Hỗ trợ doanh nghiệp

Quảng Ninh - Xác định vị trí để nắm bắt cơ hội

Người ta ví Quảng Ninh như một “Việt Nam thu nhỏ”, với nhiều những điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Song, những năm qua thu hút đầu tư ở Quảng Ninh vẫn chưa thực sự đạt được những kết quả như mong đợi. Đầu tư nước ngoài mới chỉ dừng lại ở con số 3,729 tỷ USD, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của tỉnh.

 Để tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư vào Quảng Ninh trong năm 2012 và những năm tiếp theo, ngày 23-24/2, tại TP. Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ninh 2012. Tại đây, các đại biểu đã định vị, so sánh để làm nổi bật sự khác biệt của Quảng Ninh so với các địa phương khác trên đất nước Việt Nam, từ đó chỉ ra những cơ hội đang đến với Quảng Ninh.

Quảng Ninh ở đâu trên bản đồ quốc gia?
Các đại biểu tham dự hội nghị đều khẳng định, với vị trí thuận lợi, điều kiện tự nhiên ưu đãi và tốc độ phát triển kinh tế luôn ở mức cao, Quảng Ninh có một vị trí quan trọng và thuận lợi cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.
Cụ thể, theo nhìn nhận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Quảng Ninh có một vị trí hết sức thuận lợi, nằm trên địa bàn động lực của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cùng với 2 thành phố Hà Nội và Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh đóng vai trò đầu tàu và có sức lan tỏa lớn trong quá trình phát triển của cả vùng. Là cửa ngõ giao thông quan trọng với nhiều cửa khẩu biên giới, hệ thống cảng biển thuận lợi, nhất là cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cảng nước sâu Cái Lân, Quảng Ninh có điều kiện giao thương thuận lợi với các nước Đông Bắc Á, nhất là đối với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong tương lai, Quảng Ninh sẽ trở thành điểm kết nối quan trọng của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.
Bên cạnh lợi thế về địa lý, kinh tế Quảng Ninh còn có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản; có nhiều di tích văn hóa và di sản thiên nhiên nổi tiếng như vịnh Hạ Long, Yên Tử. Với 250km bờ biển, trên 6.000km2 diện tích mặt biển, hơn 20.000ha eo vịnh và tài nguyên biển phong phú.
Về kinh tế, giai đoạn 2006-2010 tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 12,7%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, khu vực công nghiệp và dịch vụ chiếm hơn 94%, nông nghiệp chiếm 5,6%.
Năm 2011, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng Quảng Ninh vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP 12%, gấp hơn 2 lần mức bình quân của cả nước; GDP theo đầu người đạt trên 2.200 USD; thu ngân sách đạt hơn 29.100 tỷ đồng, đứng thứ 5 cả nước và cao nhất từ trước đến nay.
Từ điều kiện trên, Quảng Ninh đã được chọn là địa bàn trọng điểm trong triển khai Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đặc biệt, với sự kiện vịnh Hạ Long được bình chọn là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, cơ hội đến với Quảng Ninh sẽ là rất lớn. Tuy nhiên để trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2015 theo tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, tỉnh Quảng Ninh cần nắm bắt cơ hội.
Làm gì?                                                                           
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Quảng Ninh cần hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành trung ương và địa phương liên quan thực hiện tốt 4 vấn đề: Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên các công trình có ý nghĩa chiến lược như các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, và các cảng biển; có chính sách phù hợp, tạo ra những đột phá để đến năm 2015 Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, theo hướng gắn với việc bảo vệ tài nguyên và môi trường, phát triển thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn của cả nước; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ quản lý và tay nghề cao, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới và chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi trong thu hút đầu tư; chủ động hội nhập quốc tế để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Quảng Ninh. Có giải pháp và kế hoạch triển khai phù hợp để phát huy hiệu quả Chương trình hợp tác: Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc. Chú trọng phát triển kinh tế biên mậu, xây dựng Móng Cái trở thành thành phố cửa khẩu quốc tế hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển vành đai kinh tế ven biển nối Quảng Ninh với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và nối Quảng Ninh với Quảng Tây - Trung Quốc. Thúc đẩy mạnh thương mại đầu tư giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng để nắm bắt cơ hội tỉnh Quảng Ninh cần xác định đúng vị trí của mình, từ đó xác định đúng khả năng trong tương lai sẽ thu hút đầu tư vào lĩnh vực. Ngoài ra, cũng cần phải có sự đồng thuận trong nội bộ và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thân thiện để thu hút nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Minh Chính - Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Quảng Ninh xác định cải cách môi trường đầu tư và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá và then chốt trong giai đoạn hiện nay nhằm thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội./. 
Hội nghị xúc tiến đầu tư quảng Ninh 2012 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Đây là hội nghị mang tầm cỡ quốc gia, thu hút sự quan tâm của 1.200 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.
Hội nghị cũng vinh dự được đón Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Bà Hà Thị Khiết - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Ông Trần Đức Lương - Nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, và nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, và địa phương tới dự.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án, gồm: Dự án xây dựng nhà máy bột mỳ, trị giá 47 triệu USD; dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Hoành Bồ, trị giá 182 triệu USD và dự án khu biệt thự Lam Ngọc tại đảo Tuần Châu, trị giá 43 triệu USD.

Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ký 18 thỏa thuận hợp tác với các đối tác về tư vấn và xây dựng quy hoạch một số lĩnh vực y tế, hạ tầng cảng biển, đường bộ, du lịch, viễn thông.     


Theo Báo Kinh tế Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo