Gần 140 quốc gia đồng ý mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu
Nga, Azerbaijan dốc sức giúp châu Âu thoát khủng hoảng năng lượng / Đại dịch COVID-19 giáng đòn mạnh và biến đổi kinh tế Trung Quốc như thế nào?
OECD cho hay, các nước đang kỳ vọng sẽ đưa thỏa thuận đột phá này thành một công ước được ký kết vào năm 2022 và có hiệu lực vào năm 2023.
Theo đó, từ năm 2023, tỷ lệ thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ được áp dụng cho các công ty có thu nhập từ 750 triệu euro (870 triệu USD) trở lên. Ước tính, mức thuế này sẽ giúp các chính phủ bổ sung khoảng 150 tỷ USD/năm vào thu nhập từ thuế.
Thỏa thuận trên cũng sẽ giúp tái phân bổ hơn 125 tỷ USD lợi nhuận từ khoảng 100 công ty đa quốc gia lớn nhất và thu lời nhiều nhất trên khắp thế giới, đảm bảo rằng các công ty này trả phần thuế công bằng dù họ vận hành và sinh lợi nhuận ở đâu.
Tuy nhiên, OECD nhấn mạnh rằng thỏa thuận trên không tìm cách loại bỏ cạnh tranh về thuế, mà thay vào đó áp đặt các giới hạn về thuế đã được nhất trí ở cấp độ đa phương. OECD cho biết năm 2022, tất cả các thành viên sẽ ký vào một công ước đa phương về thực thi hiệu quả cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu mới vào năm 2023.
Thỏa thuận trên sẽ chấm dứt 4 thập kỷ nỗ lực chạy đua nhằm thu hút đầu tư và tạo việc làm trên khắp thế giới. Mặc dù vậy, con số 15% vẫn thấp hơn rất nhiều thuế suất trung bình khoảng 23,5% ở các nước công nghiệp hóa.
Đáng chú ý, Ireland, Estonia và Hungary - những quốc gia trước đó kiên quyết phản đối mức thuế 15% - rốt cuộc cũng đã từ bỏ lập trường và tham gia thỏa thuận.
Ngăn chặn "cuộc đua xuống đáy"
Hãng tin Reuters nhận định, việc các nước đạt được thỏa thuận về thuế tối thiểu phản ánh tình hình tài chính ở các nước đang căng thẳng vì dịch COVID-19. Ngoài chi cho chống dịch, các nước còn phải chi cho những gói trợ cấp người dân và doanh nghiệp để cứu nền kinh tế.
Không chỉ ngăn chặn "cuộc đua xuống đáy" tức việc các nước đua nhau giảm thuế để thu hút các doanh nghiệp, thỏa thuận này còn chặn hiện tượng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài - một chiêu né thuế cao của các tập đoàn xuyên quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng một số bộ trưởng tài chính các nước châu Âu hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận, và cho rằng điều này sẽ giúp cuộc chơi trở nên công bằng hơn. Song, vẫn có những nghi ngờ về tương lai của thỏa thuận khi một số quốc gia đang phát triển muốn áp mức thuế cao hơn cho biết lợi ích của họ đã bị gạt sang một bên để phù hợp với lợi ích của các nước giàu.
Tờ Financial Times cho hay, 136 quốc gia cũng đồng ý với lệnh cấm kéo dài hai năm đối với việc áp thuế mới đối với các tập đoàn công nghệ như Google và Amazon trong khi chính quyền Tổng thống Joe Biden cố gắng phê chuẩn thỏa thuận ở Mỹ. Đây là cuộc cải cách thuế doanh nghiệp lớn nhất trong hơn một thế kỷ do OECD điều hành - bao gồm mức thuế doanh nghiệp tối thiểu có hiệu lực trên toàn cầu là 15%, cộng với các quy định mới để buộc các công ty đa quốc gia trên thế giới phải kê khai lợi nhuận và trả nhiều tiền hơn ở các quốc gia mà họ hoạt động kinh doanh.
Những khó khăn trong việc thực hiện thỏa thuận trở nên rõ ràng khi bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ thúc giục Quốc hội "nhanh chóng" ban hành các đề xuất bằng cách sử dụng cái gọi là quy trình hòa giải (reconciliation process), cho phép các dự luật được Thượng viện thông qua với đa số tán thành. Bà Janet Yellen cho rằng thỏa thuận này là một "thành tựu duy nhất trong một thế hệ về ngoại giao kinh tế".
Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann đánh giá, thỏa thuận này sẽ giúp cho hệ thống thuế doanh nghiệp quốc tế "công bằng hơn và hoạt động tốt hơn". Tuy nhiên, ông Mathias Cormann cũng thừa nhận những khó khăn trong việc đưa hiệp định vào luật, đồng thời kêu gọi các nước "làm việc nhanh chóng và chăm chỉ để đảm bảo thực hiện hiệu quả cuộc cải cách lớn này".
OECD cho biết, thỏa thuận sẽ được gửi lên hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào ngày 13/10 để chính thức ký kết sau đó chuyển tới hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng này tại Rome (Italy) để phê chuẩn cuối cùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo