Quốc tế

Kí ức kinh hoàng về trận bão lửa thiêu trụi Tokyo năm 1945

Vào một đêm sáng trời tháng 3/1945, hơn 300 oanh tạc cơ B-29 của Mỹ dội liên tiếp 1.500 tấn bom xuống thủ đô Tokyo, tạo ra một trận bão lửa bao trùm thành phố và có thể đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, chỉ trong vài giờ.

Nhật Bản xuất khẩu radar phòng không sang Philippines / Nhật Bản đưa vào trang bị khu trục hạm phòng thủ tên lửa thế hệ mới

Kí ức buồn của cô bé 8 tuổi

Bà Haruyo Nihei giờ đã 83 tuổi, nhớ lại: “Ngọn lửa thiêu rụi mọi thứ, biến chúng thành những quả cầu lửa”. Khi ấy Nihei đang say giấc ngủ thì cơn mưa bom bắt đầu dội xuống Tokyo, tiếng bom dội đến buộc cô vùng dậy và bỏ chạy cùng cha mẹ, anh em. Khi Nihei ra đường, những cơn gió nóng liên tiếp tạt qua khiến chiếc mền chống lửa của cô bé bốc cháy, cô phải buông tay cha để ném chiếc mền đi. Đúng lúc đó, cô bị cuốn vào dòng người đang chạy trốn trong hoảng loạn tột đỉnh.

Khi ngọn lửa đến gần, Nihei đang ở giữa một ngã tư, hét lên trong vô vọng tìm cha. Vào khoảnh khắc đó, cô thấy cánh tay một người lạ cố gắng ôm và giúp cô tránh lửa. Ngày càng nhiều người dồn đến ngã tư, Nihei bị xô ngã xuống đất. Nihei cứ ngất đi rồi tỉnh lại trong dòng người, cô nhớ như in những giọng nói như bị bóp nghẹt: “Chúng ta là người Nhật. Chúng ta phải sống”.

Cuối cùng, những tiếng nói đó nhỏ dần rồi tan biến. Khi Nihei được lôi ra khỏi đống người, cô thấy cơ thể mình lấm lem trong bùn, tro và mơ hồ nhận ra người lạ che chở cho cô chính là cha mình. Khi cả hai ngã xuống đất, họ may mắn được những người gục xuống sau che chắn khỏi ngọn lửa, những người trên cha con cô đã cháy thành cong queo...

Vụ ném bom Tokyo năm 1945 để lại những ký ức đau thương với nhiều người Nhật. Ảnh: CNN

Đó là ký ức kinh hoàng của Nihei về buổi sáng 10/3/1945, và bà là một trong những người hiếm hoi sống sót trong trận đánh bom kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại. CNN cho biết khoảng 100.000 người Nhật đã thiệt mạng và một triệu người khác bị thương, hầu hết là dân thường, khi hơn 300 máy bay ném bom B-29 của Mỹ đã thả 1.500 tấn bom vào thủ đô Nhật Bản, song số người chết trong một báo cáo mà Aviationist công bố có thể lên đến 200.000 người.

Báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ thừa nhận, số người thiệt mạng trong vụ đánh bom này còn lớn hơn vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki cuối năm 1945, lần lượt là 70.000 và 46.000 người chết. Hỏa ngục do cơn mưa bom gây ra biến 40 km vuông thủ đô Tokyo thành tro bụi. Một triệu người mất sạch nhà cửa.

Màn chào sân "rợn người" của B-29

Nỗi kinh hoàng mà Nihei nhìn thấy đêm hôm đó là kết quả của Chiến dịch Meetinghouse (Ngôi nhà gặp gỡ), vụ kinh hoàng nhất trong một loạt các cuộc không kích nhằm vào Tokyo của Mỹ từ tháng 2/5/1945. Tướng Curtis LeMay, chỉ huy lực lượng máy bay ném bom Mỹ ở Thái Bình Dương, đóng vai trò đầu tàu trong những vụ tấn công này. LeMay sau đó cũng chính là người đã phát động cuộc không kích vào Triều Tiên và ủng hộ ý tưởng về một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu chống lại Nga trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba vào tháng 10/1962.

Mặc dù Tổng thống Mỹ đương thời Franklin Roosevelt gửi đi thông điệp tới tất cả các nước tham chiến cảnh báo kêu gọi họ kiềm chế “sự man rợ vô nhân đạo” của việc đánh bom nhằm vào dân chúng khi chiến tranh bùng nổ ở châu Âu vào năm 1939, và đến năm 1945, nhưng chính sách này đã thay đổi. Sau cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng vào ngày 7/12/1941, Mỹ đã quyết tâm trả đũa. Đến năm 1942, đế chế Nhật Bản ở Thái Bình Dương đang ở thời kỳ mạnh nhất. Các nhà hoạch định chiến tranh Mỹ đã đưa ra một danh sách, mục tiêu quan trọng của Tokyo cần xóa sổ, từ căn cứ máy bay đến các nhà máy sản xuất ổ bi.

 

Về phương tiện, những chiếc B-29 ban đầu được thiết kế để tấn công Đức Quốc xã từ lục địa Mỹ trong trường hợp Anh rơi vào tay lực lượng của Hitler, song trong tình thế lúc đó, với khả năng bay nhanh và mang được nhiều bom, B-29 trở thành là vũ khí lý tưởng để gây chiến với Nhật Bản. Máy bay ném bom này là đỉnh cao của 20 năm tiến bộ hàng không trước thời Thế chiến II và là chiếc đầu tiên có thân và khoang điều áp, cho phép chúng hoạt động ở độ cao hơn 5400m mà phi hành đoàn không cần mặt nạ oxy. Điều này khiến B-29 vượt qua khỏi tầm bắn của hầu hết các loại súng phòng không và có đủ thời gian trước khi các máy bay chiến đấu có thể vươn đến chúng.

Những quả bom lửa được thả xuống từ máy bay B-29. Ảnh: AP.

Cần nhắc lại rằng, chiến dịch này diễn ra trong bối cảnh Thế chiến II đang đi tới hồi kết, khi Mỹ liên tục tấn công và chiếm được các hòn đảo chiến lược trên Thái Bình Dương từ tay đế quốc Nhật. Sự chống trả quyết liệt của lính Nhật khiến Mỹ lo ngại thương vong lớn nếu đổ bộ lên lãnh thổ Nhật Bản.

Washington quyết định thực hiện hàng loạt đợt không kích nhằm mục đích cuối cùng là buộc Tokyo đầu hàng vô điều kiện. Bởi vậy, khi mà bom hạt nhân đang trong giai đoạn phát triển, Mỹ quyết định sử dụng bom cháy E46 để tăng tối đa sức hủy diệt tại thành phố mà hầu hết nhà cửa được làm từ gỗ.

Gần nửa đêm 9/3/1945, từ các đảo Saipan, Tinian và Guam trên Thái Bình Dương, những chiếc B-29 bắt đầu rời khỏi căn cứ cho chuyến đi 2.400km kéo dài tới 7 giờ bay liên tục. Sáng sớm 10/3, khi người dân Tokyo vẫn còn say giấc ngủ, những tiếng rít của máy bay, của bom và của lửa khói từ từ “nuốt chửng” thành phố.

Có thực sự cần thiết?

 

Dù mang quy mô lớn, chiến dịch này hầu như không được nhắc đến trong các cuốn sách lịch sử về Thế chiến II của Mỹ. Rất ít người biết về Meetinghouse, trong khi các bài học lịch sử gần như không bao giờ nhắc tới cuộc không kích đẫm máu này. Ngày nay, ở một góc yên tĩnh của phường Koto, Tokyo, một tòa nhà hai tầng trông có vẻ như một nhà dân nhưng trên thực tế là nơi hiếm hoi lưu giữ chút ít tư liệu về cuộc không kích Tokyo.

Bà Nihei từng không dám đến đây vì sợ những ký ức ám ảnh lại hiện về. Đến tận năm 2002, bà mới quyết định nhờ một người bạn đi cùng, song khi vào trong. Đập vào mắt bà là hai hình ảnh khiến bà bàng hoàng. Đó là bức tranh về những thi thể cháy đen không lành lặn chồng chất lên nhau. “Nó khiến những ký ức về ngày hôm đó dội về và tôi thực sự cảm thấy như mình mang nợ với tất cả những người đã chết để kể cho người khác biết chuyện gì đã xảy ra ngày hôm đó”,- bà Nihei nói.

Hình ảnh thứ hai miêu tả đường chân trời rực đỏ của Tokyo. Ngay phía trên nó, những đứa trẻ ngồi trên một đám mây. “Hình ảnh làm tôi nhớ đến những người bạn thân nhất của tôi và điều đó khiến tôi nghĩ rằng họ vẫn đang có khoảng thời gian vui vẻ ở một nơi khác”,- Nihei nói. Trong số những người Nhật Bản bị thiệt mạng ngày 10/3/1945, có 6 người bạn thân của Nihei. Họ đã chơi cùng nhau vào buổi chiều muộn hôm trước. “Chúng tôi đã chơi bên ngoài cho đến lúc hoàng hôn. Chúng tôi đã chơi các trò chơi nhập vai chiến tranh. Mẹ tôi gọi bữa tối đã sẵn sàng và chúng tôi hứa sẽ gặp lại nhau vào ngày hôm sau”,- Nihei nhớ lại.

Rõ ràng, vụ không kích khiến người Nhật tổn thất nặng nề, song cuối cùng đã không khiến Nhật Bản chịu quy hàng, trái lại nó chỉ khiến các lãnh đạo của Tokyo nổi giận. Nhiều người thậm chí hoài nghi về sự cần thiết của vụ không kích khi mà cuối cùng Mỹ vẫn phải ném hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản để buộc Tokyo đầu hàng.

Trong một bài viết của Richard Sams trên tạp chí Châu Á - Thái Bình Dương, ông Suzuki Kantaro – người sau đó trở thành Thủ tướng của Nhật Bản từng tuyên bố: “Chúng tôi rất giận dữ vì hành vi của Mỹ. Tôi (khi đó - PV) đã cam kết với phần còn lại của 100 triệu người dân tại quốc gia này rằng chúng tôi sẽ đánh bại kẻ thù kiêu ngạo – những kẻ có hành vi không thể chấp nhận được trong mắt Chúa trời và trong mắt loài người”.

 

Từ Mỹ, tướng LeMay sau đó cũng phải thừa nhận sự tàn bạo của chiến dịch không kích, nhưng ông vẫn khăng khăng: “Giết hại người Nhật Bản không khiến tôi phiền lòng nhiều vào thời điểm đó. Mà tôi cho rằng nếu tôi thua trong cuộc chiến này thì tôi sẽ bị xét xử như một tội phạm chiến tranh”.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm