Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhà nước mất hơn 800 tỷ vì hai ngân hàng 0 đồng

(DNVN) - Theo đại diện Bộ Tài chính, số tiền thoái vốn Nhà nước tại 5 lĩnh vực nhạy cảm thấp hơn giá trị đầu tư hàng nghìn tỷ thì trong đó có hơn 800 tỷ đồng không thể thu hồi tại OceanBank, VNCB.

Chiều 23/12, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức họp báo chuyên đề về Kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015, kế hoạch tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 và một số nội dung về Dự thảo Nghị định về chuyển DNNN thành công ty cổ phần.

Tại buổi họp báo, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết, trong giai đoạn 2011 - 2015, các cơ chế chính sách về quản lý tài chính doanh nghiệp và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ và được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp và tình hình thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp theo Đề án tái cơ cấu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành giúp doanh nghiệp có vốn tập trung đầu tư vào lĩnh vực, ngành kinh doanh chính, tránh đầu tư dàn trải, hạn chế thất thoát vốn và tài sản nhà nước. 

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp trả lời báo chí.

Về số lượng thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn 2011-2015 đã sắp xếp được 588 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 508 doanh nghiệp và sắp xếp theo các hình thức khác 80 doanh nghiệp. Tổng giá trị thực tế doanh nghiệp của 508 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa là 760.774 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng.

Ông Đặng Quyết Tiến cũng cho biết, trong năm 2016, đã có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Tổng giá trị thực tế của 56 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng. Năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.646 tỷ đồng, thu về 6.840 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ông Tiến cho biết, trong 6 năm, các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã thoái hơn 11.500 tỷ đồng vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư. Tuy nhiên, số tiền thu về lại thấp hơn giá trị đã đầu tư, chỉ 11.192 tỷ đồng.

Nguyên nhân thất thoát vốn khi thoái là vướng khoản đầu tư 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), của Tổng công ty Lương thực miền Nam; và 1,3 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) sau khi hai ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng...

Nói về trách nhiệm của các bên liên quan để ra thất thoát vốn Nhà nước khi đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm, ông Đặng Quyết Tiến khẳng định đó là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị.

 

Tại OceanBank và Tập đoàn Dầu khí quốc gia, người đứng đầu tại hai đơn vị này đã bị bắt. Trong khi đó, tại Tổng công ty Lương thực miền Nam, cơ quan chức năng cũng đang trong quá trình điều tra. Theo đại diện Cục Tài chính Doanh nghiệp, ngoài hơn 11.500 tỷ đồng thoái thành công trong 6 năm qua, vẫn còn đọng lượng lớn vốn Nhà nước tại 5 lĩnh vực nhạy cảm. Vấn đề xử lý trách nhiệm cũng sẽ được làm rõ.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo