Mỹ “gặp khó” với hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa
Mỹ ép Thổ Nhĩ Kỳ trả lại Nga hệ thống S-400 mới bán cho tên lửa Patriot / ‘Gấu bay’ Tu-142 Nga lại bị F-22 Mỹ giám sát
Chuyên gia phân tích cấp cao Loren Thompson của Tạp chí Forbes nhận định, trong giai đoạn 2001-2019, Mỹ tập trung nguồn lực lớn cho việc xây dựng các thành phần phòng thủ tên lửa tại nước ngoài, trong khi đó, hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa GMD lại không nhận được sự đầu tư xứng đáng. Theo lời ông Loren Thompson, trong 2 thập niên qua, trong khi Lầu Năm góc chi tới hơn 1.000 tỷ USD cho cuộc chiến tại Afghanistan, thì hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ nhận được khoảng 50 tỷ USD, đặc biệt khi GMD là hệ thống vũ khí duy nhất có khả năng bảo vệ lãnh thổ Mỹ khỏi các loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Gần đây, Lầu Năm góc bắt đầu chú ý tới việc nâng cấp GMD. Cuối năm 2019, hãng chế tạo Boeing đã nhận hợp đồng hơn 250 triệu USD để nâng cấp các thành phần của GMD. Tuy nhiên, chi phí nâng cấp GMD sau hàng thập kỷ tồn tại sẽ tiêu tốn hàng chục tỷ USD, tương đương với việc phát triển thế hệ vũ khí đánh chặn mới. Điều này khiến Lầu Năm góc phải cân nhắc.
GMD cần thiết để bảo vệ nước Mỹ
Một trong lợi thế lớn nhất của GMD là khả năng bảo vệ toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ khỏi các đợt tấn công hạn chế bằng ICBM từ mọi hướng hay nói khác là các vụ phóng tên lửa do “tai nạn”. Thành phần chính của GMD là 44 đạn tên lửa đánh chặn đặt trong giếng phóng cố định đặt ở hai đầu nước Mỹ. Để tiêu diệt một ICBM của đối phương sẽ cần từ 2-4 đạn tên lửa đánh chặn.
GMD là hệ thống phòng thủ tên được thiết kế chống lại các đợt tấn công hạn chế bằng ICBM. |
Để đối phó với các mối đe dọa trong tương lai, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch mở rộng quy mô của GMD thêm 20 giếng phóng mới và công việc này sẽ hoàn thành vào năm 2022. Tuy nhiên, giới phân tích quân sự quốc tế nhận định, vấn đề hiện tại của GMD không phải là số lượng đạn tên lửa đánh chặn sẵn sàng, mà là công nghệ chế tạo ra chúng đã lạc hậu sau nhiều thập kỷ không được nâng cấp. Hầu hết các dòng ICBM hiện đại đều có khả năng mang mồi bẫy giả khiến việc phân biệt và đánh chặn chính xác đầu đạn hạt nhân trong đám mây mồi bẫy là công việc rất khó khăn.
Nhận thức được vấn đề này, Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) trong vài năm qua đã thúc đẩy việc phát triển thiết bị đánh chặn mới với tên gọi Redesigned Kill Vehicle (RKV), cũng như tên lửa mang theo chúng. Trong năm 2021, MDA sẽ trang bị đầu đạn RKV trên 20 đạn tên lửa đánh chặn thuộc GMD triển khai ở Alaska và sau đó là 44 tên lửa ở căn cứ tại California.
Dù chưa có kết quả thực chiến, MDA kỳ vọng khả năng đánh chặn của RKV sẽ tốt hơn so với thế hệ đầu đạn diệt tên lửa EKV hiện nay. Trong các thử nghiệm, đầu đạn RKV có tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu cao hơn 50% so với EKV. Tuy nhiên, đó chỉ là tuyên bố của nhà phát triển Boeing. Sau khi đánh giá về khả năng hoạt động RKV hồi tháng 8-2019, Lầu Năm góc đã yêu cầu Boeing thiết kế lại dòng thiết bị đánh chặn ngoài khí quyển này do mắc các lỗi nghiêm trọng trong quá trình thiết kế.
Đạn tên lửa đánh chặn trong hệ thống GMD. |
Thiết bị đánh chặn ngoài tầng khí quyển - RKV. |
Quyết định của Bộ Quốc phòng Mỹ đã khiến toàn bộ chương trình nâng cấp GMD quy mô hàng chục tỷ USD của Boeing bị đình trệ. Để thay thế, MDA đang đề nghị Boeing phát triển thế hệ đạn tên lửa đánh chặn hoàn toàn mới có khả năng đối phó với các dòng ICBM tương lai của đối thủ. Tuy nhiên, quá trình phát triển mới sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và thời gian. Trong thời gian đó, GMD sẽ mất dần khả năng bảo vệ nước Mỹ theo đúng mục tiêu thiết kế ban đầu.
Lựa chọn tối ưu?
Theo giới phân tích quân sự quốc tế, MDA hiện đứng giữa hai lựa chọn. MDA có thể cố gắng nâng cấp GMD để đáp ứng khả năng phòng thủ trong ngắn hạn hoặc tập trung nguồn lực vào phát triển thế hệ tên lửa đánh chặn mới sớm nhất có thể. Với mục tiêu cao nhất là đảm bảo khả năng bảo vệ lãnh thổ nước Mỹ trước các đợt tấn công bằng ICBM ở mức độ cao nhất, Tạp chí Forbes đánh giá, MDA sẽ lựa chọn con đường dễ dàng hơn là duy trì năng lực hoạt động của GMD trong dài hạn.
Dù các phương án nâng cấp chưa được xác định, nhưng GMD vẫn đóng vai trò là khiên chắn cuối cùng bảo vệ nước Mỹ khỏi tên lửa của đối phương. |
Theo đó, Boeing sẽ tiếp tục sử dụng các công nghệ của RKV để phát triển dòng tên lửa đánh chặn mới đáp ứng khả năng nâng cấp GMD trong năm 2030. 20 đạn tên lửa đánh chặn của GMD sẽ được Boeing nâng cấp để đáp ứng khả năng phòng thủ 85% trước các mối đe dọa mới. 15% còn lại sẽ được Boeing bổ sung trong giữa những năm 2030 với thế hệ đạn tên lửa đánh chặn mới. Tổng chi phí của quá trình này ước khoảng 2,7 tỷ USD.
Với việc RKV không được chấp thuận, Quân đội Mỹ đứng trước việc lựa chọn phát triển hệ thống hoàn toàn mới hay cố gắng nâng cấp trên nền hệ thống GMD hiện có. Trong khi chờ đợi lá chắn tên lửa mới thành hình, GMD dù còn nhiều thiếu sót sẽ vẫn là hệ thống phòng thủ tên lửa duy nhất bảo vệ lãnh thổ nước Mỹ và hướng đề xuất của Boeing có vẻ là lựa chọn tối ưu cho MDA.
End of content
Không có tin nào tiếp theo