Chuyên gia Mỹ: Rất khó để chống lại tên lửa Iran
Nga cảnh báo trả đũa nếu Mỹ lắp đặt tên lửa ở Nhật / Ukraine đang thử tên lửa hành trình có khả năng tấn công Evpatoria
Nhận định được vị chuyên gia Mỹ đưa ra khi nói về thành phố tên lửa ngầm Iran tuyên bố vừa khánh thành. Hình ảnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) công bố hôm 15/3, cho thấy căn cứ ngầm được trang bị nhiều loại tên lửa đạn đạo và hành trình có tầm bắn khác nhau.
Bên trong căn cứ tên lửa ngầm vừa khánh thành của Iran. |
Thành phố ngầm này còn gồm nhiều giếng phóng và hầm chứa tên lửa dưới lòng đất, đủ khả năng chống chịu các cuộc tấn công bằng khí tài tác chiến điện tử của đối phương.
Mặc dù vậy, chuyên gia Mỹ cho rằng, hiện chưa rõ căn cứ tên lửa mới của Iran được trang bị hệ thống vận chuyển và phóng nhanh tên lửa do nước này phát triển hay không.
Mỗi hệ thống như vậy có thể chứa tới 4 tên lửa tầm xa, từng xuất hiện trong những video và ảnh về các căn cứ tên lửa ngầm khác của Iran. Iran nhiều lần công bố hình ảnh bên trong các căn cứ tên lửa ngầm của mình từ năm 2015.
Các cơ sở này không chỉ là nơi lưu giữ và lắp ráp tên lửa đạn đạo, mà còn có giếng phóng kiên cố cho phép khai hỏa tên lửa mà không lộ bệ phóng, tránh nguy cơ bị đối phương phát hiện và tập kích.
"Iran đã thiết lập hàng loạt thành phố tên lửa ngầm dọc bờ biển giáp vịnh Ba Tư và vịnh Oman. Chúng sẽ là cơn ác mộng với kẻ thù của Iran", Chuẩn đô đốc Ali Reza Tangsiri, tư lệnh lực lượng trên biển của IRGC tuyên bố.
Những năm gần đây, Iran mạnh tay đầu tư cho hệ thống hầm ngầm nhằm tăng năng lực răn đe khiến Mỹ và đồng minh có thể trả giá đắt nếu nổ ra xung đột. Hệ thống hầm ngầm của Iran được đánh giá đủ sức biến xung đột hạn chế thành cuộc chiến dài hơi phức tạp với quy mô lớn hơn nhiều so với dự kiến.
Tehran cũng rất tích cực phát triển và nâng cấp ngành công nghiệp quốc phòng do bị cấm mua vũ khí nước ngoài theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Iran tự sản xuất từ vũ khí cá nhân đến chiến hạm, tên lửa, bệ phóng, máy bay không người lái và thậm chí cả tiêm kích.
Hiện chưa rõ số lượng cụ thể các loại tên lửa chứa trong căn cứ ngầm mới nhất của Iran nhưng theo chuyên gia Doreen Horschig, chúng đủ mạnh để nhấn chìm mọi chiến hạm, căn cứ kiên cố và đủ xa để vươn tới mọi căn cứ của Mỹ và đồng minh trong khu vực.
Cùng quan điểm với chuyên gia Doreen Horschig, tướng Frank McKenzie, Chỉ huy hàng đầu của Hoa Kỳ ở Trung Đông cũng cho rằng, tên lửa Iran đang là thách thức lớn nhất với lực lượng Mỹ trong khu vực và đặt phòng thủ Mỹ trước bài toán đánh chặn chưa có lời giải.
Tướng Mỹ cũng nhắc lại ký ức kinh hoàng vào đêm rạng sáng ngày 8/1/2020, khi Iran nã hàng chục tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào Ein Al-Assad, nơi đóng quân của quân đội Mỹ ở tỉnh Al-Anbar, miền Tây Iraq.
Vị tướng Mỹ mô tả đó là một cuộc tấn công "chưa từng thấy", đồng thời lưu ý mức độ chính xác của tên lửa Iran. "Họ (Iran) tấn công dồn dập vào nơi họ muốn", ông Frank McKenzie nói.
Tướng Mỹ tuyên bố, ông có đủ thời gian để sơ tán căn cứ 1.000 quân và 50 máy bay, khi tình báo Mỹ phát hiện Iran chuẩn bị cho cuộc tấn công tên lửa. Nếu việc di tản không được thực hiện, lực lượng Mỹ có thể đã tổn thất 20 - 30 máy bay và 100-150 binh sĩ.
Nhiều ngày sau cuộc tấn công, Lầu Năm Góc xác nhận hơn 100 binh sĩ đã bị chấn động não trong các cuộc tấn công tên lửa của Iran, loại thương tích theo Bộ Quốc phòng Mỹ là rất nghiêm trọng.
Căng thẳng đã gia tăng ở khu vực vùng Vịnh kể từ khi Mỹ tái áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran vào năm 2018 sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Mỹ và Iran cùng các lực lượng thân Iran đã thực hiện các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau. Dù mức độ thiệt hại không nhiều nhưng chừng đó cũng đủ cho thấy cuộc đối đầu giữa hai bên đang ngày cảng bị đẩy lên cao.
End of content
Không có tin nào tiếp theo