Quốc tế

Sức mạnh đội quân robot chiến đấu của Nga

Quân đội Nga có hàng chục loại robot chiến đấu trên bộ, trên không, trên mặt nước và dưới nước ở các cấp độ sẵn sàng chiến đấu khác nhau. Rất nhiều robot trong số này đã tham gia vào các cuộc thử nghiệm và thậm chí cả tập trận gần đây.

Thế giới theo dõi sát sao biến thể phụ của Delta / Quân đội bắt giữ các lãnh đạo cấp cao của Sudan, Thủ tướng bị quản thúc tại gia

“Nhiều người cho rằng Nga đang bị tụt lại trong lĩnh vực tự động hóa”, Viktor Murakhovsky, chuyên gia quân sự hàng đầu và là tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva cho biết.

Tuy nhiên, trên thực tế, không có đội quân nào khác trên thế giới sở hữu đội máy bay và thiết bị không người lái đa dạng như Nga và xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng.

“Quân đội Nga ngày nay là lực lượng kế thừa của Hồng quân – lực lượng đã tạo ra những cỗ xe tăng điều khiển từ xa từ những năm 1930. Sau chiến tranh, máy bay không người lái đã được phát triển ở Liên Xô. Cá nhân tôi cũng có liên quan đến công việc về hệ thống điều khiển từ xa cho các xe tăng hiện đại ngày nay. Đã có những tiến bộ vượt trội trong lĩnh vực này. Nếu Nga có bị tụt hậu trong công nghệ thiết bị bay không người lái (UAV), thì về mặt robot trên bộ và trên biển, Nga có chương trình bao quát nhất trên thế giới”, ông Murakhovsky nói.

Cuộc tập trận cho các robot

Nga và đồng minh chiến lược Belarus tổ chức cuộc tập trận quân sự quy mô lớn Zapad-2021 hồi tháng 9 vừa qua, phô diễn nhiều đổi mới về chuyên môn và chiến thuật. Tại cuộc tập trận nay, Nga cho ra mắt xe chiến đấu bộ binh BM-19 với module chiến đấu Epoch và UAV Lastochka.

Đáng chú ý nhất phải kể đến hệ thống robot trên bộ và trên không. Trong giai đoạn chính của cuộc tập trận, 3 loại máy bay (Forpost, Lastochka, Inokhodets) và 2 phiên bản robot chiến đấu (Uran-9 và Nerekhta) đã diễn tập tấn công kẻ thù giả định. Các robot Platform-M được trang bị súng máy và súng phóng lựu cũng xuất hiện trong cuộc tập trận.

Tập trận Zapad-2021 là sự kiện đầu tiên sử dụng robot mặt đất trong đội hình cùng với con người. Phối hợp với đơn vị súng trường tự động hóa, các robot Uran-9 và Nerekhta tấn công và phá hủy nhiều mục tiêu, trong đó robot Uran phóng tên lửa dẫn đường tiêu diệt xe bọc thép của kẻ thù giả định. Các robot này cũng có thể bảo vệ binh sỹ trên chiến trường huấn luyện.

Robot Uran-9 của Nga trong tập trận Zapad-2021. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga
Robot Uran-9 của Nga trong tập trận Zapad-2021. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Uran-9 hiện là robot lớn nhất của Nga. Là một tổ hợp hạng trung, robot này được trang bị pháo tự động cỡ nòng 30mm, tên lửa dẫn đường chống tăng Ataka và hệ thống phun lửa Shmel. Uran-9 nặng 12 tấn, nhẹ hơn một chút so với BMP-2.

Hiện nhiều loại UAV và robot khác của Nga đang được phát triển. Trong số này có cả các thiết bị bay không người lái tấn công như chương trình Altius, Okhotnik, Sirius và Karnivora, UAV trực thăng Platforma, hệ thống bầy đàn Molniya…

Trong tương lai, Nga sẽ giới thiệu các robot bộ binh có khả năng mang vũ khí như Soratnik hạng trung và Sturm hạng nặng, robot Marker và có thể là cả xe tăng không người lái Armata.

Ông Denis Fedutinov, một chuyên gia về lĩnh vực UAV của Nga cho biết, tập trận Zapad-2021 đáng chú ý vì việc sử dụng rộng rãi các hệ thống robot và UAV, trong đó có cả những hệ thống lần đầu được triển khai.

Mặt khác, những hệ thống xuất hiện trong cuộc tập trận này không đại diện cho toàn bộ các loại UAV mà Nga chế tạo, ví dụ Forpost and Inokhodets được cho là bổ trợ cho UAV tầm cao hạng nặng Altius và UAV tàng hình hạng nặng Okhotnik.

 

UAV Forpost. Ảnh: Vitaly Kuzmin
UAV Forpost. Ảnh: Vitaly Kuzmin

Trong khi đó, chuyên gia Murakhovsky nhấn mạnh, công nghệ của Nga ngày nay bao phủ trên diện rộng các loại robot bộ binh: từ trinh sát, các thiết bị hỗ trợ cho tới các thiết bị chiến đấu.

“Về mặt quy mô, Nga có mọi thứ từ robot có hình cầu thu nhỏ có thể vận hành bằng tay trên mặt đất, tới các tổ hợp hạng nặng như Sturrm trên nền tảng xe tăng. Ở khía cạnh đa dạng về tải trọng, các robot Nga, dù là robot chiến đấu hay trinh sát đều là những loại đi tiên phong”, ông Murakhovsky cho biết.

Binh đoàn robot

Hiện nay Nga cũng tiến hành tự động hóa các thiết bị và vũ khí thông thường do con người vận hành. Công nghệ AI, hay còn gọi là phi công ảo, của Su-57 cho phép máy chiến đấu này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ mà không cần phi công thực sự ngồi trong buồng lái. Ngay cả lựu pháo kiểu cũ cũng dự kiến được tự động hóa và điều khiển từ xa.

Có thể so sánh công nghệ tự động hóa của Nga với Mỹ. Hiện nay, hệ thống UAV của Mỹ đã rất tiên tiến, nhưng vẫn có cách biệt khi nói đến các thiết bị không người lái trên mặt đất.

 

Quân đội Mỹ từng triển khai chương trình “hệ thống chiến đấu tương lai”, theo đó tìm cách phát triển một thiết bị tấn công tự động, nặng khoảng 10 tấn và được trang bị vũ khí tương tự như robot Uran của Nga, với pháo 25mm, súng máy và tên lửa chống tăng dẫn đường. Tuy nhiên, dự án đã bị đổ bể. Hiện tại, các lực lượng mặt đất của Mỹ chỉ sử dụng robot cỡ nhỏ được trang bị súng máy và chỉ nặng khoảng 45kg.

UAV Orion (Inokhodets). Ảnh: Kronshtadt Company
UAV Orion (Inokhodets). Ảnh: Kronshtadt Company

Cùng với tự động hóa, quân đội Nga hiện đang phát triển ý tưởng về hệ thống trinh sát và tấn công thống nhất, theo đó, kết hợp tất cả các thiết bị chiến đấu tích cực – như máy bay và UAV trên không; thiết bị chiến đấu, binh sỹ và robot trên mặt đất; hay các vệ tinh trong không gian – thành một hệ thống liên lạc đơn nhất. Việc trao đổi thông tin diễn ra trong thời gian thực để chiếm ưu thế trước đối phương.

Theo chuyên gia Murakhovsky, một số chiến dịch quân sự có thể được tự động hóa hoàn toàn trong tương lai. Hiện nay, Nga đặt ra mục tiêu rõ ràng về việc phát triển robot, nhằm triển khai chúng bảo vệ quân đội, thực hiện các nhiệm vụ như tấn công vũ bão vào vị trí đối phương. Trong nhiều trường hợp, robot có thể độc lập tác chiến mà không cần con người, giúp giảm tối đa thiệt hại về nhân lực trong tương lai.

Dựa trên quan điểm chuyên môn, ông Murakhovsky cho rằng, Nga đã chứng minh được khả năng độc lập của hệ thống chiến đấu không người lái. Tên lửa hành trình diệt hạm Onyx làm việc theo “gói” với các tên lửa “chỉ huy” và “cấp dưới”. Thuật toán vận hành của tổ hợp này có thể đưa ra nhiều lựa chọn. Nó xác định mục tiêu chính trong đội hình tàu đối phương, xác định vị trí các mục tiêu khác trong “gói” và lập trình đường đi [của tên lửa].

“Nhóm [tên lửa] thực hiện tất cả những nhiệm vụ này một cách tự động”, theo ông Murakhovsky.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm