An Giang: Lính cứu hoả ngày đêm bám chốt chống “giặc dịch, giặc lửa”
ĐBSCL: Chỉ còn 8 quận, huyện thuộc TP Cần Thơ và tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang thực hiện Chỉ thị 16 / Thủ tướng yêu cầu Hà Nam, Đà Nẵng, Kiên Giang chấn chỉnh phòng chống dịch
Trên địa bàn tỉnh An Giang có 8.397 cơ sở thuộc diện quản lý PCCC, trong đó có, 306 trụ sở cơ quan hành chính các cấp, 382 cơ sở y tế, 1.111 cơ sở xăng dầu, khí đốt… Công tác PCCC tại những cơ sở này vô cùng quan trọng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, đảm bảo môi trường an toàn lao động, chủ động trong bảo vệ tài sản, tính mạng con người.
Ngay sau khi tỉnh An Giang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ tháng 3/2021 đến nay, lực lượng Công an tỉnh An Giang, trong đó có lực lượng PCCC & CNCH với 191/271 cán bộ chiến sỹ đã tình nguyện tham gia chống dịch. Đặc biệt trong số 191 cán bộ chiến sỹ kể trên có rất nhiều đồng chí tham gia ngay từ ngày đầu ra quân đến nay vẫn ngày đêm tình nguyện bám trụ cùng lực lượng chống dịch địa phương, với quyết tâm “chưa hết dịch thì tôi chưa về”.
Chân dung người lính cứu hỏa sau khi dập tắt đám cháy vụ cháy kho chứa vỏ xe xảy ra trên địa bàn TP Long Xuyên.
Nhằm bảo đảm công tác PCCC tập thể cán bộ chiến sỹ lực lượng PCCC & CNCH tỉnh An Giang đã chủ động đổi mới phương pháp, cải tiến nội dung, hình thức tuyên truyền sinh động, phong phú, dễ hiểu, đơn vị đã xây dựng, đăng phát nhiều loạt phóng sự, phát thanh, đưa hơn 2.600 lượt tin tuyên truyền về công tác PCCC và CNCH trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tranh thủ thời gian dịch bệnh được kiểm soát Cảnh sát PCCC và CNCH đã triển khai 30 buổi thực tập phương án chữa cháy và CNCH cho cấp cơ sở và các hộ kinh doanh cá thể với trên 1.300 người tham. Qua đó, đã góp phần giảm thiểu số vụ cháy nổ trong thời gian phòng chống dịch.
Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 7 vụ cháy (2 nhà ở kết hợp, 5 nhà đơn lẻ) gây thiệt hại ước tính khoảng 9,7 tỷ đồng. Đã điều tra, làm rõ nguyên nhân 5 vụ (3 sơ suất trong sử dụng lửa, 2 sự cố điện), 2 vụđang tiếp tục điều tra. Khi các vụ cháy xảy ra lực PCCC và CNCH đều có mặt kịp thời triển khai công tác chữa cháy có hiệu quả.
Nâng cao công tác phòng cháy chữa cháy trong nhân dân.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hàng trăm lượt cán bộ chiến sỹ lực lượng PCCC đã được điều động tăng cường hỗ trợ tại nhiều huyện, thị đầu nguồn, biên giới…, nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc và lây lan dịch bệnh (Tân Châu, An Phú, Châu Phú, Châu Thành…) bất kể nắng mưa, ngày đêm, tham gia trực đảm bảo an ninh trật tự tại các chốt phòng, chống dịch COVID-19 (cả đường bộ lẫn đường thủy), hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các khu vực phong tỏa, cách ly.
Với nghiệp vụ của một người “lính cứu hỏa thời dịch”, lực lượng này tham gia Đại đội Truy vết Công an tỉnh trong công tác khoanh vùng, dập dịch. Xác định, bóc tách F0 đưa đi điều trị, bóc tách các F1, F2… ra khỏi cộng đồng để đưa đi cách ly tập trung, đảm bảo không bỏ sót bất cứ trường hợp nào.
Thượng tá Võ Phúc Thọ (thứ hai, bìa phải từ ngoài vào), Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, thăm hỏi, động viên lực lượng phòng, chống dịch trên tuyến biên giới.
Bên cạnh đó, lực lượng PCCC và CNCH đã phối hợp với các lực lượng phòng, chống dịch khác, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền song song kiến thức về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, hướng dẫn người dân các biện pháp an toàn PCCC tại gia đình, ý thức chủ động về PCCC tại những khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao…
Chặng đường chống dịch vẫn còn dài và lắm gian nan, với quyết tâm “vì bình yên cuộc sống” của nhân dân, lực lượng PCCC và CNCH từ tỉnh đến cơ sở sẽ tiếp tục cùng với các lực lượng vũ trang, chính quyền và nhân dân bằng mọi nỗ lực chống “giặc lửa, giặc dịch” trên mọi mặt trận, góp phần sớm trả lại trạng thái xã hội bình thường mới cho cộng đồng. Xứng đáng viết tiếp chặng đường 60 năm xây dựng và trưởng thành vẻ vang của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH (4/10/1961 - 4/10/2021) và 20 năm Ngày toàn dân PCCC (4/10/1961 - 4/10/2021).
End of content
Không có tin nào tiếp theo