Quốc tế

Ảnh vệ tinh 3 tiêm kích Nga ở Crimea bị Ukraine phá hủy

Các cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine vào khu vực Crimea đã khiến ít nhất 3 máy bay chiến đấu của Nga bị phá hủy ngay trên đường băng.

Nga chặn hơn 100 UAV Ukaine trong đêm / Em gái ông Kim Jong Un phủ nhận việc cung cấp vũ khí cho Nga

Theo Forbes, cuộc tấn công bằng tên lửa hôm 14/5 của quân đội Ukraine nhắm vào căn cứ không quân Belbek, ngay bên ngoài Sevastopol ở Crimea do Nga kiểm soát, đã phá hủy ít nhất 3 máy bay chiến đấu của không quân và hải quân Nga trên đường băng. Trong số này có 2 tiêm kích đánh chặn MiG-31 và một Su-27 bị phá hủy, ngoài ra còn một MiG-29 bị hư hại.

Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy một số máy bay chiến đấu bị phá hủy trên đường băng. (Ảnh: Maxar)

Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy một số máy bay chiến đấu bị phá hủy trên đường băng. (Ảnh: Maxar)

Trước đó, hãng tin độc lập Astra của Nga cũng cho biết một cặp máy bay chiến đấu MiG-31 đã bị "phá hủy" và hệ thống phòng không S-400 bị hư hại vào đầu giờ sáng 15/5 sau khi Ukraine tấn công căn cứ không quân nằm gần thành phố Sevastopol.

Đây là một trong những tổn thất máy bay lớn nhất trong một ngày của quân đội Nga từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự năm 2022. Tổn thất trong một ngày lớn nhất tính đến nay là vào 5/2023, khi một khẩu đội tên lửa đất đối không Patriot của không quân Ukraine đã bắn hạ ít nhất 4, có thể là 5 máy bay chiến đấu và trực thăng của Nga ở miền nam Nga.

Hình ảnh chiếc máy bay nghi là Su-27 bị phá hủy ở căn cứ không quân Belbek. (Ảnh: Maxar)

Hình ảnh chiếc máy bay nghi là Su-27 bị phá hủy ở căn cứ không quân Belbek. (Ảnh: Maxar)

MiG-31 là một trong những máy bay chiến đấu hiệu quả nhất trong chiến dịch của Nga ở Ukraine. Sở hữu tên lửa R-27 dẫn đường bằng radar tầm bắn hơn 320 km, MiG-31 đã bắn hạ nhiều máy bay chiến đấu của Ukraine và buộc nhiều chiếc khác phải từ bỏ nhiệm vụ.

Sân bay Belbek được bảo vệ bởi tổ hợp tên lửa đất đối không tầm xa S-400 của không quân Nga. Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng phòng không của họ đã đánh chặn 10 tên lửa ATACMS do Mỹ viện trợ trong trận không kích vào Crimea.

 

Chiếc MiG-29 bị hư hại. (Ảnh: Maxar)

Chiếc MiG-29 bị hư hại. (Ảnh: Maxar)

Quân đội Ukraine bắn loạt tên lửa M39A1 có tầm bắn 460 km từ các bệ phóng di động do NATO hoặc Hoa Kỳ cung cấp.

M39A1 là phiên bản bay xa hơn của M39 ATACMS 160 km. Lô ATACMS dẫn đường chính xác đầu tiên mà Mỹ chuyển tới Ukraine vào mùa thu năm ngoái chỉ bao gồm M39. Lô thứ hai gồm hơn 100 tên lửa, được gửi đi vào tháng 4, bao gồm ít nhất một vài quả M39A1.

Christiaan Triebert, nhà báo của tờ New York Times, cho biết hình ảnh vệ tinh trên Maxar cho thấy một kho chứa nhiên liệu gần đường băng chính của căn cứ không quân cũng bị phá hủy và các mảnh vỡ tiếp tục bốc cháy sau đó.

Sergej Sumlenny, người sáng lập của một think tank tại châu Âu cho biết trên X rằng các cuộc tấn công bằng tên lửa từ Ukraine "sẽ làm giảm đáng kể năng lực không kích của Nga".

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm