Những "toan tính" của Thổ Nhĩ Kỳ khi bắn rơi SU-24 Nga
Tin tức trên báo Vnexpress, việc Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua tuyên bố hai chiến đấu cơ F-16 tuần tra dọc biên giới của nước này đã bắn rơi máy bay Su-24 của Nga vì vi phạm không phận khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi hành động này là "đâm từ sau lưng" và không khác gì "đồng lõa với khủng bố", theo RT.
Trong khi đó, giới phân tích quân sự cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ có những toan tính riêng khi bắn hạ SU-24. Theo chuyên gia Andrew Bowen, giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Đông, việc tỏ ra cứng rắn với Nga và đỉnh điểm là bắn hạ chiếc Su-24 có thể là một hành động có tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thắt chặt quan hệ và tìm kiếm lợi ích từ các đồng minh NATO.
Ngay sau vụ việc, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua yêu cầu các thành viên NATO ở Bỉ họp khẩn để kêu gọi hỗ trợ thêm cả quân sự lẫn chính trị, nhằm đảm bảo an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây được coi là cách để ngăn chặn Nga có bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào với sự cố này. Tổng thống Erdogan cũng có thể tận dụng cơ hội này để hối thúc Mỹ mở rộng phạm vi triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Erdogan có lẽ hy vọng sau sự cố, các đối tác NATO sẽ hợp tác gần gũi hơn với Thổ Nhĩ Kỳ thay vì với Nga và Iran, nhất là sau khi Pháp có những động thái hợp tác chặt chẽ hơn với Nga trong cuộc chiến chống IS.
Lý giải nguyên nhân chiếc Su-24 của Nga bị bắn rơi, trong bài phân tích trên Vox, giáo sư Mark Galeotti, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Trung tâm Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học New York cho biết việc Nga không kích vào các mục tiêu phiến quân người Turk có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ tức giận, và có hành động đáp trả khi phi công Nga bay vào không phận nước này.
Trong khi đó, Tổng thống Putin cho biết việc chiến đấu cơ của Nga bị tấn công đã vượt ra ngoài cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, quân đội Nga đã “anh dũng chiến đấu” trước những chiến binh thánh chiến. Báo Công an nhân dân thông tin.
“Chúng tôi đã ký một thỏa thuận với Mỹ để ngăn chặn những thảm họa hàng không, và Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước thuộc liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu”, Tổng thống Putin nói, “Sự kiện bị thảm này sẽ mang lại hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ song phương giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”.
Các nhà quan sát lo ngại việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn máy bay Nga sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Báo Tuổi trẻ thông tin.
Sau vụ máy bay Nga bị đánh bom ở Ai Cập, không quân Nga đã bắt đầu tăng cường không kích các vị trí của IS và thông báo với Mỹ về các cuộc tấn công này. Pháp và Nga đang thảo luận khả năng lập liên minh toàn cầu chống IS.
Nhưng sau vụ việc hôm qua, nhiều khả năng Nga sẽ không hợp tác với lực lượng NATO ở Syria. Nga cũng có thể sẽ tăng cường chiến dịch không kích chống các nhóm nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo