Phồn thực đình làng
Dấu tích sáng tạo và lao động nghệ thuật
PGS.TS Trần Lâm Biền chỉ ra rằng từ buổi đầu của thời kỳ độc lập cho đến thời Lê sơ - Mạc và dừng lại trước triều Chính Hoà (cuối thế kỷ 17), là triều đại đánh dấu một bước phát triển rực rỡ của nghệ thuật xây dựng đình làng; trong buổi khởi nguyên của nó, “đình” vốn là một nhà công cộng để nghỉ chân (đình trạm).
Theo thời gian, những ngôi đình đã trở thành công trình kiến trúc công cộng của làng xã. Qua khảo sát trên thực địa của các nhà nghiên cứu mỹ thuật cho thấy, ngay từ thời nhà Mạc, thế kỷ 16, một số ngôi đình lớn đã xuất hiện với tư cách là một kiến trúc công cộng của làng xã: các đình Thuỵ Phiêu làm năm 1531 (Ba Vì - Hà Nội), Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), Lỗ Hạnh (Hiệp Hoà, Bắc Giang), Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang),... là những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh của làng xã. Khi đình đã thuộc về làng xã, thì những vị thần của làng xã được đưa vào, gọi là thành hoàng làng. Thành hoàng làng là vị thần bảo hộ làng, đấng tinh thần tối thượng của làng.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, tinh hoa Việt Nam được lưu giữ nhiều nhất ở làng quê. Tinh hoa làng quê được lưu giữ nhiều nhất là ở đình làng. Ngay cả những nhà nghiên cứu người Pháp cũng bế tắc, không đọc được đình làng. Vì thế, “đình làng là khoảng trống rất lớn trong nghiên cứu của người Pháp”, ông Thế nói. Điều lo lắng của nhà nghiên cứu này là, “nhiều khuôn viên đình hiện nay đang bị xâm hại, lấn chiếm, cha chung không ai khóc”. Thêm một thực tế nữa, qua nhiều lần trùng tu sửa chữa để tồn tại, có nhiều công trình bị pha tạp, biến chất. Nhưng đình vẫn là dấu tích cụ thể ghi lại chặng đường sáng tạo và lao động nghệ thuật, mang dấu ấn lịch sử dân tộc rất rõ nét.
Phồn thực đình làng
Khi nói về đình làng, ai cũng tưởng sẽ đầy một vẻ uy nghiêm. Nhưng các bức chạm lại cho thấy cảnh sinh hoạt đời thường với lợn gà, săn thú, chèo thuyền... Không chỉ vậy, còn những bức chạm đầy tính phồn thực trong đình như trai gái tự tình, đàn bà khỏa thân...
Lấy ví dụ về ngôi đình Hưng Lộc nhỏ bé, khiêm nhường ở Nam Định, ngay trên cung thờ chạm cảnh trai gái vui đùa (còn gọi là bức Bốn nụ cười). Mảng chạm là hoạt cảnh gồm bốn nhân vật, hai nhân vật chính ở trung tâm mảng chạm.
“Người con gái mặc yếm, thắt bao lưng, tay đang túm lấy “của quý” anh chàng đứng phía sau. Anh chàng thẹn thùng, giữ cánh tay người con gái, miệng cười tẽn tò. Bên phải hai người là một anh chàng ngồi khoanh gối nở nụ cười ngặt nghẽo, miệng lộ cả chiếc răng cửa, tay đang chỉ vào mặt người đàn ông, còn người ngồi bên trái quay mặt đi, nét mặt vẻ thẹn thùng”. Đoạn mô tả trên của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình đã khiến cử tọa cười rộ.
Hoạt cảnh trai gái vui đùa, tình tự... xuất hiện khá nhiều trên chạm khắc kiến trúc đình làng thế kỷ 17. Không dễ gì mà các hoạt cảnh riêng tư ấy lại đi vào đình làng, không những thế nó còn độc chiếm vị trí dễ nhìn ở ngay kẻ bẩy, vị trí trên đầu sát với mái đình, hoặc trước nơi thờ tự nghiêm cẩn như hậu cung.
Ở đình Phù Lão, Bắc Giang, ngay lối vào gian giữa, còn bức chạm cảnh một đôi trai gái đang làm tình và cảnh đàn bà để ngực trần nằm tênh hênh trên râu rồng, ai vào cũng đều có thể nhìn thấy. Thông điệp của những mảng chạm đó đều chứa đựng tín ngưỡng phồn thực lâu đời, tới thời kỳ này nó được nở rộ dưới hình thức của nghệ thuật.
Tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp. “Ngay từ đầu, duy trì và phát triển sự sống đã là một nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Đối với văn hóa nông nghiệp, hai việc này lại càng bội phần hệ trọng.
Để duy trì cuộc sống, cần cho mùa màng tươi tốt. Để phát triển sự sống, cần cho con người sinh sôi. Hai hình thức sản xuất lúa gạo để duy trì cuộc sống và “sản xuất” con người để kế tục dòng giống này có bản chất giống nhau. Đó là sự kết hợp của hai yếu tố khác loại (đất và trời, mẹ và cha).
Từ một thực tiễn chung này, tư duy cư dân nông nghiệp Nam-Á đã phát triển theo hai hướng: những trí tuệ sắc sảo đi tìm quy luật khoa học để lí giải hiện thực và họ xây dựng được triết lý âm dương; những trí tuệ bình dân nhìn thấy ở thực tiễn đó một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà sùng bái nó như thần thánh, kết quả là xuất hiện tín ngưỡng phồn thực (phồn = nhiều, thực = nảy nở).
Tất cả các hoạt cảnh “phồn thực” này như một thông điệp nhắc nhở tới thần linh rằng đó là nguyện ước của dân làng về sự sinh sôi, no đủ. Theo đó mà thần linh phù hộ cho mùa màng được tốt tươi, người và vật nuôi được sinh sôi phát triển. Cũng là tín ngưỡng phồn thực, nhưng trong chạm khắc đình làng, người nghệ sĩ thường lồng ghép theo nội dung câu chuyện mà mô tả hiện tượng, né tránh những hình thức phản ánh trực tiếp. Điều này đã tạo cho điêu khắc đình làng thêm sức sống, truyền tải được nhiều ý nghĩa khác nhau.
“Nếu không mang trong nó tín ngưỡng phồn thực, không được các chức sắc trong làng đồng ý thì mảng chạm đó sao có thể tồn tại được trong tại thời điểm “ngày khánh thành” đình…”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình quả quyết.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đình làng vẫn còn đó nguyên vẹn những giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội, kiến trúc… của một vùng đất và cư dân địa phương. Thời gian khiến cho đình làng không còn là những thực thể mà trở thành giá trị, nơi gìn giữ những vẻ đẹp văn hóa, tâm linh, nghệ thuật, kiến trúc, lối sống của người Việt trong hàng ngàn năm qua.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhân chứng sống vụ Đàm Vĩnh Hưng bị đứt vài ngón chân gặp ‘biến’, hé lộ thông tin đáng chú ý
Lộ clip nghi hiện trường vụ Đàm Vĩnh Hưng bị đứt vài ngón chân, hành động của nam ca sĩ gây tranh cãi
Chồng Thu Phương hé lộ việc vợ chồng Bích Tuyền chuẩn bị khởi kiện ngược Đàm Vĩnh Hưng
Thương hiệu ‘Lý Tử Thất’ được định giá khoảng 35 nghìn tỷ, hé lộ thu nhập gây 'sốc' mỗi tháng
Thanh Hằng lên tiếng về màn ‘rụng cánh’ gây bão MXH, CĐM phát hiện lời nói ‘bất nhất’ của nữ siêu mẫu
Tiến Luật, Lan Ngọc, Tiểu Vy cùng dàn sao quảng bá văn hóa và nông sản Việt qua "Biệt đội siêu sao"