượn quốc gia liên tục dồn sóng, nhiều ngân hàng rơi vào cảnh bấp bênh cần hỗ trợ.



Tuần tăng tốt nhất năm của Phố Wall



Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/6, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 93,24 điểm, tương ứng 0,75%, lên đứng ở mức 12.554,20 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,67 điểm, tương ứng 0,81%, lên mức 1.325,66 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 27,40 điểm, tương ứng 0,97%, đóng cửa ở mức 2.858,42 điểm.



Tính chung cả tuần vừa qua, chỉ số Dow Jones tăng 3,6%, S&P 500 tăng 3,7% còn Nasdaq tăng khoảng 4%. Đây là tuần tăng điểm tốt nhất của cả ba chỉ số chính kể từ tháng 12 năm ngoái tới nay. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng giữa lúc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn gây sức ép lên các thị trường tài chính.



Theo giới phân tích, việc Tây Ban Nha chính thức cầu viện sự giúp đỡ từ châu Âu và đã được các bộ trưởng bộ tài chính khu vực đồng tiền chung chấp thuận chi 100 tỷ Euro, sẽ là trợ lực lớn cho chứng khoán Mỹ tuần này. Hiện tại với Phố Wall, bất cứ điều gì xoa dịu lo ngại về khủng hoảng châu Âu đều là tin tốt.



Cổ phiếu Facebook bị bán khống



Theo hãng tin tài chính Bloomberg, cổ phiếu của mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook đang trở thành mục tiêu bán khống hàng đầu ở Phố Wall. Dữ liệu từ Bloomberg và Data Explorers cho thấy, lượng cổ phiếu Facebook bị bán khống hiện chiếm tới 5,9% số cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường của mạng xã hội này.



Giới đầu tư lo ngại, giá cổ phiếu này đã bị thổi phồng trong vụ IPO và Facebook sẽ gặp khó trong vấn đề tăng trưởng lợi nhuận. Khi phát hành, các nhà bảo lãnh phát hành cho Facebook như Morgan Stanley, định giá cổ phiếu này cao gấp 107 lần lợi nhuận 12 tháng qua, cao hơn gần như mọi cổ phiếu thuộc S&P 500.



Kể từ khi bắt đầu được giao dịch vào ngày 18/5 đến phiên 7/6 vừa qua, giá cổ phiếu Facebook đã sụt giảm 29%, giá trị vốn hóa sụt giảm 27 tỷ USD, tương đương khoảng 1,3 tỷ USD/ngày. “Facebook là một trong những công ty mà tiềm năng tương lai là không không ai biết và không thể biết", một nhà quản lý quỹ nhận xét.



Vàng có thể tăng nhưng không nhiều



Đó là nhận định về hướng đi của kim loại quý trong tuần này của ông Rich DeFalco, Chủ tịch Bay Ridge Holdings. Ông cho rằng, vàng có thể dao động quanh ngưỡng 1.520 -1.600 USD/ounce. “Tôi cho rằng, đến khi khu vực đồng Euro vạch ra được hướng đi rõ ràng, giá vàng vẫn có thể tăng, nhưng không nhiều”.



Ngoài tình hình căng thẳng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu, ông DeFalco còn cho rằng, bạo lực chính trị đang diễn tiến tại Syria cũng là một yếu tố quan trọng có thể tác động lên giá vàng. “Nếu bạo lực càng gia tăng tại vùng này, các nhà chức trách sẽ phải hành động, và điều này sẽ có lợi cho vàng”.



Trong cuộc khảo sát của Kitco News về giá vàng trong tuần này, 13/27 người dự báo giá tăng, 9/27 người dự báo giá giảm và 5/27 người đưa ra ý kiến trung lập. Cuối tuần trước, vàng giao tháng 8 tăng giá lên 1.591,40 USD/ounce trên sàn Comex, những xét cả tuần, kim loại quý vẫn mất 1,89% so với tuần trước nữa.



Đàm phán Iran-IAEA lại thất bại



Hôm 9/6, một đặc phái viên của Mỹ phát biểu rằng việc thiếu tiến bộ trong các cuộc đàm phán giữa Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) là điều đáng thất vọng. Việc này đã cho thấy rằng, nước Cộng hòa Hồi giáo tiếp tục không làm theo cam kết của mình  với cơ quan Liên hiệp quốc về hạt nhân này.



Trước đó một ngày, IAEA và Iran đã không đạt được thỏa thuận về việc cho phép các thanh sát viên IAEA điều tra về công trình nghiên cứu nghi là để chế tạo bom nguyên tử của Iran, một bước lùi làm cản trở các cơ hội thành công trong các cuộc đàm phán cấp cao giữa Tehran và các cường quốc vào cuối tháng này tại Nga.



"Chúng tôi cảm thấy thất vọng", Robert Wood, đặc phái viên của Mỹ tại IAEA phát biểu. Kết quả đàm phán không thành công này, theo giới phân tích kinh tế quốc tế, sẽ có thể gây ra một số ảnh hưởng đối với thị trường năng lượng, đặc biệt là về giá dầu thô hiện đang chịu nhiều áp lực giảm giá từ khủng hoảng nợ tại châu Âu.


Kinh tế Mỹ tăng trưởng vừa phải



Theo báo cáo "Beige Book" của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố ngày 6/6, trừ khu vực Philadelphia, 11 chi nhánh còn lại thuộc FED đều đánh giá nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn duy trì đà tăng trưởng "vừa phải" trong hai tháng qua, tỷ lệ lạm phát đã được kiềm chế, giá nguyên liệu giảm và ít gây ảnh hưởng như trước.



Tuy nhiên, FED nhận định đà tăng trưởng chung vẫn còn "chậm chạp," ở mức 1,9% trong quý I/2012. Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết các doanh nghiệp Mỹ lo ngại về suy thoái tại châu Âu cũng như tình hình chính trị trong nước trước thềm bầu cử tổng thống tháng 11 tới sẽ ảnh hưởng đến "điều kiện kinh doanh trong tương lai."



Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng đánh giá của FED lần này về đà tăng trưởng của cường quốc số một thế giới không có nhiều điểm khác biệt so với báo cáo "Beige Book" trong giai đoạn giữa tháng 1 đến cuối tháng 3. Trong những quý gần đây, FED từng đánh giá nền kinh tế này đang tăng trưởng ở mức "khiêm tốn".



Kinh tế Trung Quốc tốt xấu đan xen



Theo số liệu của Tổng cụ hải quan Trung Quốc được công bố hôm 10/6, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 của nước này tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua mọi dự đoán của các chuyên gia phân tích quốc tế. Nhập khẩu tăng 12,7%. Thặng dư thương mại vượt dự đoán ở 18,7 tỷ USD, so với 13,05 tỷ cùng kỳ năm ngoái.



Trước đó một ngày, hôm 9/6, Tổng cục thống kê Trung Quốc công bố chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 5 tăng 3%, giảm so với tốc độ 3,4% của tháng 4, ngoài dự liệu của các chuyên gia kinh tế. Trong khi, hoạt động sản xuất công nghiệp tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thấp hơn mức kỳ vọng 9,9% của giới phân tích.



Chuyên gia kinh tế Yu Song thuộc ngân hàng Goldman Sachs nhận định, với lạm phát giảm kết hợp với một loạt các chỉ số cho thấy các hoạt động của nền kinh tế đang giảm sút, Chính phủ Trung Quốc có thể dễ dàng nới lỏng chính sách, còn ngân hàng trung ương có thể mạnh tay giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất trong tương lai.

 

 

Theo VnEconomy

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo