Quốc tế

NATO quan tâm đến việc phát triển các phương tiện chiến đấu bánh hơi

Trong nhiều thập niên qua, giới chức quân sự NATO đã tranh luận về vấn đề hiệu quả chiến đấu của các phương tiện quân sự sử dụng cơ cấu bánh xích và bánh hơi. Hiện tại, với đặc điểm tác chiến thay đổi đã khiến vai trò của các dòng xe chiến đấu sử dụng bánh hơi có vẻ được chú ý nhiều hơn.

Điều loạt tàu chiến mới tới Biển Đen, Nga quyết "ăn miếng trả miếng" với Mỹ - NATO / Nga dự báo NATO sắp "biến mất"

Các dòng xe bọc thép bánh hơi lên ngôi

Xét về khả năng việt dã, các dòng xe bọc thép bánh xích như M113, M2 Bradley, Mauser của quân đội NATO có ưu thế hơn các dòng xe bọc thép bánh hơi ở khả năng mang vác hỏa lực hạng nặng. Chính kết cấu bánh xích cho phép thiết kế những chiến xa nặng hàng chục tấn có thể vận động được trên các con đường dã chiến. Tuy nhiên, những lợi thế này được chú ý nhiều hơn trong các cuộc chiến tranh quy ước, quy mô lớn như thời Chiến tranh Lạnh. Trong các cuộc xung đột mới đây với đặc trưng là tác chiến bất đối xứng, quy mô khu vực thì đặc điểm cơ động cao của các dòng xe bọc thép bánh hơi lại thể hiện những lợi thế rõ ràng. Có thể di chuyển tốt trên đường giao thông dân sự, dễ bảo trì, sửa chữa… đã khiến quân đội nhiều quốc gia NATO có sự chuyển dịch dần sang trang bị các dòng xe bọc thép bánh hơi.

LAV III Stryker là minh chứng rõ ràng cho sự chuyển đổi hướng sử dụng phương tiện chiến đấu bánh hơi của quân đội các quốc gia NATO.

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và NATO ưu tiên trang bị các dòng bọc thép hạng nặng sử dụng bánh xích với mục đích chính là đối trọng với khối Vác-sa-va (Warszawa) và Liên Xô. Các loại phương tiện chiến đấu bánh hơi chỉ được dùng chủ yếu tại châu Á và châu Phi, nơi liên quân chỉ phải đối đầu với các tổ chức nổi dậy, được vũ trang kém.

Tuy nhiên, với sự tan rã của Liên Xô, các ưu tiên về phát triển các dòng xe thiết giáp mới của NATO đã thay đổi. Sự thay đổi rõ ràng nhất có thể thấy là ở trang bị của quân đội Mỹ, các dòng xe bọc thép bánh hơi được trang bị rộng rãi để phù hợp với môi trường tác chiến đô thị, chống khủng bố… Trang bị phổ biến nhất chính là dòng xe bọc thép bánh hơi LAV III Stryker do General Dynamics Land Systems phát triển cho quân đội Mỹ. Xe chiến đấu Stryker đóng vai trò trung gian giữa các đơn vị thiết giáp hạng nặng như xe tăng M1 Abrams, xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley và xe bọc thép hạng nhẹ Humvee.

Hiệu quả tác chiến của xe chiến đấu Stryker với các biến thể từ xe bọc thép chở quân tới xe yểm trợ hỏa lực (trang bị pháo 105mm) đã được thế hiện rõ tại các chiến trường Iraq, Afghanistan và Syria, khi Mỹ và liên quân phần lớn chỉ đối đầu với các nhóm phiến quân khủng bố. Ưu thế của các dòng xe bọc thép bánh hơi chính là chúng rất dễ dàng sửa chữa, có tầm hoạt động tới hơn 500km mà không cần tiếp liệu. Tuy nhiên, lợi thế về tốc độ và cơ động đã khiến xe chiến đấu Stryker phải trả giá ở khả năng bảo vệ kém trước các loại vũ khí chống tăng vác vai, cũng như khi đối đầu với các phương tiện chiến đấu bánh xích hạng nặng của đối phương.

Để khắc phục nhược điểm này, xe chiến đấu Stryker được bổ sung thêm giáp tăng trọng lượng của nó từ 23 lên 30 tấn. Đây là ngưỡng trọng lượng gần tới hạn của các dòng xe bọc thép bánh hơi (khoảng 35 tấn). Cùng với đó, Stryker được biên chế chung vào các lữ đoàn cơ giới hỗn hợp cùng với xe tăng M1 Abrams với hy vọng của giới chức quân sự Mỹ về việc 2 dòng phương tiện sẽ bổ trợ lẫn nhau trên chiến trường. Tuy nhiên, sự khác biệt về phương thức tác chiến, cơ cấu hậu cần phức tạp đã khiến hiệu quả chiến đấu của các lữ đoàn cơ giới hỗn hợp này không đạt yêu cầu. Không chỉ có Mỹ, quân đội Anh cũng từng cố gắng thành lập các lữ đoàn cơ giới hỗn hợp, nhưng không thành công.

Sự trở lại của xe bọc thép bánh xích cao su

 

Dù không nhận được sự quan tâm nhiều như các dòng xe bọc thép bánh hơi, nhưng các xe chiến đấu bánh xích vẫn là yếu tố cốt lõi của các đơn vị thiết giáp hạng nặng của quân đội các nước. Để tối ưu giữa các yếu tố hỏa lực, bảo vệ và cơ động của xe bọc thép bánh xích, giải pháp sử dụng kết cấu xích cao su gia cường đã được thực hiện. Giải pháp này được thử nghiệm và áp dụng thành công trên xe chiến đấu bộ binh CV90 do BAE Systems phát triển.

Kết cấu bánh xích cao su gia cường.
Xe chiến đấu CV90 đã ứng dụng thành công hệ thống xích cao su hiệu năng cao mới.

Nhờ sử dụng kết cấu bánh xích cao su đặc biệt, xe chiến đấu CV90 hoạt động tiết kiệm nhiên liệu hơn 30% so với thiết kế bánh xích kim loại gốc, cơ động yên lặng hơn và quan trọng hơn hết là dễ bảo trì và thay thế linh kiện. Sau CV-90, công nghệ xích cao su cũng được áp dụng trên xe bọc thép M113 và xe chiến đấu Bronco.

Quân đội Na Uy và Hà Lan đã đưa các đơn vị CV90 với kết cấu bánh xích mới tham chiến tại Afghanistan. Sau những bài thử nghiệm thực chiến khắc nghiệt, xe chiến đấu CV90 đã chứng minh được khả năng tối ưu của mình trên nhiều loại địa hình khác nhau và được chấp nhận trang bị chính thức.

Quân đội Mỹ cũng đang cân nhắc phương án thử nghiệm kết cấu xích cao su mới trên xe chiến đấu bánh xích, đặc biệt là tại châu Âu. Xu hướng phát triển mới này có thể lại tạo ra làn sóng trang bị phương tiện chiến đấu hạng nặng mới của NATO. Các phương tiện chiến đấu bánh hơi sẽ được sử dụng đúng với vai trò trong các nhiệm vụ trinh sát và tuần tra.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm