Niềm tin quốc tế với hệ thống ngân hàng Việt Nam
Triển vọng và uy tín ngân hàng Việt Nam không ngừng được nâng cao
Trong năm 2017, GDP Việt Nam tăng 6,81% vượt mọi dự báo, cao nhất trong 6 năm trở lại đây - là thành quả nỗ lực chung của toàn nền kinh tế, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ. Trong kết quả này có một phần đóng góp tích cực từ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Cũng trong năm 2017, nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá cao sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó Moody đã nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”. Bloomberg đánh giá đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á.
Sang năm 2018, quý I/2018, GDP tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục (đạt 7,38%) - mức tăng cao nhất trong 10 năm qua, trong đó không thể phủ nhận một phần đóng góp quan trọng của điều hành CSTT trong việc chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm lãi suất, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đồng thời đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiêp.
Mới đây, bên lề Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng 2018 diễn ra sáng 8/5, Chuyên gia phân tích tài chính hàng đầu của WB tại Việt Nam - ông Alwaleed Alatabani đánh giá, với việc lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao là minh chứng cho sự quyết liệt của NHNN trong điều hành CSTT.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cũng ví von bức tranh ngân hàng Việt Nam đã sáng hơn rất nhiều giống như “đọc sách đã không cần đèn”.
Còn TS. Phan Minh Ngọc thì khẳng định, một trong những yếu tố quan trọng góp phần thành công điều hành chính sách của NHNN là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và quan trọng hơn là định hướng phát triển kinh tế của Chính phủ nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, không còn nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế như ưu tiên hàng đầu như những năm trước đây. Với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và chính sách ổn định như vậy, NHNN không bị buộc phải thi hành chính sách nới lỏng như trước đây để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tối đa.
Do đó với CSTT thận trọng và linh hoạt, NHNN đã thành công trong ổn định kinh tế vĩ mô như kiểm soát lạm phát, tỉ giá. Lãi suất cho vay tuy vẫn ở mức độ tương đối nhưng là mức độ chấp nhận được với doanh nghiệp. Đó là những yếu tố góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thành công trong điều hành chính sách của NHNN.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD), ổn định thị trường tiền tệ, thể hiện trên các lĩnh vực điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng, tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và phát triển thanh toán…
Giảm lãi suất, ổn tỷ giá, nâng cao chất lượng tín dụng
Việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất và phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành CSTT của NHNN. Ngay từ đầu năm 2018, NHNN đã chỉ đạo hệ thống TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
Về phía các TCTD, các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng tốt thuộc các lĩnh vực ưu tiên về mức tối đa 6%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-10%/năm đối với trung dài hạn. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất về cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định.
Trên thị trường ngoại tệ, theo báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong 4 tháng đầu năm 2018, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, tiếp tục được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước (lên mức kỷ lục 63 tỷ đôla). Tỷ giá ổn định cũng góp phần tăng niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với đồng Việt Nam và môi trường đầu tư.
Về điều hành tín dụng, NHNN đã điều hành, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động an toàn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và người dân.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), đến cuối tháng 4/2018, tín dụng đối với nền kinh tế tăng trên 5% so với cuối năm 2017. Tín dụng được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Đến hết ngày 28/02/2018, tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên tiếp tục xu hướng tích cực; cụ thể: Tín dụng công nghiệp hỗ trợ tăng 0,88%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 8,58%, tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn tăng 2,1%, tín dụng xuất khẩu tăng 2,25% so với cuối năm 2017; dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 21,15% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.
Với phương châm tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí nhất cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng, công tác cải cách hành chính cũng được NHNN đặc biệt quan tâm, qua đó góp phần nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia, gia tăng, uy tín môi trường đầu tư Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Mới đây, theo kết quả công bố về chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017, NHNN đạt chỉ số cao nhất với 92,36%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Ngân hàng Nhà nước xếp vị trí số 1 về cải cách hành chính trong các Bộ, ngành.
Đạt được những mục tiêu quan trọng của tái cơ cấu và xử lý nợ xấu
Trong năm 2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (có hiệu lực ngay từ 15/1/2018) và Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Sự ra đời của những văn bản quan trọng trên đã tạo thêm cơ sở pháp lý và điều kiện cho ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về thanh tra, giám sát, cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống các TCTD, nâng cao trật tự, kỷ cương và hiệu quả điều hành CSTT, quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, những mục tiêu quan trọng của tái cơ cấu ngân hàng đã đạt được đó là: sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD được giữ vững và từng bước cải thiện, không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát; năng lực tài chính và quy mô hoạt động của các TCTD từng bước cải thiện; khung pháp lý về tiền tệ và ngân hàng được tập trung hoàn thiện, hình thành đồng bộ hơn các chuẩn mực, thiết chế an toàn; nợ xấu đã giảm và tiếp tục được kiểm soát hiệu quả (dưới 3%)..
Trong công tác xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Tiến Đông – Chủ tịch HĐTV VAMC cho biết, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực thì ý thức trả nợ, thái độ hợp tác của khách hàng tốt hơn rất nhiều, các TCTD cũng tự tin hơn trong xử lý nợ xấu. Sau Nghị quyết 42, năm 2017, VAMC cùng với các TCTD đã thu hồi nợ xấu được 37 ngàn tỷ, gần bằng một nửa so với 3 năm trở lại đây.
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và tăng cường an ninh, bảo mật
Triển khai tích cực Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, NHNN đã có những cơ chế, chính sách, biện pháp để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam như: hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lanh pháp lý và triển khai ứng dụng công nghệ vào hoạt động thanh toán, cùng với việc phát triển hạ tầng phục vụ thanh toán, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền,..
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng là ngành đi đầu trong việc ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển hạ tầng thanh toán và đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống, công nghệ thông tin ngân hàng và thông tin khách hàng.
Nhờ đó, hoạt động thanh toán đã có những chuyển biến tích cực. Trong năm 2017, giá trị giao dịch thanh toán qua hệ thống ATM/POS tăng 34% so với năm 2016; tỷ lệ rút tiền mặt tại ATM tiếp tục giảm từ 15,71% (năm 2016/2015) xuống 6,86% (11 tháng đầu năm 2017/2016); số lượng giao dịch qua POS tăng khoảng 40% so với năm 2016, giá trị giao dịch tăng khoảng 27% so với năm 2016. Số lượng thẻ ngân hàng được phát hành và giá trị giao dịch qua thẻ tăng khá nhanh.
Các NHTM đã được tích hợp thêm nhiều tính năng ứng dụng thanh toán thẻ ngân hàng sử dụng thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, bảo hiểm, phí giao thông, thanh toán trực tuyến. Thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động đạt kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng...Theo thống kê của các tổ chức thanh toán quốc tế như Visa-Mastercard, năm 2017 Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ mất an toàn qua thanh toán thuộc loại thấp, chỉ khoảng 1/3 so với tỉ lệ bình quân trên thế giới.
Với ý thức trách nhiệm cộng đồng, NHNN đã phối hợp các cơ quan chức năng triển khai một số chương trình truyền thông giáo dục tài chính cộng đồng như chương trình “Tiền khéo, tiền khôn”” và “Những đứa trẻ thông thái” (phát sóng trên VTV) nhằm nâng cao ý thức, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ tài chính.
Tóm lại, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những thành công trong điều hành CSTT của NHNN đã góp phần quan trọng vào kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đánh giá cao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo