Nhân viên Viettel nhận lương khủng: Nỗi khổ điện, xăng dầu
"Điểm mấu chốt là do Viettel có thị trường riêng, một thị trường tương đối ổn định và đang phát triển nhanh".
Thị trường viễn thông ổn định
Trước con số thu nhập bình quân của 25.000 nhân viên của Tập đoàn này là 23,7 triệu đồng/người/tháng, chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là con số cao với một Tập đoàn làm viễn thông.
Theo ông Hiếu, Tập đoàn viễn thông là loại hình kinh doanh tương đối ổn định không theo thời vụ, không thuộc loại kinh doanh nhiều rủi ro, nên mức lương dành cho tất cả cán bộ nhân viên là cao.
Giải thích thêm, ông Hiếu cho biết có nhiều lý do: "Thứ nhất, lợi nhuận của Viettel rất cao, nên họ có thể ưu đãi hoặc thưởng cho nhân viên mức thù lao cao hơn, đó cũng là việc bình thường. Hơn nữa, nếu như Tập đoàn nghĩ đến nhân viên, trả nhân viên mức lương hậu hĩnh, thì đó là điều tốt và đáng mừng.
Thứ hai, những lợi nhuận tốt thường không đi cùng những hoạt động rủi ro, mạo hiểm, vì những hoạt động này thu nhập không phải ổn định"
Thứ ba, điểm mấu chốt là do Viettel có thị trường riêng, một thị trường tương đối ổn định và đang phát triển nhanh, thị trường không cần bảo hộ, bao cấp của chính phủ. Họ có vốn nhà nước nhưng theo cơ chế thị trường, chính thị trường đó đưa cho họ cơ hội, xác định vai trò, vị trí của Tập đoàn trong nền kinh tế".
Nhìn nhận về nghịch lý trong khi cùng là Tập đoàn nhà nước nhưng Petrolimex, EVN luôn kêu lỗ, còn Viettel vẫn tăng trưởng hàng năm, theo ông Hiếu, tất cả các doanh nghiệp (DN) này đều là DN có vốn nhà nước, thế nhưng tùy vào loại hình kinh doanh mà có sự phát triển khác nhau.
Viettel có loại hình kinh doanh ở thị trường là viễn thông nên ổn định hơn xăng dầu, cụ thể là Petrolimex. Trong khi xăng dầu không những phụ thuộc thị trường trong nước mà còn phụ thuộc thị trường thế giới, đặc biệt, giá xăng dầu lại luôn luôn biến động, thời gian vừa qua thì giảm sâu.
Với DN như Viettel thì không bán cho nước ngoài, trừ một vài dự án đầu tư ra nước ngoài, nguồn thu nhập chủ yếu vẫn là nội địa, để thấy thị trường của Viettel là thị trường lớn, ổn định, nên việc tăng trưởng, có lợi nhuận tốt hơn so với xăng dầu là điều hiển nhiên.
Còn đối với EVN, đây là loại hình DN hoàn toàn không phải dựa trên kinh doanh, đây là nguồn năng lượng cần thiết cho đất nước, cho phát triển xã hội, thành ra EVN lỗ là do bán giá điện không đúng theo giá thị trường, giá bán ra có thể thấp hơn chi phí bỏ ra. Hơn nữa, đây là DN thực hiện chính sách của chính phủ, không phải loại hình kinh doanh thuần túy, nên việc lỗ của EVN không phải là điều ngạc nhiên.
Chính vì thế, ông Hiếu nhận định: "Nhiều Tập đoàn có vốn nhà nước, nhưng loại hình kinh doanh, chính sách của mỗi Tập đoàn, mỗi công ty lại khác nhau. Viettel không cần sự bảo hộ của chính phủ, tự xây dựng thị trường, việc làm ăn tự bản thân đã có lời, cũng không thực hiện chính sách Kinh tế - Xã hội của chính phủ, để có sự tự do hoạt động đúng theo loại hình DN".
Không bị ràng buộc bởi các chính sách của chính phủ
Tự đặt ra câu hỏi: "Vậy liệu các DNNN có nên để hoạt động theo kinh tế thị trường hay không?".
Ông Hiếu trả lời: "Theo tôi là nên, tuy nhiên, với một vài DN để phục vụ cho quyền lợi quốc gia thì việc thực hiện chính sách là quan trọng, DN đó cần có sự bảo hộ, sự chi phối, nhưng cần có định hướng phát triển, không nên ỷ lại mà độc quyền.
Viettel không phải công ty bị ràng buộc bởi chính sách của chính phủ, công ty có vốn của nhà nước nhưng hoạt động theo cơ chế thị trường, xây dựng thị trường, bán sản phẩm cho thị trường, sản phẩm không được chính phủ bao cấp, bảo trợ, cũng không được bù lỗ.
Chính vì đi theo nguyên tắc " lời ăn, lỗ chịu", theo nguyên tắc kinh tế thị trường, điều đó đã làm cho Viettel là Tập đoàn duy nhất đi đúng theo quy tắc kinh tế thị trường, do đó có lợi nhuận cao, từ đó có thể trả cho cán bộ nhân viên hậu hĩnh".
Vì thế, ông Hiếu cho rằng các Tập đoàn có vốn nhà nước khác cũng cần phải học hỏi cách đi và hướng phát triển của Viettel.
Mặt khác, do vận hành theo cơ chế thị trường nên vấn đề giảm biên chế, tăng biên chế thuộc quyền tự chủ của Viettel, trong khi các Tập đoàn như EVN phải thực hiện chính sách của chính phủ, nên không có dư địa lớn như Viettel, nên vấn đề giảm biên chế, tăng biên chế khó khăn hơn nhiều so với công ty có khả năng độc lập.
Việc tuyển chọn con ông cháu cha hay nhờ mối quan hệ, theo ông Hiếu là điều thông thường, chủ yếu là những ngành ngân hàng, tài chính, công sở. Đây là điều không tích cực, nó là hiện tượng tiêu cực, chọn người theo mối quan hệ với các cấp lãnh đạo, quan chức, hoàn toàn không phù hợp với kinh tế thị trường, không giúp gì cho sự phát triển của đất nước.
Đáng lẽ những công ty có vốn nhà nước phải là những công ty có lượng nhân viên, có khả năng, trình độ nhất, trong sạch nhất, tránh vấn đề liên quan đến tham nhũng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Từ đó, ông Hiếu khẳng định: "Có thể xem Viettel như là điểm sáng trong tất cả các Tập đoàn có vốn nhà nước. Tuy nhiên, cũng cần có sự nghiên cứu sâu sắc qua báo cáo tài chính của Tập đoàn này xem lợi nhuận đi từ đâu, quản lý, quản trị có đúng theo khuôn khổ của kinh tế thị trường hay không, nghiên cứu sâu rộng để bảo đảm đây là loại hình DN có vốn nhà nước, thực sự theo kinh tế thị trường".
Theo Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo