Quốc tế

Pháo tự hành 2S43 Malva: Vũ khí thế hệ mới cho lực lượng đổ bộ đường không Nga

Theo các chuyên gia, pháo tự hành 2S43 Malva kiểu bánh lốp là vũ khí kiểu mới, phù hợp cho các hoạt động tác chiến của lực lượng phản ứng nhanh Liên bang Nga hiện nay, đặc biệt là lực lượng đổ bộ đường không.​.

Liệu UAV siêu nhỏ có thể thay thế súng trường và vũ khí nhỏ khác? / Mỹ lo lép vế khi Trung Quốc và Nga bắt tay phát triển vũ khí trí tuệ nhân tạo

Bộ Quốc phòng Nga dự định sớm đưa vào vận hành tổ hợp 2S43 Malva, một trong những pháo tự hành đầu tiên đặt trên khung gầm bánh lốp của lực lượng pháo binh Nga. Vũ khí mới này đang được xem xét trang bị cho lực lượng lính dù Nga.

Các chuyên gia cho biết, khi quyết định được thông qua, lực lượng "mũ nồi xanh" của Nga sẽ nhận được hệ thống pháo binh di động mạnh chưa từng có và có tầm hoạt động rộng khắp. Điều này sẽ làm tăng hoàn toàn hỏa lực của lực lượng Dù và sẽ cho phép cơ động nhóm pháo binh đến các khu vực tác chiến trong vài giờ.

Pháo tự hành kiểu mới

Theo nguồn tin của Izvestia, pháo tự hành 2S43 Malva đầy hứa hẹn đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Chúng có thể trở thành vũ khí chủ chốt của lực lượng Đổ bộ đường không trong tương lai. Hiện Bộ Quốc phòng Nga đang xem xét và sẽ sớm đưa ra quyết định.

Thông số kỹ thuật của 2S43 Malva. Nguồn: Viện nghiên cứu trung ương Burevestnik.

Hình ảnh đầu tiên của 2S43 Malva đã xuất hiện hồi tháng 10-2019. Đồng thời, những thông tin đầu tiên về một khẩu pháo tự hành mới trên trục cơ sở đã được công bố. Năm 2020, hệ thống pháo tự hành mới 2S43 Malva trên khung gầm xe bánh lốp việt dã BAZ 8x8 lần đầu tiên được giới thiệu chính thức bởi Viện nghiên cứu Trung ương Burevestnik. Các cuộc thử nghiệm của Malva được lên kế hoạch vào năm 2021 và đang ở giai đoạn hoàn thành.

Theo các chuyên gia, loại pháo này sẽ không thể nhảy dù đổ bộ, song nó có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự. Khi di chuyển trên đường bộ, phiên bản xe bánh lốp sẽ có lợi thế lớn về tính cơ động so với xe bánh xích. Khung gầm có bánh xe giúp giảm chi phí lắp đặt và kéo dài tuổi thọ của vũ khí.

2S42 Malva được trang bị pháo 152mm 2A64, tương tự như loại được lắp đặt trên pháo tự hành bánh xích Msta-S, vốn trang bị cho các sư đoàn súng trường cơ giới và xe tăng. 2S42 Malva được thiết kế để tiêu diệt nhiều mục tiêu - từ nhân lực và thiết bị bộ binh của đối phương ở tiền tuyến đến các vũ khí hạt nhân chiến thuật ở hậu phương, ở khoảng cách lên đến 24km.

Khả năng di chuyển cơ động của pháo tự hành kiểu mới này được cung cấp bởi loại khung gầm mọi địa hình BAZ-6010-027 của Nhà máy ô tô Bryansk, với thiết kế bánh xe 8x8. Việc lắp đặt pháo tự hành theo cấu trúc mở, không có giáp bổ sung hoặc tháp pháo giúp trọng lượng xe nhẹ hơn. Với cơ số đạn 30 viên, trọng lượng của Malva là khoảng 32 tấn, nhẹ hơn 1/4 so với khẩu pháo Msta-S. Nhiều khả năng trong tương lai, 2S42 Malva là phiên bản thay thế cho pháo tự hành 2A65 Msta-B và 2S1 Gvozdika.

Theo Đại tướng Andrey Serdyukov, Tư lệnh Lực lượng Dù Liên bang Nga, nếu quyết định trang bị 2S43 Malva cho các đơn vị sớm được chấp thuận, vũ khí mới này sẽ được biên chế dành riêng cho một lữ đoàn pháo binh chuyên biệt. Kế hoạch thành lập đơn vị như trên đã được tư lệnh Lực lượng Dù công bố trước đó. Hiện nay, mỗi sư đoàn dù đều có một trung đoàn pháo binh, nhưng những năm gần đây không có đội hình quy mô lớn nào trực thuộc tư lệnh.

 

Vũ khí lý tưởng cho quân đội viễn chinh

Hiện tại, cỡ nòng lớn nhất của Lực lượng Đổ bộ đường không Ngalà pháo kéo D-30 122mm, và hệ thống pháo tự hành duy nhất là 2S9 120mm "Nona-S". Pháo này nặng 8 tấn, có thể nhảy dù, nhưng về tầm bắn thì thấp gần gấp đôi so với pháo 152mm của Malva.

Những hệ thống này đã được sử dụng từ thời Liên Xô, khi các học thuyết trước đây quy định việc đổ bộ đường không của các sư đoàn dù (với đầy đủ lực lượng cùng với trang bị chiến đấu). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Lực lượng Dù của Nga đã được cải tổ một cách bài bản. Theo đó, một kiểu đội hình mới đã xuất hiện, với các lữ đoàn máy bay vận tải và phương tiện đổ bộ bằng trực thăng. Đây là những đội hình mạnh hơn trước đây, trong đó bao gồm các thiết bị hạng nặng, đặc biệt là xe tăng.

Pháo tự hành 2S43 Malva trên khung gầm bánh lốp của Viện nghiên cứu Burevestnik. Ảnh: RG.ru.


Chuyên gia quân sự Nga Alexei Khlopotov cho rằng, việc lắp đặt các hệ thống vũ khí trên trục cơ sở đang là xu hướng toàn cầu hiện nay. Theo đó, kỹ thuật này rất lý tưởng cho các lực lượng viễn chinh.

“Pháo tự hành bố trí trên khung gầm bánh xe có khả năng cơ động hơn, nguồn lực lâu dài hơn, rẻ hơn và dễ bảo trì hơn… Các phương tiện có bánh sẽ di chuyển qua các sa mạc và thảo nguyên mà không gặp vấn đề gì, chưa kể nhiều vùng lãnh thổ đã có mạng lưới đường bộ ít nhiều phát triển”, chuyên gia nhận định. “Ngoài ra, sự hiện diện của khung gầm 8 bánh giúp giảm tải trọng trục, giúp tăng cường khả năng cơ động hơn”.

 

Hiện nay, pháo tự hành bố trí trên khung gầm bánh lốp đã được quân đội một số quốc gia hàng đầu trên thế giới phát triển và áp dụng. Cụ thể, ở Israel là tổ hợp ATMOS 2000, ở Pháp là CAESAR, ở Thụy Điển là Archer. Ngoài ra, vài trăm xe pháo bánh lốp cỡ lớn Dana, với thiết kế của Tiệp Khắc trước đây đã phục vụ trong biên chế quân đội các nước thuộc Khối Hiệp ước Warszawa. Chúng cũng được thử nghiệm tại Liên Xô, nhưng không được đưa vào phục vụ.

Tại Nga, một hệ thống pháo bánh lốp cỡ nòng 152mm khác đang được chế tạo ở là pháo tự hành 2S35-1 Koalitsiya-SV-KSh. Vũ khí này cũng được tạo ra bởi Viện Nghiên cứu Burevestnik, bằng cách lắp một phần từ pháo tự hành bánh xích hiện đại Koalitsiya-SV với pháo 152mm 2A88 trên khung gầm KamAZ-6560, với bánh xe 8×8. Nhưng ở phiên bản này, hệ thống pháo bánh lốp có chi phí khá đắt đỏ. Do đó, lựa chọn 2S43 Malva là một sản phẩm rẻ hơn và đơn giản hơn nhiều, mang lại cho nó lợi thế cạnh tranh đáng kể, đặc biệt là trên thị trường vũ khí thế giới.

Pháo tự hành 2S43 Malva có hiệu quả hơn trong các cuộc xung đột cục bộ. Ảnh: military-today.com.

Đối với cuộc chiến tranh quy mô lớn, quân đội Nga có sự phục vụ của lựu pháo tự hành 152mm 2S35 Coalition-SV trên khung gầm bánh xích. Ngoài ra còn có các hệ thống pháo tương tự khác như Msta-S, Malka, Tulip và một số khác đang được hiện đại hóa.

Đối với các cuộc xung đột cục bộ, quân đội tác chiến trong điều kiện địa hình và khí hậu đặc biệt, pháo tự hành 2S43 Malva sẽ là vũ khí mang đến nhiều hiệu quả hơn. Đồng thời, hệ thống này cũng có thể đáp ứng nhu cầu trong các cuộc xung đột quân sự lớn, do khả năng cơ động và triển khai nhanh chóng bằng các máy bay vận tải quân sự đến bất kỳ khu vực có hỏa lực lớn.

Trong những năm gần đây, Bộ Quốc phòng Nga đã tiến hành một cuộc cải tổ trên quy mô lớn đối với Lực lượng Dù. Điều này làm thay đổi căn bản những nhiệm vụ mà họ phải hoàn thành. Quân đội Nga đang dần rời bỏ khái niệm về việc sử dụng một lực lượng tấn công lớn vào phía sau phòng tuyến của đối phương và biến nhánh quân này thành lực lượng phản ứng nhanh.

 

Các đơn vị và đội hình của Lực lượng Dù đang được tổ chức và trang bị lại để có thể nhanh chóng cơ động đến bất kỳ nơi nào trên thế giới và tác chiến ở đó một cách chủ động, trong đó có việc tạo căn cứ và kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn.

Quân đội Nga sẽ nhận được các đơn vị xe chiến đấu bánh lốp, lực lượng xe tăng và lực lượng không quân riêng biệt. Trong các lữ đoàn đổ bộ đường không, tất cả đù được thay thế bằng các loại xe bánh lốp, đặc biệt là xe bọc thép Typhoon-VDV.

Pháo tự hành 2S43 Malva đối với quân đội Nga thực sự là một vũ khí thế hệ mới. Chúng sẽ bổ sung sức mạnh cho các cho lựu pháo Coalition đắt đỏ, và thay thế một phần các loại pháo kéo hiện có trong biên chế quân đội Nga trong tương lai.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm