Quốc tế

Ba nhà thầu Mỹ hợp sức chặn đòn siêu thanh

Để đối phó với sự nguy hiểm của vũ khí siêu thanh, Mỹ tuyên bố chọn 3 hãng Northrop Grumman, Lockheed Martin và Raytheon để phát triển hệ thống phòng thủ mới.

Chuyên gia Nga: S-550 sẽ thuộc loại vũ khí chống vệ tinh / 'Thiên nga trắng' Tu-160M2, đỉnh cao vũ khí Liên Xô được Nga hoàn thiện

Theo Defense News, ban đầu, ba nhà thầu này sẽ nhận được các hợp đồng tổng trị giá 60 triệu USD để phát triển hệ thống đánh chặn theo giai đoạn, có thể hoạt động theo tín hiệu định hướng của chùm vệ tinh và hệ thống cảm biến để chặn tên lửa siêu thanh khi nó đang lướt đến mục tiêu.

Trong ngân sách quốc phòng của Mỹ dành cho phát triển tên lửa trong năm 2022 sẽ chi 136 triệu USD cho nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm và đánh giá hệ thống đánh chặn, nhưng chương trình này cuối cùng có thể tạo ra hàng tỷ USD doanh thu cho các nhà thầu quân sự.

Ba nha thau My hop suc chan don sieu thanh
Hệ thống phòng thủ Mỹ.

Hệ thống đánh chặn mới của Mỹ sẽ dựa trên phương pháp tiếp cận tích hợp, linh hoạt với phòng không và phòng thủ tên lửa, có thể cùng lúc giải quyết các mối đe dọa tên lửa đạn đạo, siêu thanh khác nhau và cho phép phòng thủ chống lại tên lửa hành trình và những hệ thống máy bay không người lái chiến dịch, chiến lược.

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tăng cường mạng lưới trinh sát, giám sát toàn cầu với hệ thống các cảm biến tích hợp trên không gian, trên biển và trên đất liền có khả năng nhanh chóng phát hiện, theo dõi và xác định tọa độ mục tiêu, dẫn đường đánh chặn trên tất cả các giai đoạn bay của tên lửa tới.

Phương pháp tiếp cận của Bộ Quốc phòng Mỹ với khả năng phòng thủ siêu thanh trong khu vực trước tiên tập trung vào phòng thủ, đánh chặn giai đoạn cuối của quỹ đạo tên lửa.

Tính ưu việt của thông tin là rất quan trọng đối với các chiến trường trong tương lai và vô cùng cần thiết để Trí tuệ Nhân tạo (AI) có thể lập kế hoạch và sử dụng các phương tiện đánh chặn nhanh chóng trong môi trường hoạt động chung của các lực lượng.

Để đạt được mục tiêu đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đẩy mạnh phát triển khả năng dự đoán, nhận thức tiên tiến trong không gian tác chiến đa miền, đa lĩnh vực cho kiến trúc chỉ huy và kiểm soát, cho phép đưa ra quyết định kịp thời và chính xác để giải quyết các mối đe dọa trước mắt và trong tương lai.

 

Đề hiện thực hóa hệ thống đánh chặn mới, cùng với các nhà thầu trong nước, Bộ Quốc phòng Mỹ đang phối hợp và liên kết chặt chẽ với các đồng minh và đối tác trong việc phát triển mô hình hệ thống thông tin tình báo, trinh sát và giám sát toàn cầu, đồng thời tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa chung.

Đó là các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các quốc gia NATO, Israel và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh. Trong giai đoạn đầu, hệ thống mới có thể đánh chặn được những tên lửa siêu thanh từ Mach 5, sau đó sẽ chặn được vũ khí bay Mach 10.

Đánh giá về chương trình đầy tham vọng của Mỹ, giới chuyên gia cho rằng, nỗ lực ngăn chặn siêu thanh của Mỹ đã được khởi động khá chậm so với bước tiến của Nga đạt được trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh.

Dù bây giờ mới tuyên bố chọn nhà thầu phát triển nhưng cái đích của Mỹ chỉ là ngăn chặn vũ khí bay tối đa Mach 10, trong khi đó loại tên lửa nhanh nhất hiện nay của Nga là Avangard được xác định có thể bay với vận tốc cực đại Mach 27.

Đến khi Mỹ thành công với hệ thống phòng thủ mới của mình, rất có thể Nga đã có trong tay loại vũ khí còn bay nhanh hơn nữa. "Cùng với phát triển vũ khí siêu thanh trong cuộc đua với Nga, chương trình phòng thủ chống loại vũ khí này của Mỹ được phát triển theo kiểu rượt đuổi", tờ Defense News nhận định.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm