Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhận diện kinh tế vĩ mô quý I/2013

Kinh tế vĩ mô được nhận diện trên các góc độ khác nhau. Theo nghĩa rộng, kinh tế vĩ mô bao gồm cả tăng trưởng kinh tế, lạm phát, tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, 3 khâu đột phá.
Về những mặt này, quý I/2013 đã đạt được một số kết quả tích cực, như lạm phát thấp hơn cùng kỳ năm trước, đã có xuất siêu...
 
Nếu theo nghĩa hẹp hơn, kinh tế vĩ mô được nhận diện qua các cân đối vĩ mô chủ yếu, trong điều kiện mới có thông tin của quý I, thì các cân đối kinh tế này được nhận diện qua các lĩnh vực chủ yếu sau đây:
 
Về vốn đầu tư (yếu tố của nhiều mối quan hệ lớn), kết quả được coi là tích cực với tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GDP giảm xuống (từ 41,9% trong năm 2010 xuống còn 36,4% trong năm 2011, còn 33,5% trong năm 2012 và còn 29,6% trong quý I/2013).
 
Đây là tiền đề để giảm chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và tích luỹ trong nước, giảm sức ép đối với lạm phát, nhập siêu, nợ quốc gia, đồng thời cũng là tiền đề để tăng trưởng kinh tế giảm sự lệ thuộc vào tăng vốn đầu tư, dần dần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng, theo chiều rộng, sang chất lượng, theo chiều sâu.
 
Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thuộc loại cao so với nhiều nước, trong khi mức giảm vừa qua còn có một phần do yêu cầu đầu tư bị co lại. Tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội đã giảm từ 38,7% trong thời kỳ 2006-2010 xuống 37,8% trong năm 2012 và xuống còn 36,9% trong quý I/2013. Đây là tiền đề để giảm bớt áp lực đối với bội chi ngân sách nhà nước, giảm bớt áp lực đối với nợ công, nợ Chính phủ, tăng thị phần cho đầu tư của khu vực ngoài nhà nước...
 
Kết quả của quý I cũng là tín hiệu để giảm hệ số ICOR năm 2013 so với năm trước, cải thiện dần hiệu quả đầu tư - yếu tố tiềm ẩn, nguyên nhân sâu xa để giảm lạm phát, giảm nhập siêu. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế nói chung và của khu vực kinh tế nhà nước nói riêng còn thấp so với nhiều nước.
 
Về cán cân thương mại, chúng ta đã chuyển từ nhập siêu lớn trong nhiều năm trước sang xuất siêu từ tháng 5/2012 đến tháng 2/2013.
 
Trong 3 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn xuất siêu gần nửa tỷ USD, mức xuất siêu lớn nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay và là tín hiệu khả quan để cả năm 2013 tiếp tục xuất siêu hoặc nếu nhập siêu cũng không lớn như chỉ tiêu kế hoạch (dưới 8% kim ngạch xuất khẩu, tương đương với 10 tỷ USD). Nhờ đó, cán cân thương mại được thặng dư (theo ước tính của các chuyên gia, dự trữ ngoại hối tính đến nay đã đạt được 14 tuần nhập khẩu, vượt qua ranh giới an toàn tài chính theo thông lệ quốc tế).
 
Tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm với 2 lý do chính: Tỷ giá đã được ổn định trong thời gian tương đối dài (năm 2011 chỉ tăng 2,24%, năm 2012 giảm 0,96%, quý I/2013 chỉ tăng 0,36%); lãi suất gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ thấp xa so với lãi suất tiết kiệm bằng VND, mặc dù lãi suất tiết kiệm bằng VND đã qua nhiều lần giảm. Nếu tính chung cả 2 yếu tố này thì việc giữ ngoại tệ là không có lợi. Tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm tạo điều kiện để giảm tình trạng “đô la hoá” nền kinh tế kéo dài trong nhiều năm trước đó, đồng thời củng cố và nâng cao lòng tin đối với đồng nội tệ, một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần kiềm chế lạm phát.
 
Tuy nhiên, trong tháng 3/2013 theo ước tính của Tổng cục Thống kê, chúng ta đã nhập siêu trở lại (300 triệu USD); việc xuất siêu trong thời gian qua bên cạnh những yếu tố tích cực có một phần quan trọng do nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng bị co lại; có một phần do xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm chế tác quý I năm nay lên đến trên nửa tỷ USD, cao gấp gần 4 lần cùng kỳ năm trước. Do vậy việc xuất siêu chưa thật bền vững.
 
Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc thu, chi ngân sách, do tỷ lệ của chi ngân sách cao hơn của thu ngân sách (22,3% so với 20,6%), nên tỷ lệ bội chi ngân sách so với dự toán năm đã lên đến 31,2%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ của tổng thu và của chi. So với cùng kỳ năm trước, trong khi tổng thu giảm (giảm 2,6%), tổng chi tăng (6%), nên mức bội chi đã cao gần gấp rưỡi cùng kỳ năm trước và tỷ lệ bội chi so với GDP đã ở mức 7,4%; tiến độ này đã cao hơn chỉ tiêu kế hoạch (4,8%) và đây là một cảnh báo quan trọng.
 
Cần lưu ý, tổng thu ngân sách tiếp tục gặp khó khăn do tăng trưởng và hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, do phải cắt giảm, giãn, hoãn nhiều khoản thu, do tốc độ tăng tồn kho tuy đã chậm lại nhưng vẫn còn cao và diễn ra trên nhiều ngành, lĩnh vực từ sản xuất, đến lưu thông, tiền tệ...
 
Về tái cơ cấu kinh tế (một dạng khác của cân đối kinh tế vĩ mô), 3 đề án thành phần (hệ thống tổ chức tín dụng, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước) đã được phê duyệt và ngày 19/2/2013, Đề án tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tái cơ cấu nền kinh tế đã được xác định là một nội dung trong mục tiêu tổng quát của năm nay.
 
Đây là vấn đề chiến lược, việc khởi động lại diễn ra trong điều kiện phải thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nên kết quả đạt được chưa nhiều, có những nội dung còn chậm.
 
Do vậy, cần đẩy nhanh việc tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có một số việc phải tập trung giải quyết. Đối với tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, cần "tổng tấn công" nợ xấu, gắn với xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; kiểm tra ngăn chặn tình trạng đầu tư chéo. Đối với đầu tư công, cần làm tốt hơn công tác quy hoạch tổng thể trên phạm vi cả nước và quy hoạch vùng, địa phương gắn với quy hoạch tổng thể; tránh dàn trải, phân tán; đẩy nhanh tiến độ thi công để nhanh chóng phát huy hiệu quả và tránh trượt giá. Đối với doanh nghiệp nhà nước, một mặt cần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, mặt khác cần nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh; khẩn trương khắc phục tình trạng đầu tư ngoài ngành...
 
Năm 2013 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015, vừa phải thực hiện mục tiêu kép (lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn), vừa phải tạo điều kiện cho tăng trưởng bền vững, mà ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện của tăng trưởng bền vững.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo VGPNews
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo