Hỗ trợ doanh nghiệp

Quan hệ kinh tế với Trung Quốc: Tránh để “theo voi ăn bã mía”

Lợi ích nhóm đang tác động nghiêm trọng khiến có quá nhiều sơ hở không đáng, trong khi chúng ta đang làm ăn kinh tế với một nước được coi là " bậc thầy của mua chuộc, đút lót" như Trung Quốc.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

Lợi ích nhóm đang tác động nghiêm trọng khiến có quá nhiều sơ hở không đáng, trong khi chúng ta đang làm ăn kinh tế với một nước được coi là " bậc thầy của mua chuộc, đút lót" như Trung Quốc.  

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh tại hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), được tổ chức sáng nay (3/7). TS. Lê Đăng Doanh cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc Trung Quốc.
 
Lợi ích nhóm, buôn lậu... dẫn đến tình trạng phụ thuộc
 
Để dẫn tình trạng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng vấn đề lợi ích nhóm là một trong những nguyên nhân nổi cộm, đặc biệt khi chúng ta đang làm ăn kinh tế với một nước được coi là " bậc thầy của mua chuộc, đút lót" như Trung Quốc.
 
“Việt Nam đã trao quá nhiều công trình cho nhà thầu Trung Quốc theo hình thức EPC: 23/24 nhà máy xi măng; 15/20 dự án nhiệt điện đốt than, giao thông, khai khoáng, cho thuê rừng và đất rừng ở vùng biên giới…”, TS. Doanh nói.
 
TS. Doanh cho rằng, lợi ích nhóm tác động nghiêm trọng khiến Việt Nam có quá nhiều sơ hở không đáng dẫn đến tình trạng phụ thuộc Trung Quốc.
 
"Theo số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc được hai bên công bố thì có sự chênh lệch sau. Theo số liệu của Việt Nam, năm 2012 chúng ta công bố nhập khẩu từ Trung Quốc 28 tỷ USD; nhưng theo báo cáo của Trung Quốc thì là 34 tỷ USD. Sở dĩ có sự chênh lệch này là vì Trung Quốc họ thống kê cả số lượng hàng nhập lậu trong khi Việt Nam thì không", TS. Doanh dẫn chứng.
 
Tạo ra sự khác biệt để không "theo voi ăn bã mía"
 
Theo TS. Lê Đăng Doanh, trước tình hình hiện này, chúng ta không nên than phiền việc chúng ta là láng giềng của Trung Quốc, việc chúng ta nằm cạnh một nước lớn.
 
"Nếu ta ở giữa Thái Bình Dương, với quy mô kinh tế thế này thì nhà đầu tư nào quan tâm đến chúng ta? Thế giới quan tâm vì chúng ta nằm ở phía nam Trung Quốc, có địa lý thuận lợi, chúng ta phải tận dụng lợi thế đó bằng năng lực thật sự, tránh bị chơi xấu”.
 
Để "tránh bị chơi xấu", để "nắm đằng chuôi" trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, theo TS. Doanh bên cạnh cải cách thể chế thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải nâng cao năng lực, tạo ra được các sản phẩm khác biệt.
 
Chúng ta nằm bên cạnh Trung Quốc, sản xuất mặt hàng giống Trung Quốc và sử dụng công nghệ của Trung Quốc thì sẽ là "theo voi ăn bã mía", TS. Doanh nhấn mạnh và hoan nghênh một số ít các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra được sản phẩm khác biệt như Bóng đèn phích nước Rạng Đông.
 
Theo tiến sỹ Lê Đăng Doanh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhưng chúng ta phải trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi này bằng trình độ công nghệ, quản lý và thực hiện cú nhảy vượt trội bằng những sản phẩm khác biệt, không thay thế được. 
 
"Để làm sao thiếu sản phẩm của tôi, sản phẩm của anh cũng không hoàn thiện được", TS. Doanh nói.
 
Hơn nữa, nếu mở cửa thị trường mà cơ quan quản lý không nghĩ ra các rào cản kỹ thuật, không kiểm soát việc hàng độc hại tràn vào thì quá trình mở cửa này là mở cửa cho hàng độc hại hại người dân.
 
Do vậy, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Chính phủ Việt Nam nên có sự điều chỉnh nhất định trong chính sách, quan hệ kinh tế với Trung Quốc để giảm bớt rủi ro. Cùng với đó là nâng sự tự chủ trong các ngành của nền kinh tế, mà trước tiên là tự chủ về lương thực, giảm bớt tình trạng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Trung Quốc trong khi đây chính là thế mạnh của Việt Nam.
 
Cùng với đó là nâng cao giá trị tiền đồng, tập trung giải quyết nợ công, thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chất lượng thay vì lôi kéo họ bởi những ưu đãi, tài nguyên và nhân công giá rẻ.
Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo