Hỗ trợ doanh nghiệp

Những 'cái chết' được báo trước

Trong khi nhiều Trung tâm thương mại (TTTM) trong nước đang làm xấu đi hình ảnh với việc đuổi khách ở Parkson Keangnam hay Grand Plaza bất đồng về thu phí...; các “ông lớn” nước ngoài về bán lẻ đang tìm mọi cách thâu tóm thị trường Việt Nam.

TTTM Parkson Keangnam (Hà Nội) đuổi các hộ kinh doanh trong đêm. Ảnh: Như Ý.

 

“Mở cửa” đón khách chuyên nghiệp

 

Theo cam kết gia nhập WTO, từ tháng 1/2015, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn khi Việt Nam cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài. Với tiềm lực kinh tế lớn, làm ăn chuyên nghiệp, các “ông lớn” trong ngành bán lẻ đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Singapore... xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường Việt Nam. Aeon - một đại gia trong ngành bán lẻ Nhật Bản vừa mở TTTM thứ 2 vào tháng 11/2014 tại Bình Dương không giấu giếm ý định thống lĩnh thị trường Việt. Họ dự kiến tới năm 2020 sẽ mở 20 TTTM tại Việt Nam. Tận dụng tâm lý tin cậy và thích dùng hàng Nhật của người tiêu dùng Việt, Aeon sử dụng phương án dùng 1/3 hàng Nhật, 1/3 hàng Việt Nam và 1/3 hàng nhập từ các nước khác.

 
Với việc khai trương Trung tâm mua sắm Robins tại Hà Nội trong năm 2014, Tập đoàn Central, một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan, đã chính thức tiến vào thị trường Việt Nam với mục tiêu trở thành nhà bán lẻ được ưa chuộng nhất. Gần đây nhất, Power Buy- đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan vừa mua lại gần một nửa cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Theo đại diện của Central Group, động thái này nhằm mở rộng hệ thống bán lẻ điện máy của họ.
 
Singapore cũng đang dần hiện diện rõ nét tại thị trường Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn Mapletree đã ký kết với Saigon Coop để chuẩn bị khai trương Trung tâm mua sắm SC Vivo City ở quận 7, TPHCM. Đây là một trong những trung tâm mua sắm lớn của Việt Nam khi sở hữu đến 62.000m² mặt bằng bán lẻ.
 
Lý giải việc các “ông lớn” ồ ạt đổ bộ vào, đại diện Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng, đến nay, ngành bán lẻ đang trong quá trình phát triển theo hướng hội nhập quốc tế, đặc biệt giàu tiềm năng nhờ dân số 90 triệu người cũng như cơ cấu dân số trẻ. Tỷ trọng hàng hóa bán qua hệ thống thương mại hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện tích hiện chiếm 25% tổng mức bán lẻ và sẽ tiếp tục tăng. Theo quy hoạch của Bộ Công Thương, ngành này sẽ tăng trưởng bình quân 19-20%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 20-21%/năm từ năm 2016 đến năm 2020. Cả nước sẽ có khoảng 1.300 siêu thị, 180 TTTM vào năm 2020.
 
Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế phân tích: Các nhà bán lẻ nước ngoài có mức độ chuyên nghiệp, đảm bảo uy tín về thương hiệu hơn các nhà bán lẻ Việt Nam. Họ có được sự tin cậy từ phía các nhà cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước; phương thức thanh toán linh động, đa dạng. Một mặt họ vẫn duy trì thanh toán bằng tiền mặt; mặt khác vẫn khuyến khích thanh toán không phải bằng tiền mặt; triệt để ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại như thẻ quẹt…

Doanh nghiệp nội địa chịu “chết” vì thiếu chuẩn bị
 
Với sự gia tăng không ngừng của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài, nhiều doanh nghiệp nội đang đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc sáp nhập. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đã đến lúc nhìn nhận việc có mặt các liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường bán lẻ như một tín hiệu tích cực, chứ không phải theo hướng bị thôn tính. Các doanh nghiệp nên coi đây là những cuộc mua bán, sáp nhập bình thường, có hiệu quả (cho doanh nghiệp và toàn thị trường). Vấn đề là, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài hoạt động ở thị trường Việt Nam tuân thủ đúng quy định của pháp luật và thực hiện đúng nghĩa vụ kinh doanh. Còn đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, phải nỗ lực hơn để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa nếu không rất khó đứng vững trên thị trường.
 
Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, tham gia thị trường bán lẻ chính là tham gia sân chơi của nhiều doanh nghiệp bán lẻ. Vì vậy, có nhiều cách để phối hợp với doanh nghiệp nước ngoài, như thông qua chuyển nhượng quyền thương mại, qua liên doanh, cùng nhau góp cổ phần...
 
Trước tình hình mở hoàn toàn thị trường bán lẻ vào năm 2015; ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nội cần có chiến lược kinh doanh hợp lý, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nhân lực… Có như vậy mới phát triển thị trường bán lẻ phù hợp với tình hình mới, khi hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Bởi vì, dù có nhiều cơ hội và lợi thế, nhưng nếu không có chiến lược cụ thể và không có chính sách hỗ trợ; doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thu hẹp thị phần trước sự gia tăng các doanh nghiệp bán lẻ ngoại.
 
 
Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo