Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhật nối lại ODA: Tín hiệu tốt cho sân bay Long Thành

"Việc tăng cường thêm tính công khai, minh bạch là một trong các giải pháp được thống nhất giữa hai bên để tăng cường quản lý".

Hai bên sẽ tăng cường trao đổi, quản lý

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 18/7 đã quyết định nối lại việc cung cấp vốn cho các dự án mới sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam sau một thời gian tạm ngừng để xử lý vụ nhà thầu Nhật Bản hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam.
 
Trước thông tin này, ngày 22/7, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết: "Bộ GTVT đã nhận được thông tinh chính thức theo con đường Bộ ngoại giao, thông báo xuống, Nhật Bản sẽ tiếp tục nối lại các dự án có nguồn vốn ODA mới".
 
Nói về điều kiện của Nhật Bản khi nối lại, ông Đông cho biết: "Từ trước đến nay hai bên đều thống nhất, sẽ tăng cường trao đổi, đưa các giải pháp, các biện pháp tăng cường quản lý và phòng chống tham nhũng, nhưng không phải là điều kiện thêm mà nó vẫn có xuyên suốt từ trước đến nay".
 
Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải (Vũng Tàu) một dự án đầu tư bằng nguồn vốn vay JICA
 
Tuy nhiên, theo ông Đông thì việc tăng cường thêm tính công khai, minh bạch là một trong các giải pháp được thống nhất giữa hai bên khi tiếp tục, trao đổi, tăng cường quản lý.
 
Cụ thể, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ trao đổi với các cơ quan chức năng để tăng cường, phòng chống các vi phạm.
 
Trước đó, ngày 2/6, Chính phủ Nhật Bản thông báo tạm đình chỉ cấp mới vốn vay ODA để tập trung giải quyết vụ việc Công ty Tư vấn xây dựng đường sắt Công nghệ giao thông Nhật Bản (JTC) (có trụ sở ở Tokyo) hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam.
 
Hai nước đã tiến hành họp Đối thoại Việt Nam – Nhật Bản về phòng chống tham nhũng trong các dự án ODA của Nhật Bản hôm 24/6. Tại cuộc họp này, sau 5 phút phát biểu mở đầu phiên họp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã mời báo chí ra ngoài, không cho tham dự các nội dung chính của phiên họp, báo Tuổi trẻ đưa tin.
 
Ngày 10/7, cơ quan công tố Tokyo khởi tố và có lệnh bắt tại gia đối với 3 cựu giám đốc của JTC với tội danh vi phạm luật chống cạnh tranh không lành mạnh, mà cụ thể ở đây là hành vi hối lộ quan chức nước ngoài.
 
Thực hiện điều kiện phía Nhật đưa ra, Việt Nam hiện đã bắt giữ 6 cán bộ thuộc Tổng Công ty đường sắt và tiến hành điều tra.
 
Nhắc đến vụ việc nhận hối lộ 16 tỷ đồng của quan chức đường sắt VN, sau khi Nhật Bản đã xử lý các cá nhân, tổ chức có liên quan, ông Đông cho hay: "Vụ việc đó, đã được giao cho cơ quan chức năng điều tra, nên kết quả cụ thể phụ thuộc vào công cuộc điều tra".
 
Nhật nối lại ODA: Tín hiệu tốt cho sân bay Long Thành?
 
Trước thông tin Nhật nối lại ODA cho VN, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không VN cho biết: "Việc Nhật nối lại nguồn vốn ODA cho VN cũng là 1 nguồn vốn quan trọng để xem xét, nhưng chưa có phương án nào, quyết định nào chính thức dùng vốn ODA của Nhật. Chính vì vậy, đây cũng chỉ là một hướng của nguồn vốn xây dựng sân bay Long Thành".
 
Phối cảnh sân bay Long Thành
 
Bên cạnh đó, ông Thanh cho biết, đề án xây sân bay Long Thành còn dựa vào nhiều nguồn vốn khác, cụ thể như: "Nguồn vốn từ ngân sách, nguồn vốn từ Doanh Nghiệp...".
 
Theo giải thích của ông Thanh thì đâu phải chỉ có xây dựng sân bay không, mà còn GPMB, đề án thu hút nhiều nguồn vốn chứ không chạy theo một nguồn vốn.
 
Cụ thể, trong các phương án nguồn vốn gửi lên Hội đồng thẩm định nhà nước, chúng ta đã phân rõ, nguồn ODA cho vào hạng mục nào, nhà nước vào hạng mục nào. Có nghĩa là luôn chủ động nguồn vốn, tuy nhiên hiện tại phụ thuộc rất lớn vào nhà cung cấp vốn.
 
Ông Thanh cho hay: "Điều quan trọng nhất là hiện nay, Quốc hội chưa đưa Long Thành vào danh sách phê duyệt được thực hiện, nên mọi việc vẫn còn đợi quyết định chính thức".
 
Ngày 9/6, trước việc có nhiều lo ngại về nguồn vốn ODA ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án này, ông Thanh chia sẻ với Đất Việt: "Việc xây sân bay quốc tế Long Thành, phải đợi Quốc Hội thông qua rồi mới đến giai đoạn thu hút nguồn vốn, chính vì vậy, nên nó chưa liên quan đến nguồn vốn ODA".
 
Ông Thanh khẳng định: "Nguồn vốn này không ảnh hưởng đến việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành. Nguồn vốn nêu ra trong đề án, đó chỉ là dự kiến như vậy, chứ chưa có thông tin chính thức giữa Việt Nam với Nhật Bản về cấp vốn ODA. Mọi thứ chính thức chỉ thực hiện khi Quốc Hội thông qua dự án xây sân bay quốc tế Long Thành".
 
Trước đó, theo dự kiến, dự án sân bay quốc tế Long Thành sẽ được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5/2014. Nhưng do một số vấn đề cần phải làm rõ hơn nên Chính phủ đã hoãn lại việc trình dự án.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo