Quốc tế

Hải quân Mỹ tăng cường trang bị tên lửa diệt hạm LRASM

Theo Tạp chí quân sự Janes, Hải quân Mỹ và hãng chế tạo Lockheed Martin đã đạt được thỏa thuận cung cấp bổ sung tên lửa diệt hạm thế hệ mới AGM-158C LRASM. Số tên lửa này sẽ được bổ sung vào nguồn dự trữ tên lửa chiến đấu của Hải quân Mỹ.

UAV tấn công căn cứ Nga ở Syria: Vũ khí “giết người, giấu tay” khiến cả thế giới sững sờ / Nga vô tình có dữ liệu bí mật của Quân đội Ukraine

Năm 2017, Hải quân Mỹ đã đặt mua 23 tên lửa LRASM đầu tiên phục vụ quá trình thử nghiệm và đánh giá. Dòng tên lửa diệt hạm mới của Lockheed Martin đã vượt qua các bài thử nghiệm và Hải quân Mỹ quyết định đưa vào trang bị quy mô lớn. Thông tin về thỏa thuận trên không được công bố cụ thể, nhưng nhiều khả năng Hải quân Mỹ sẽ nhận lô tên lửa LRASM mới vào năm 2023.

Được giới thiệu từ năm 2015, tên lửa AGM-158C LRASM được coi là loại tên lửa diệt hạm hàng đầu thế giới. Quá trình phát triển tên lửa LRASM dựa theo nguyên mẫu tên lửa không đối đất JASSM-ER của Không quân Mỹ. Trong tương lai, LRASM sẽ thay thế cho dòng tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon đã lỗi thời.

Tên lửa AGM-158C LRASM.

Điểm mạnh của LRASM chính là hệ thống dẫn đường hiện đại, khó bị gây nhiễu. Hệ thống này kết hợp giữa hiệu chỉnh pha giữa thông qua tín hiệu dẫn từ tàu mẹ, cũng như khả năng bay theo điểm mốc định vị giúp LRASM có quỹ đạo bay rất khó đoán và khó ngăn chặn. Ở pha tiếp cận, tên lửa diệt hạm Mỹ sử dụng hệ thống đầu dò radar chủ động và ảnh quang-hồng ngoại giúp nâng cao tỷ lệ đánh trúng mục tiêu, kể cả trong điều kiện nhiễu động thời tiết và đối kháng điện tử mạnh.

Bên cạnh đó, tên lửa LRASM áp dụng thiết kế khí động học mới kết hợp cùng với vật liệu tổng hợp và lớp phủ giảm phản xạ tín hiệu radar giúp nó có khả năng tàng hình và khiến việc phát hiện và đánh chặn nó trở nên rất khó khăn.

Với đầu đạn nổ phân mảnh nặng khoảng 450kg, tên lửa LRASM có thể dễ dàng vô hiệu hóa tàu chiến mặt nước tải trọng 10.000 tấn trong tầm bắn hiệu quả khoảng 550km, xa gần gấp đôi so với dòng tên lửa diệt hạm Harpoon hiện nay. Lockheed Martin cũng phát triển biến thể bay với vận tốc siêu âm của LRASM, nhưng các vấn đề kỹ thuật và giá thành đã khiến Lầu Năm góc từ chối trang bị biến thể đặc biệt này.

Ngoài khả năng chống hạm, tên lửa LRASM cũng có kèm khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất, cũng như có thể phóng từ giếng phóng thẳng đứng Mk-41 tiêu chuẩn trên phần lớn chiến hạm theo chuẩn NATO hiện nay. Quân đội Mỹ dự kiến, LRASM sẽ là vũ khí diệt hạm tiêu chuẩn của Không quân và Hải quân. Nhiều quân đội quốc gia đồng minh của Mỹ hiện cũng quan tâm tới khả năng trang bị dòng tên lửa diệt hạm tàng hình này.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm