Chùm UAV siêu hạng của Kronstadt: Orion-E, Gelios-AEW và Grom
Chuyên gia: Vũ khí Taliban chiếm giữ sẽ thành sắt vụn / Tên lửa phòng không Nga làm đảo lộn thị trường vũ khí
Công ty Kronstadt là nhà phát triển và sản xuất máy bay không người lái công nghệ cao với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Đây không đơn thuần chỉ là một "think tank" (Viện chính sách, Viện nghiên cứu…) mà là một công ty phát triển sản phẩm mới từ đầu đến cuối, trên tất cả các giai đoạn tạo ra máy bay không người lái: Từ thiết kế, chế tạo, thử nghiệm đến cấp giấy chứng nhận; tạo ra các thành phần trên mặt đất của tổ hợp UAV; phát triển phần mềm, phát triển các quy trình công nghệ và bảo trì thiết bị.
Công ty Kronstadt không chỉ đơn thuần có các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm mà còn có cả cơ sở thử nghiệm riêng.
Tại Diễn đàn kỹ thuật - quân sự quốc tế Army - 2021 được tổ chức vào cuối tháng Tám ở ngoại ô Moscow, công ty Kronstadt đã giới thiệu hầu như tất cả các dòng sản phẩm, đặc biệt đáng chú ý là các mẫu máy bay không người lái tầm cao, tầm xa, gồm cả các phiên bản trinh sát, chỉ huy-cảnh báo sớm lẫn tấn công.
Máy bay Orion-E dành cho thị trường xuất khẩu
Nói về phiên bản xuất khẩu của máy bay tấn công không người lái Inokhodets là Orion-E, Giám đốc điều hành của công ty Kronstadt Sergey Bogatikov cho biết, ở triển lãm Army-2021 giới thiệu phiên bản nâng cấp mới của máy bay không người lái Orion-E. Nó được trang bị thêm hệ thống liên lạc vệ tinh và truyền dữ liệu qua vệ tinh.
Tổ hợp này được thiết kế cho các hoạt động trinh sát, khảo sát địa hình, gây nhiễu và tấn công.
Máy bay không người lái được chế tạo hoàn toàn bằng các linh kiện và vật liệu của Nga. 90% khung máy bay được làm bằng vật liệu tổng hợp, yếu tố này cung cấp cho máy bay hiệu suất bay cao nhất đáp ứng yêu cầu của cả khách hàng trong và ngoài nước. Nhờ đó Orion-E có những lợi thế quan trọng trên thị trường thế giới so với các thiết bị tương tự của các nhà sản xuất khác, chẳng hạn như các công ty của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Trung Quốc.
Loạt vũ khí tấn công mạnh mẽ được trang bị cho UAV Orion-E |
Theo Giám đốc Sergey Bogatikov, các thiết bị trên Orion-E được chế tạo theo khái niệm "cấu trúc mở". Điều này cung cấp khả năng tích hợp các loại thiết bị và các loại vũ khí hiện đại nhất của bất kỳ quốc gia nào vào máy bay không người lái Orion (đây là một lợi thế quan trọng).
Tải trọng chiến đấu của Orion-E lên tới 250 kg. Vũ khí của Orion-E bao gồm bom không điều khiển và bom thông minh (tấn công chính xác), cũng như nhiều loại tên lửa dẫn đường khác. Một tổ hợp Orion bao gồm 3-6 máy bay và trạm kiểm soát bố trí trên mặt đất.
UAV chỉ huy-cảnh báo sớm trên không
Một mẫu máy bay không người lái khác được công ty Kronstadt trình bày tại Diễn đàn Army-2021 là Gelios-AEW. Đây là loại UAV được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, đó là thay thế máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm (Airborne Warning and Control System - AWACS) có người lái, nhưng nó rẻ hơn nhiều.
Máy bay có kích thước khá ấn tượng (chiều dài - 12,6 m, sải cánh như dù lượn thể thao - 30 m) với đuôi hình chữ V, chạy động cơ phản lực cánh quạt. Gelios có khả năng duy trì hoạt động ở cự li 3.000km, nâng độ cao tầm bay lên đến 11.000m và treo lơ lửng trong tối đa 30 giờ, bay lượn từ từ với tốc độ 450 km/giờ.
“Đây là loại máy bay không người lái với hệ thống cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (Airborne Early Warning and Control (AEW&C) - ông Sergei Bogatikov cho biết máy bay không người lái sẽ "nhìn thấy" các mục tiêu cách xa hơn so với máy bay AWACS tiên tiến nhất có phi hành đoàn.
Gelios có thể thực hiện nhiệm vụ trên không trong một thời gian rất dài. Không một máy bay có người lái nào, ngay cả khi được tiếp nhiên liệu trên không, có thể có thời gian bay dài như vậy.
Con người sẽ cảm thấy mệt mỏi nên những chiếc AWACS chỉ bay được vài giờ, còn những người điều khiển máy bay không người lái ở trạm chỉ huy-điều khiển trên mặt đất có thể thay phiên nhau và UAV sẽ bay liên tục đến khi nào cần hạ cánh chăm sóc kỹ thuật.
Máy bay không người lái cảnh báo sớm và kiểm soát trên không Gelios-AEW |
Gelios-AEW có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp với máy bay có người lái AWACS và các hệ thống phòng thủ bố trí trên mặt đất thành một chỉnh thể của hệ thống phòng không đất nước.
UAV tấn công hạng nặng Grom
Tại Diễn đàn Army-2021, công ty Kronstadt cũng giới thiệu máy bay không người lái tấn công hai động cơ tốc độ cao Grom.
Đây là một dự án đang phát triển, chiếc Grom trông giống các máy bay chiến đấu có người lái thế hệ thứ 5 (Su-57, F-22, F-35).
Nó có tải trọng cất cánh tối đa là 7 tấn, có thể bay với vận tốc từ 800 km/giờ đến 1000 km/giờ trên độ cao đến 12.000 m.
Grom có thể mang theo tải trọng chiến đấu tới 2 tấn, gồm: Bom thông thường và bom dẫn đường 100, 250, 500 kg và tên lửa đất đối không, bao gồm cả tên lửa chống radar.
Ông Sergei Bogatikov cho biết: “Phương tiện bay này đang được thiết kế có tính đến các công nghệ tàng hình để chọc thủng hệ thống phòng không với vũ khí công nghệ cao của đối phương”.
Nhà lãnh đạo của Kronstadt tiết lộ khái niệm về chiến thuật áp dụng cho các cuộc tấn công từ trên không trong tương lai như sau: Máy bay không người lái sẽ thực hiện làn sóng tấn công đầu tiên, chọc thủng hàng phòng thủ của đối phương; sau đó các máy bay tấn công có người lái sẽ hoạt động.
Ngoài khả năng hoạt động độc lập, UAV này còn có khả năng phối hợp với các chiến đấu cơ không người lái, chịu sự chỉ huy của máy bay không người lái để thực hiện các phi vụ tấn công kết hợp.
Máy bay tấn công không người lái hạng nặng hai động cơ Grom |
Tương lai tươi sáng của xuất khẩu UAV Nga
Theo tiết lộ của giới chức công nghiệp quốc phòng Nga, trong khuôn khổ Diễn đàn Army-2021, công ty Kronstadt cùng với Rosoboronexport đã tiến hành đàm phán với phái đoàn từ 20 quốc gia về cung cấp tổ hợp máy bay không người lái Orion-E.
Nói chung, tại Diễn đàn lần này, công ty đã có 40 cuộc gặp với các bộ trưởng quốc phòng, thứ trưởng quốc phòng, đại diện các doanh nghiệp công nghiệp từ các nước SNG, Đông Nam Á, Trung Đông và Châu Phi để thảo luận về hợp tác kỹ thuật - quân sự.
Ngoài chức năng quân sự, UAV Nga còn có khả năng sử dụng bổ trợ trong lĩnh vực dân dụng. Ví dụ các máy bay trinh sát Orion khi cần có thể được điều động đến những khu vực xa xôi để phát hiện, xác định chính xác tọa độ của vùng cháy để giúp những người lính cứu hỏa đến mục tiêu.
Theo ông Sergey Bogatikov, thị trường UAV hiện đang diễn ra sự cạnh tranh rất khốc liệt. Hiện nay, không ai mua thiết bị, đặc biệt là thiết bị quân sự, nếu nhà sản xuất không cung cấp dịch vụ hậu mãi hoặc thậm chí nếu không có khả năng tổ chức sản xuất tại chỗ.
Do đó, ông ty đang xem xét khả năng nội địa hóa sản xuất thiết bị trực tiếp tại các nước đặt hàng và ký kết hợp đồng với thời hạn là “suốt vòng đời” với khách hàng nước ngoài để bảo trì thiết bị của Kronstadt trong khoảng thời gian cần thiết, thậm chí cho đến khi nó bị hao mòn hoàn toàn.
Ví dụ như tổ hợp Orion-E có thời gian hoạt động dài 20 năm, có tính đến những lần nâng cấp và sửa chữa. Và Kronstadt sẽ đảm bảo cung cấp dịch vụ hậu mãi cho khách hàng đến khi nào họ ngừng sử dụng sản phẩm của công ty.
End of content
Không có tin nào tiếp theo