Hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều tin tích cực cho chứng khoán

Ngày 2-3, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý thị trường chứng khoán (TTCK). Trong đó đưa ra nhiều giải pháp để TTCK thật sự là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.
 Để đảm bảo TTCK hoạt động ổn định, lành mạnh và đồng bộ với thị trường tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay trong năm 2012.

Hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán

 

"Trong khuôn khổ sửa đổi bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 tới, bộ sẽ chỉ đạo rà soát toàn bộ chính sách thuế như chuyển nhượng cổ tức,chuyển nhượng cổ phiếu... nhằm thúc đẩy thị trường phát triển"

Bộ trưởng Vương Đình Huệ

Trước tiên là trách nhiệm của cơ quan quản lý, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp thực hiện Chiến lược phát triển TTCK VN giai đoạn 2011-2020, để TTCK thật sự là kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế. Việc tái cấu trúc TTCK đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng: hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán (Hà Nội và TP.HCM), đồng thời tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, hệ thống tài chính ngân hàng, hàng hóa TTCK...

 

Chỉ thị nêu rõ: cần phát triển hệ thống các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo đó, từng bước triển khai việc thành lập, hoạt động công ty đầu tư chứng khoán và quỹ đầu tư chứng khoán theo dạng mở. Mặt khác, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện kiểm soát việc tham gia đầu tư chứng khoán của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư chứng khoán với tư cách là nhà đầu tư có tổ chức.

Để giám sát và quản lý TTCK, tại chỉ thị này Thủ tướng có yêu cầu Bộ Tài chính phải chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước cần đánh giá, phân loại, giám sát hoạt động của các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ theo tiêu chí an toàn. Đặc biệt, có biện pháp xử lý kịp thời như hợp nhất, sáp nhập hoặc giải thể các công ty chứng khoán yếu kém, hoạt động không hiệu quả. Đồng thời đánh giá hiệu quả các hình thức liên thông giữa các tổ chức kinh doanh chứng khoán trực thuộc ngân hàng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

“Giám sát thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin đối với các tổ chức phát hành, niêm yết; giám sát hoạt động giao dịch, phòng giao dịch và kịp thời phát hiện các hành vi giao dịch không công bằng, giao dịch nội gián, thao túng giá. Xử lý nghiêm các hiện tượng vi phạm” - chỉ thị nêu.

Để tăng cường giám sát và quản lý TTCK, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài nhằm thu hút vốn đầu tư, đảm bảo giám sát chặt chẽ luồng vốn và thực hiện các biện pháp xử lý tình huống bất thường của luồng vốn, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính. Để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, hai cơ quan này phải nghiên cứu xây dựng đề án thanh toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ qua Ngân hàng Nhà nước để thực hiện trong năm 2012. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng đề án quản lý tập trung tài khoản tiền giao dịch chứng khoán và tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư để giám sát hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán của các công ty chứng khoán, thực hiện ngay trong năm nay.

Sẽ giám sát chặt

Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2012 được tổ chức ngày 2- 3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết để TTCK là kênh huy động hiệu quả của nền kinh tế, bộ sẽ cùng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để thu hút và giám sát chặt chẽ, hiệu quả các luồng vốn đầu tư. Việc triển khai đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp niêm yết và công ty đại chúng.

Ông Vương Đình Huệ cho biết dù khó khăn đến đâu cũng phải tách tài khoản tiền nhà đầu tư và của công ty chứng khoán. Để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, thị trường minh bạch, ổn định và phát triển, việc nghiên cứu và triển khai đề án tách tài khoản dứt khoát phải làm. “Việc thanh lọc các công ty chứng khoán yếu kém là cần thiết nhưng không thể cắt một cách máy móc từ 100 công ty xuống còn 50 hay 25 ngay được”, ông Huệ nói. Tuy nhiên, sắp tới sẽ áp dụng biện pháp hợp nhất hoặc giải thể công ty chứng khoán hoạt động không hiệu quả. Qua đánh giá, sàng lọc các công ty chứng khoán, chủ trương là sẽ rút dần chức năng môi giới của công ty. Bên cạnh đó, sẽ xử lý nghiêm các hành vi giao dịch nội gián, thao túng.

Ông Vũ Bằng, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, cho biết theo ước tính sơ bộ, năm 2011 có khoảng 16% công ty niêm yết bị lỗ và khoảng 60% công ty có lợi nhuận sụt giảm so với năm trước. Có 80% công ty niêm yết có giá thị trường thấp hơn giá trị sổ sách, 59% công ty có thị giá thấp hơn mệnh giá, 49% công ty có hệ số thị giá so với lợi nhuận sau thuế trên mỗi cổ phiếu (P/E) thấp hơn 5.

 

TS Nguyễn Sơn (vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường):

Nâng cao tiêu chuẩn niêm yết

Tiêu chí về vốn điều lệ, số lượng cổ đông, kết quả kinh doanh đối với các doanh nghiệp niêm yết sẽ được nâng lên. Ví dụ, trên sàn HoSE, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 120 tỉ đồng trở lên thay mức hiện nay là 80 tỉ và hai năm liền kề có lãi; phải có không dưới 300 cổ đông và có ít nhất hai năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, hoạt động kinh doanh của hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết có lãi và không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết.

Đặc biệt, theo dự thảo hướng dẫn sắp tới có đưa ra điều kiện về tỉ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp trong năm gần nhất tối thiểu là 5% để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn (tránh hiện tượng doanh nghiệp có quy mô vốn hàng trăm tỉ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vài chục triệu đồng). Đối với sàn HNX, điều kiện niêm yết hiện nay là doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 10 tỉ đồng thì dự kiến sẽ được nâng lên mức 30 tỉ đồng và có từ 100 cổ đông trở lên, ROE tối thiểu 5%.

 
Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo