Phát triển nhà cho thuê, nhà xã hội
Cứu hay không cứu thị trường bất động sản (BĐS) không còn là vấn đề mới. Tuy nhiên, tranh luận nếu cứu thì như thế nào vẫn đang tiếp diễn.
Cứu hay không cứu?
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2012, nợ tín dụng BĐS khoảng 207.595 tỷ đồng. Đã có 17.000 DN kinh doanh thua lỗ, 2.637 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, trong đó có 680 doanh nghiệp kinh doanh chính là BĐS.
Theo TS. Ngô Văn Hiền (Học viện Tài chính), có hai quan điểm tranh luận về cứu hay không cứu thị trường BĐS. Quan điểm không cần giải cứu cho rằng, việc giải cứu có thể tạo ra rủi ro đạo đức, lúc đó các doanh nghiệp kinh doanh "lãi bỏ túi, lỗ Nhà nước lo”, tạo ra các mầm mống nợ xấu trong tương lai. Quan điểm giải cứu thì cho rằng, thị trường BĐS liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhất là thị trường tiền tệ, do vậy cần phải giải cứu thị trường BĐS.
TS. Nguyễn Ngọc Tuyến (Viện Kinh tế Tài chính), cho rằng tồn kho BĐS là một trong những trở ngại lớn nhất hạn chế tăng trưởng và phát triển kinh tế cả nước trong năm 2013 và cả một số năm sau nữa. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề tồn kho BĐS sẽ cần một khoảng thời gian nhất định. Khi BĐS tồn kho lớn chưa được giải quyết thì vấn đề nợ đọng, thiếu vốn, khả năng thanh khoản… sẽ vẫn tồn tại và nền kinh tế cũng khó có thể phát triển với trạng thái ổn định và bền vững.
Giải pháp đồng bộ
Thị trường BĐS đang chịu cảnh giảm giá, nhưng nhiều DN vẫn phải chịu lãi suất ngân hàng lên tới trên 12%/năm. Việc hệ thống ngân hàng khoanh nợ sẽ là giải pháp hỗ trợ cho thị trường BĐS. Đây là giải pháp quan trọng giúp các DN hạ lãi suất để đưa thị trường về giá trị thực.
TS. Ngô Văn Hiền cho hay, các DN kinh doanh BĐS một mặt phải tìm cách tiếp tục giảm giá, thậm chí bán dưới giá thành, mặt khác tăng cường các tiện ích hấp dẫn người mua để kích cầu. Bên cạnh đó, chuyển sang hình thức cho thuê, cho mua; chuyển sang nhà ở xã hội, sử dụng đúng mục đích cho các khoản vay và huy động vốn từ khách hàng công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho khách hàng…
Việc giải cứu thị trường không đồng nghĩa với việc Nhà nước bỏ tiền cứu DN BĐS. Theo TS. Hiền, Nhà nước cần tập trung hỗ trợ các DN phát triển dự án nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội, người nghèo… Đây là đối tượng thực sự cần quan tâm.
Ông Ngô Xuân Thanh (Viện Chiến lược và chính sách tài chính) cũng kiến nghị, các địa phương giành nguồn vốn để mua lại các dự án BĐS thương mại đang tồn kho để chuyển thành nhà ở cho thuê, nhà xã hội… Đồng thời cần triển khai thêm các định chế tài chính để hỗ trợ thị trường như Quỹ tiết kiệm nhà ở, Quỹ đầu tư BĐS.
TS. Nguyễn Minh Phong đề xuất nên giảm 50% thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, cho mua nhà ở xã hội, căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 phát sinh từ 1/7/2013 đến 30/6/2014. "Đối với các DN thực hiện đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội được áp dụng thuế suất thu nhập DN 10% đối với phần thu nhập từ bán, cho thuê, cho mua nhà ở xã hội nhằm khuyến khích kinh DN hình này” – TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Quyết Thắng
Theo ĐĐK
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo