Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp đã lo Tết

(DNVN) - Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết. Từ nhiều tháng nay, các doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng các loại, phong phú, bảo đảm hàng hóa dồi dào phục vụ dịp Tết nguyên, và cam kết sẽ không có biến động về giá.

Nhiều doanh nghiệp đã lên phương án trữ hàng Tết

Thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, tại Hội nghị về công tác cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2015 và Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 diễn ra mới đây, nhiều doanh nghiệp như Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Công ty CP bánh kẹo Tràng An, hệ thống siêu thị Big C, hệ thống siêu thị Fivimark cho biết đã có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho biết, các đơn vị thuộc Tổng công ty đã dự trữ lượng hàng hóa phục vụ Tết Bính Thân 2016 tăng khoảng 5% so với Tết Ất Mùi 2015, tập trung vào các mặt hàng truyền thống và thiết yếu như: giò, chả, bánh chưng, gà ta, thịt gia súc, gạo đặc sản, dầu ăn, nước mắm, rượu bia, bánh mứt kẹo, thủy hải sản, rau xanh, hoa quả đặc sản.

Nhiều doanh nghiệp, siêu thị đã lên phương án chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Ảnh minh họa.

Hệ thống siêu thị Big C cũng đã dự trữ nguồn hàng phong phú, đa dạng đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm tiêu dùng với lượng hàng hóa với lượng hàng trị giá khoảng 500 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, ông Nguyến Thái Dũng - Phó Tổng giám đốc Big C Thăng Long cho hay, Hệ thống siêu thị Big C tiếp tục tiên phong triển khai cam kết Khóa Giá từ 15/12/2015 đến 07/02/2016.

 Theo đó, giá không đổi cho tất cả mặt hàng tiêu dùng nhanh (trừ các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bia rượu, sữa và sản phẩm từ sữa) và tất cả các sản phẩm thuộc ngành hàng vải sợi, điện máy và đồ gia dụng; chiếm hơn 90% tổng lượng hàng hóa tại siêu thị. 

Theo đại diện các doanh nghiệp, dịp Tết, những nơi mua sắm lượng khách rất đông, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Để khắc phục tình trạng trên,  đề nghị, Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị tăng cường các giải pháp, bảo đảm  bảo an toàn cho người dân mua sắm và DN; kiến nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các ngành chức năng (Giao thông, QLTT, Công an.. ), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất  kinh doanh cũng như chuyên chở và lưu thông hàng hóa; cho phép các đoanh nghiệp bổ sung thêm xe chở hàng hoá để đáp ứng kịp thời nhu cầu hàng hóa phục vụ dịp Tết. 

Không để thiếu hàng, tăng giá…

Tại Hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dự báo, dịp tết Bính Thân 2016 lượng hàng hóa cần chuẩn bị phục vụ ngoài 7 triệu người dân Thủ đô, còn khoảng 4 triệu lượt người từ các tỉnh, thành phố khác về tham quan mua sắm. Do vậy, dự kiến tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ sẽ tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm và tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 

Để đảm bảo cung cầu hàng hoá, ổn định thị trường theo chỉ đạo của UBND TP, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã tập trung các mặt hàng bình ổn thị trường và các nhóm hàng phục vụ Tết với tổng giá trị ước tính 12.780 tỷ đồng. Các doanh nghiệp sản xuát bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, sữa dự trữ hàng hóa khoảng 6.748 tỷ đồng. Các làng nghề trên địa bàn thành phố sản xuất kinh doanh các nhóm hàng phục vụ tết nguyên đán như chế biến nông sản thực phẩm, bánh mứt kẹo, dệt may, chè, miến dong, bột sắn… với tổng giá trị trên 2.081 tỷ đồng. Dự kiến tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyến đán trên địa bàn Thủ đô đạt trên 21.610 tỷ đồng. 

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo trong việc cung ứng hàng hóa, các doanh nghiệp phải cung ứng hàng đủ số lượng, kịp thời, thuận tiện; hàng hóa phải đảm bảo chất lượng, xuất xứ rõ ràng. Theo Chủ tịch Thành phố, nhu cầu hàng hóa tiêu thụ trước trong và sau Tết là rất lớn. Do vậy, các  doanh nghiệp  cần mở rộng mạng lưới bán hàng khắp các địa bàn Thành phố trong đó ưu tiên khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc, khu công nghiệp, sinh viên, học sinh để tránh tình trạng, khan hàng, đội giá. “Phải cung ứng hàng hoá đảm bảo số lượng, chất lượng, kịp thời, thuận tiện, không để thiếu các hàng hóa thiết yếu, như  thực phẩm, rau xanh, thiếu điện nước, ga...” - Chủ tịch UBND TP yêu cầu. 

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương, Sở GTVT,  Công an TP, cần tạo thuận lợi để doanh nghiệp cung ứng kinh doanh hàng tết, không được để tình trạng kiểm tra tràn lan, gây khó khăn, phiền hà cho các doanh nghiệp. "Các sở, ngành không được tuỳ tiện lập các trạm kiểm tra để đảm bảo thuận tiện để doanh nghiệp phân phối hàng hoá kịp thời", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Nên đọc
Văn Hải
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo