Hỗ trợ doanh nghiệp

Ông lớn trầy trật thoái vốn đầu tư

Dưới sức ép của dư luận và yêu cầu của Chính phủ, nhiều tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước đã lên kế hoạch thoái vốn đầu tư khỏi những ngành nghề kinh doanh trái tay . Tuy nhiên, quá trình này không đơn giản và sự chậm chạp của nó, luôn được biện bạch bởi nhiều lý do.

Một trong những "ông lớn" đầu tiên tỏ ra có quyết tâm thoái vốn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Nhưng dường như đây là một bắt buộc bởi EVN đứng trước sức ép rất lớn do thiếu vốn đầu tư và mất cân bằng tài chính  vào thời điểm này. EVN gần như bị buộc phải chuyển giao toàn bộ mảng viễn thông (EVN Telecom) sang Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel).

 

Mảng ngân hàng,  EVN đang trình Ngân hàng nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh về chuyển nhượng vốn 5,3% tỷ lệ sở hữu cổ phần của EVN tại ABBank cho HDBank để đảm bảo cho EVN nắm giữ về mức quy định theo luật tổ chức tín dụng năm 2010 và Nghị định 09/2009/NĐ-CP của Chính Phủ.

 

Ngoài ra, trả lời báo chí gần đây, ông Phạm Lê Thanh, tổng giám đốc EVN cho biết, về  bất động sản, EVN có chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại các công ty liên kết và đã giao người đại diện phần vốn của EVN tại các công ty cổ phần bất động sản tìm kiếm đối tác đầu tư để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần. Ông này cho biết, EVN  đã xây dựng lộ trình, kiên quyết đến đến năm 2015 sẽ thực hiện thoái vốn triệt để tại các lĩnh vực bất động sản, chứng khoản, ngân hàng, bảo hiểm.

 

Nhưng ngay ở những tập đoàn có khả năng thoái vốn đầu tư nhanh nhưng vẫn có những lý do A, B, C để chần chừ. Ví dụ như Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), theo kết luận của Thanh tra Chính phủ tại tập đoàn này, từ năm 20007, Vinachem đã góp 7,5 tỷ đồng vào Công ty Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS). Đến năm 2009, tập đoàn này được yêu cầu thoái vốn nhưng đến năm 2010, một năm sau khi Chính phủ ban hành Nghị định yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành thì giá trị số cổ phần của Vinachem tại VICS đã tăng gần gấp 3 lần.

 

Trả lời báo chí gần đây, ông Nguyễn Đình Khang, tổng giám đốc Vinachem nói rằng: theo yêu cầu của Chính phủ, phải rút vốn nhưng bước đi phải thận trọng nếu không lại làm thất thoát vốn-một lý do khá phổ biến ở nhiều tập đoàn hiện nay khi lý giải nguyên nhân chậm thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

 

Nhưng không chỉ ở VICS, Vinachem còn để tỷ lệ vốn góp ở Công ty Tài chính Cổ phần hóa chất Việt Nam lên mức 39%, vượt mức cho phép (37%)-nhưng là tỷ lệ vượt đầu tư ra ngoài ngành đến 30% vốn điều lệ. Đến nay, tập đoàn này vẫn đang loay hoay để giảm tỷ lệ vốn góp về mức cho phép.

 

Cuối năm 2011 và đầu năm 2012, theo như kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ tại nhiều tập đoàn kinh tế khác thì tỷ lệ vốn đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn vẫn còn rất lớn. Ví dụ như tại Tập đoàn Sông Đà (công ty Mẹ -tập đoàn Sông Đà được thành lập tháng 1.2010) thì tại tổng công ty Sông Đà (công ty Mẹ), tổng công ty này đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp số tiền trên 4.204 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ có 3.046 tỷ đồng-tức là đã đầu tư vượt vốn điều lệ hơn 1.158,6 tỷ đồng. Trong danh mục đầu tư của tổng công ty này có: Quỹ đầu tư Việt Nam, Quỹ Thành viên Vietcombank..

 

Cho đến tháng 6.2011, thời điểm Thanh tra Chính phủ vào thanh tra Tập đoàn Sông Đà thì mặc dù hội đồng thành viên Tập đoàn Sông Đà đã có nghị quyết thoái vốn nhưng các khoản đầu tư trên được xác định là đã không thu được lợi nhuận, chưa thu hồi được số tiền đã đầu tư.

 

Còn theo báo cáo tài chính năm 2010 của Tập đoàn Sông Đà, tập đoàn này đã đầu tư ra ngoài doanh nghiệp 6.942 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào các công ty con trên 5.678,6 tỷ đồng, vào các công ty liên doanh, liên kết gần 700 tỷ đồng, đầu tư dài hạn khác 564 tỷ đồng....vượt vốn điều lệ số tiền trên 2.335 tỷ đồng.

 

Ngay tại Tập đoàn Viettel, một tập đoàn được cho là nghiêm túc, có kỷ luật nhất trong khối tập đoàn nhà nước cũng có những khoản đầu tư khó có thể cho là đúng lĩnh vực của mình. Ví dụ như ở thỏa thuận mua bán cổ phần với  Tổng công ty Cổ phần Vinaconex tháng 8.2009 mua trên 21,4 triệu cổ phần của  tổng công ty này, Viettel đã chi ra trên 171 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, mới đây, khi thanh tra tập đoàn Viettel, Thanh tra Chính phủ cho rằng, đây thực chất là một hoạt động cho vay vốn của Viettel và Vinaconex phải trả tiền lãi vay cho Viettel với số tiền trên 7,7 tỷ đồng. Số tiền "cho vay", Viettel đã sớm nhận về nhưng khoản lãi vay, cho đến đầu năm nay, Viettel vẫn chưa thu hồi.

 

Hay các hoạt động góp vốn thành lập Công ty Cổ phần phát triển đô thị Vinaconex-Viettel; việc chuyển nhượng nhà máy nước khoáng Thiên An-Nghệ An...khó có thể coi đó là những khoản đầu tư đúng ngành, nghề của tập đoàn chuyên về viễn thông như Viettel.

 

Ở nhiều tập đoàn lớn khác: Than Khoáng sản; Dầu khí...số vốn đầu tư ngoài ngành vẫn còn rất lớn. Mặc dù hầu hết các tập đoàn này đều đã lên kế hoạch, lộ trình thoái vốn nhưng quá trình đó không đơn giản. Còn có rất nhiều lực cản để các tập đoàn trở lại đúng "sân chơi" của mình, trong đó, vẫn còn những ham muốn, tham vọng của những người lãnh đạo tập đoàn...muốn tận dụng lợi thế về qui mô, vốn liếng của mình để lấn sân doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác, tìm kiếm những khoản lợi nhuận ngắn hạn mà bất chấp hậu quả lâu dài cho dù, Chính phủ cũng đã có những nghị định, chỉ thị được cho là quyết liệt về vấn đề này.

 

Theo VietnamNet

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo