Hai mẫu tiêm kích nổi trội của người Nga thời hậu Xô Viết
Anh đe dọa tấn công Syria bằng tiêm kích tàng hình F-35B / Năm 2023, Thổ sẽ có tiêm kích mạnh hơn F-35
Ngày 5/9, Nga tổ chức duyệt binh kỷ niệm 76 năm Ngày Chiến thắng Phát xít trên Quảng trường Đỏ với sự xuất hiện của hơn 12.000 binh sĩ, 190 phương tiện cơ giới và 76 máy bay quân sự. Tại buổi lễ, màn phô diễn trên không của quân đội Nga được đặc biệt chú ý, với điểm nhấn thuộc về hai mẫu máy bay quân sự đời mới: Su-57 và Su-34.
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57
Chính thức tham gia duyệt binh lần đầu tiên hồi năm ngoái, Su-57 tiếp tục là điểm nhấn được quan tâm hàng đầu trong buổi lễ duyệt binh ngày 9/5. Nhóm 4 chiếc Su-57 bay qua Quảng trường Đỏ theo đội hình vào khoảng 11h10 sáng (giờ địa phương), theo sau là dàn tiêm kích Su-30 và Su-35S.
Su-57 là tiêm kích chiến đấu thế hệ 5 mới nhất của Nga, được thiết kế để thay thế cùng lúc những chiếc MiG-29 Fulcrum và Su-27 Flanker. Su-57 là mẫu tiêm kích chiến đấu thế hệ 5 đầu tiên do Nga nghiên cứu, phát triển mới toàn bộ thời hậu Xô Viết.
Theo RT, nguyên mẫu Su-57 đầu tiên cất cách lần đầu năm 2010 dưới tên gọi T-50 PAK-FA và được nghiên cứu, thử nghiệm bởi tập đoàn Sukhoi nhiều năm tiếp theo, trước khi lô sản xuất hàng loạt đầu tiên được bàn giao chính thức cho quân đội vào tháng 3/2021. Vào các năm 2018 và 2019, Nga từng triển khai Su-57 tới Syria để thử nghiệm tác chiến thực tế và tiếp tục cải tiến.
Tiêm kích Su-57. Ảnh: TASS. |
Nhờ thiết kế bề ngoài độc đáo, lớp phủ hấp thụ sóng cùng công nghệ plasma, Su-57 được đánh giá là mẫu tiêm kích có khả năng tàng hình tốt trước radar đối phương.
Mẫu máy bay của Nga có vận tốc tối đa 2.600 km/giờ (tầm bay 5.500 km), nhanh hơn máy bay F-22 Raptor của Mỹ (2.410 km/giờ). Su-57 cũng được đánh giá có độ cơ động tốt hơn F-22 và F-35 của Mỹ. Về giá cả, theo RT, Su-57 có giá khoảng 50 triệu USD mỗi chiếc, trong khi giá của F-22 là 143 triệu USD.
Moscow hiện đang tiếp tục phát triển động cơ Izdeliye 30 cho chiếc tiêm kích, nhằm thay thế động cơ Izdeliye 117 (AL-41F1) dựa trên phiên bản được trang bị trên tiêm kích thế hệ 4++ Su-35S, qua đó tăng cường hơn nữa khả năng tàng hình và độ cơ động.
Tên lửa được giấu trong khoang kín trên Su-57. Ảnh: ITN. |
Điểm nhấn tiếp theo của Su-57 là việc nó sở hữu thiết bị điện tử dựa trên trí tuệ thông minh nhân tạo, khiến phi công vừa có thể điều khiển và vận hành vũ khí trên chiến đấu cơ cùng một thời điểm. Su-57 chỉ cần một phi công, thay vì hai phi công như một số mẫu máy bay chiến đấu khác.
Các nguồn tin quốc phòng Nga khẳng định Su-57 còn có khả năng chỉ huy một nhóm máy bay khác, bao gồm máy bay không người lái tấn công thế hệ 5 Okhotnik. Hình ảnh về hai thiết bị bay này cùng hoạt động đã được tiết lộ với công chúng vào năm 2019.
Về vũ khí, loại tiêm kích này có thể mang theo gần 10 tấn vũ khí giấu trong khoang kín hoặc giá treo bên ngoài, phục vụ không chiến hay tấn công các mục tiêu dưới mặt đất hoặc trên mặt biển. Nga cũng đang nghiên cứu một mẫu tên lửa siêu vượt âm kích thước nhỏ để trang bị trên khoang vũ khí kín của Su-57.
"Thú mỏ vịt" Su-34
Đầu tháng 10/2015, 6 chiếc tiêm kích bom Su-34 của quân đội Nga đã được phát hiện hạ cánh xuống phi trường Latakia, tham gia vào lực lượng mà Moscow triển khai ở Syria. Trong gần 5 năm tham chiến tại Trung Đông, Su-34 đã tiến hành hàng ngàn vụ tấn công vào các cơ sở của tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Một chiếc Su-34 Nga chuẩn bị cất cánh đi tiêu diệt các mục tiêu IS ở Syria. Ảnh: Sputnik. |
Theo hãng tin Nga Sputnik, Su-34 cũng chính là tác giả của vụ không kích mà Nga tin là đã tiêu diệt thủ lĩnh của tổ chức khủng bố IS Abu Bakr al-Baghdadi ở thành phố Raqqa, Syria vào tháng 5/2017.
Sau màn phô diễn hiệu quả tại Syria, tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport tiết lộ, một số quốc gia Trung Đông như Jordan hay Algeria đã lên kế hoạch đặt hàng gần 40 chiếc Su-34 của Nga.
Có biệt danh "Thú mỏ vịt" nhờ phần mũi bẹt, Su-34 là dòng tiêm kích bom hiện đại được chế tạo để thay thế cho máy bay ném bom chiến thuật Su-24 vốn đã khá già cỗi, được biên chế cho quân đội lần đầu năm 2014. Ngoài nhiệm vụ tấn công mặt đất, Su-34 còn có khả năng không chiến tốt nhờ trang bị các loại tên lửa tầm ngắn và tầm xa.
Su-34 được trang bị hệ thống radar cho phép phát hiện mục tiêu bay ở cự ly đến 120 km, đồng thời bám theo 10 mục tiêu và bắn 4 mục tiêu trong số đó. Tầm phát hiện mục tiêu mặt đất tùy thuộc kích thước là từ 30-100 km.
Là chiến đấu cơ được thiết kế theo yêu cầu của một máy bay ném bom tiền tuyến, Su-34 có khả năng tải trọng vũ khí lớn, buồng lái được bọc giáp vững chắc, có thể tiến hành tiếp dầu trên không và tầm bay rất xa.
Su-34 "ngửa bụng" khoe vũ khí. Ảnh: MAKS Sukhoi. |
Về hỏa lực, Su-34 sở hữu 12 giá treo vũ khí gồm 8 điểm dưới cánh và 4 điểm dưới thân để lắp các loại vũ khí hiện đại nhất mà Nga sở hữu.
Tùy theo nhiệm vụ chiến đấu, máy bay sẽ được lắp đặt các loại bom đạn khác nhau như các tên lửa không đối không có điều khiển R-27, R-73 và R-77, bom có điều khiển KAB-500, KAB-1500, rocket hoặc các loại bom cỡ 500 kg.... Khi làm các nhiệm vụ phục vụ hải quân, Su-34 có thể "cõng" các thùng chứa các phao vô tuyến.
End of content
Không có tin nào tiếp theo