Hỗ trợ doanh nghiệp

Phi công Vietnam Airlines được tăng lương sau khi đòi nghỉ việc tập thể

Từ năm 2015 đến nay, có tới hơn 250 phi công Vietnam Airlines nghỉ việc, chưa kể có gần 20 đơn đang chờ vì phản đối mức lương thấp hơn mặt bằng chung toàn ngành.

Trong báo cáo mới đây gửi lên bộ Giao thông Vận tải, tổng công ty hàng không Việt nam (mã CK: HVN) cho biết, từ 1/6, công ty đã chính thức tăng lương cho giáo viên và phi công.

Đây cũng là thông tin được Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành tiết lộ tại buổi làm việc giữa lãnh đạo hãng hàng không này với nhóm phi công xin nghỉ việc hôm 30/5 vừa qua.

Tài chính - Ngân hàng - Phi công Vietnam Airlines được tăng lương sau khi đòi nghỉ việc tập thểMức lương mới của phi công Vietnam Airlines áp dụng từ 1/6/2018. Ảnh: VnExpress.

Theo đó, mức lương của phi công Vietnam Airlines từ ngày 1/6 được phân làm 3 nhóm. Với nhóm phi công lái máy bay B787 và A350, cơ trưởng sẽ được nhận mức lương từ 205-246 triệu đồng, còn cơ phó 124-150 triệu một tháng.

Nhóm phi công lái A321, cơ trưởng sẽ được nhận 176-236 triệu đồng một tháng, cơ phó là 100-135 triệu. Còn phi công lái ATR, cơ trưởng sẽ được trả 156-186 triệu đồng một tháng, cơ phó là 75-91 triệu đồng.

Báo VnExpress dẫn lời đại diện Vietnam Airlines, với mức này, phi công người Việt của hãng có thu nhập sau thuế bình quân bằng 70% phi công nước ngoài đang khai thác cho công ty.

Cụ thể, phi công nước ngoài, lái chính cho máy bay B787 dao động 265 - 268 triệu đồng, lái phụ 181-199 triệu một tháng. Với máy bay A350, lái chính 238-266 triệu đồng một tháng, lái phụ 163-187 triệu đồng. Còn phi công lái chính A321 và ATR72 mức lương 155-212 triệu đồng một tháng, lái phụ 98-162 triệu đồng. Đây là mức thu nhập sau thuế của nhóm phi công nước ngoài và không bao gồm phí bảo hiểm, môi giới.
Một điểm đáng chú ý mới, đó là trong năm 2019, mức lương phi công sẽ được tăng thêm 1 - 6 triệu đồng/tháng (tùy vào loại máy bay phi công lái).

Trước đó, như Người Đưa Tin đã phản ánh thu nhập trung bình của phi công Vietnam Airlines trong năm 2015 là 110 triệu đồng/tháng, năm 2016 là hơn 115 triệu/tháng và năm 2017 tăng lên 120 triệu đồng/tháng.

 

Cần nhấn mạnh, đây chỉ là mức thu nhập trung bình theo đầu người của phi công. Trên thực tế, giữa lương của phi công nội và phi công ngoại có sự chênh lệch rất lớn, khoảng 2-3 lần.

Còn so với Vietjet Air, hãng hàng không giá rẻ - đối thủ lớn nhất của Vietnam Airlines trên thi trường nội địa hiện nay thì mức thu nhập này thấp hơn tới 30% (năm 2017 là 180 triệu đồng/tháng).

Thu nhập trung bình của phi công Vietnam Airlines thấp hơn hẳn so với Vietjet Air.

Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các phi công của Vietnam Airlines bất bình và nộp đơn xin nghỉ việc hàng loạt trong thời gian gần đây, nhất là giai đoạn từ năm 2015 đến nay.

Thống kê của Vietnam Airlines cho thấy, tính đến 1/6, hãng này có 1.087 phi công, trong đó có 802 người Việt và 285 người nước ngoài. Bên cạnh số lượng phi công đang thực hiện lái, hãng còn có thêm 51 học viên đang trong quá trình huấn luyện.

Từ năm 2015-2017 có 223 phi công của Vietnam Airlines thôi việc, riêng 5 tháng đầu năm nay có 33 phi công bỏ hãng, chưa kể còn gần 20 phi công nộp đơn.

 

Buổi làm việc ngày 30/5 của đại diện hãng và các phi công xin nghỉ việc đã diễn ra khá căng thẳng khi Tổng giám đốc Dương Trí Thành nói: "Bây giờ lương phi công của các anh 250-300 triệu đồng/tháng. Các anh mà kêu là thấp ấy thì xã hội có nghe các anh không?".

Thông tin trên đã khiến hàng loạt phi công có mặt phản đối. Một cơ trưởng đang công tác tại đội bay A321 chia sẻ, bảng lương mà Tổng công ty đưa ra tại buổi làm việc không hợp lý, khai khống 20-25% giá trị thực tế phi công nhận được trước thuế, còn nếu với sau thuế là 40-45% giá trị.

Một cơ trưởng thuộc đội bay 787 thậm chí còn cho rằng, lãnh đạo VNA đã coi thường phi công khi nêu khống lương của họ ngay tại cuộc họp, “Tôi bay cả đời chưa bao giờ đạt được con số mà Tổng công ty đưa ra cả”.

Cho đến nay, trở ngại lớn nhất mà phi công Vietnam Airlines gặp phải khi quyết định nghỉ việc đó là 2 Thông tư của bộ Giao thông Vận tải là Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT và Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT yêu cầu người lao động phải báo trước 120 ngày và bồi hoàn chi phí đào tạo lên tới hàng tỷ đồng.

Về vấn đề này, chia sẻ tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 2/6 vừa qua, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng: "Luật Lao động chỉ quy định lao động muốn nghỉ việc thì phải báo trước tối thiểu 45 ngày, chứ không quy định về thời gian tối đa. Do đó, quy định hàng không yêu cầu báo trước 180 ngày và bồi hoàn chi phí đào tạo là không sai".

 

Nên đọc
Theo Người đưa tin
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo