Quốc tế

Tàu hỏa bọc thép chưa hẳn là "đồ bỏ", dù không có chỗ trong chiến tranh toàn diện hiện đại

Bài báo không đề cập đến các hệ thống tên lửa tầm xa cơ động bằng đường ray, chẳng hạn như pháo Dora hay “tàu tên lửa hạt nhân” BZHRK mà nói về những đoàn tàu hỏa bọc thép, được tạo ra để tham chiến trực tiếp với quân địch.

Thế giới theo dõi sát sao biến thể phụ của Delta / Quân đội bắt giữ các lãnh đạo cấp cao của Sudan, Thủ tướng bị quản thúc tại gia

Sơ lược về lịch sử tàu hỏa bọc thép

Tàu hỏa bọc thép là một phương tiện chiến đấu bọc thép tự hành bao gồm một hoặc nhiều toa xe, chạy trên đường ray, viết tắt là “BP” (БП – “Бронепоезд”). Tàu hỏa bọc thép đầu tiên xuất hiện ở Mỹ, trong cuộc Nội chiến vào những năm 1860. Tàu hỏa bọc thép có vai trò lớn nhất trong các cuộc chiến tranh cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. “Thời hoàng kim” của chúng là thời kỳ Thế chiến I. Sau khi Thế chiến I bùng nổ, việc chế tạo các đoàn tàu bọc thép mới bắt đầu ở Áo-Hungary, Đức và Nga. Nhiều đoàn tàu bọc thép đã tham gia chiến đấu trong các cuộc nội chiến ở Nga, Tây Ban Nha.

Giai đoạn Thế chiến I là “Thời hoàng kim” của tàu hỏa bọc thép. Nguồn: russian7.ru
Giai đoạn Thế chiến I là “Thời hoàng kim” của tàu hỏa bọc thép. Nguồn: russian7.ru

Trong Thế chiến II, các tàu hỏa bọc thép cũng được các quốc gia khác nhau sử dụng. Tuy nhiên, các phương pháp và phương tiện chiến tranh mới đã làm lu mờ vai trò của tàu bọc thép trong bức tranh tổng thể về vũ khí. Vì vậy, ngay từ đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, BP đã không nhận được nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, các đoàn tàu bọc thép cũng được chế tạo để bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở hậu phương (cầu đường sắt lớn, các công trình quốc phòng và nhà máy lọc dầu), bên ngoài khu vực tác chiến, nhưng trong tầm oanh tạc của máy bay địch.

Một đoàn tàu bọc thép bao gồm đầu máy hơi nước hoặc đầu máy diesel bọc thép, toa bọc thép dự trữ than cho đầu máy hơi nước, toa bọc thép chiến đấu, một đầu máy hơi nước mạnh không bọc thép (giúp di chuyển nhanh chóng đoàn tàu khi ở ngoài khu vực chiến sự), bệ pháo phòng không để chống lại máy bay địch, toa chỉ huy, toa đổ bộ bọc thép (được trang bị đặc biệt làm nơi trú ẩn của lực lượng đổ bộ, được sử dụng để đánh chiếm các nhà ga và các điểm trọng yếu khác dọc theo đường đi của đoàn tàu), toa kiểm tra – chứa các thiết bị dò mìn trên đường ray…

Kíp tàu bọc thép Nga gồm chỉ huy và ba trung đội (trung liên, pháo binh, kỹ thuật) với 94 người, trong đó có 4 sĩ quan. Các đoàn tàu bọc thép phòng không từng đóng vai trò quan trọng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Thông thường chúng được trang bị pháo phòng không cỡ trung bình và cỡ nhỏ, cũng như súng máy (cỡ lớn và thông thường). Các đoàn tàu bọc thép đã giúp lấp đầy nhiều khoảng trống trong hệ thống hỏa lực phòng không, bảo vệ các ga tàu, khu vực xung quanh và các cơ sở khác.

Ngoài đoàn tàu nhiều toa, các toa tàu riêng biệt gắn súng pháo phòng không đã được sử dụng rộng rãi. Thường thì đó là một trạm với một hoặc hai khẩu pháo phòng không. Các trạm loại này có thể được ghép cùng đoàn tàu bọc thép hay đoàn tàu thông thường, với nhiệm vụ bảo vệ đoàn tàu khỏi các cuộc tấn công đường không của đối phương. Toa tàu bọc thép có thể là một phần của đoàn tàu bọc thép, hoặc hoạt động độc lập.

Những hạn chế cố hữu của tàu bọc thép là tính cơ động hạn chế (chỉ tiến và lùi theo đường ray); khả năng tự vệ của toa xe và đầu máy kém (độ dày của giáp hiếm khi vượt quá 20 mm và thường chỉ 10-15 mm); chiều cao của toa xe và đầu máy khiến chúng dễ bị lộ và dễ bị va đập; khả năng đoàn tàu càng hạn chế khi đường ray bị hỏng. Trong trường hợp này, các đoàn tàu bọc thép nhanh chóng bị kẻ thù bao vây và trở thành con mồi cho xe tăng và máy bay của đối phương.

 

Tàu hỏa bọc thép trong thời kỳ hậu chiến

Sự phát triển sau chiến tranh của vũ khí phản lực và vũ khí chống tăng, sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân và sự gia tăng khả năng cơ động của lực lượng mặt đất đã khiến cho đoàn tàu bọc thép gần như không còn “đất dụng võ” trên chiến trường. Đó là lý do tại sao loại thiết bị quân sự này không còn được coi là lực lượng thực chiến.

Tàu hỏa bọc thép có thể đảm nhận một số nhiệm vụ chiến đấu và phòng không. Nguồn: zr.ru
Tàu hỏa bọc thép có thể đảm nhận một số nhiệm vụ chiến đấu và phòng không. Nguồn: zr.ru

Một tình tiết thú vị là sự hồi sinh của các đoàn tàu bọc thép ở Liên Xô vào đầu những năm 1970, trong thời kỳ quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn. Để bảo vệ phần phía đông của tuyến đường sắt xuyên Siberia, một số đoàn tàu bọc thép đã được gấp rút chế tạo. Mỗi đoàn tàu gồm nhiều “toa bọc thép”. Toa bọc thép là toa tàu có 4 cặp bánh và một đầu máy xe lửa nhỏ nằm giữa, được bọc bằng các tấm giáp.

Mỗi bệ đặt một xe tăng thường và một “khoang bọc thép” – nơi để binh sĩ ẩn nấp và chứa đạn dược. Thiết kế của mỗi toa cho phép xe tăng có thể lên xuống và hoạt động ở một khoảng cách nào đó cách xa đường ray. Một số đoàn tàu dạng này đã được chế tạo và năm 1990, được sử dụng ở Azerbaijan, và sau đó ở Nagorno-Karabakh để bảo vệ các ga đường sắt, các nhóm quân và hàng hóa dân sự.

Giữa những năm 1990, một số “tàu đặc biệt” hoạt động ở Chechnya như một phần lực lượng đường sắt của quân đội Nga, chủ yếu nhằm mục đích khôi phục, bảo trì và bảo vệ cơ sở hạ tầng đường sắt. Tất cả chúng đều có một bệ gắn hai khẩu pháo phòng không tự động cỡ nòng nhỏ ZU-23-2 và khoang bọc thép. Trong cuộc chiến ở Bosnia vào đầu những năm 1990, các bên xung đột đã sử dụng các đoàn tàu bọc thép thô sơ. Nổi tiếng nhất trong số đó là tàu bọc thép Kraina Express của Cộng hòa Serbia Krajina, được trang bị nhiều loại pháo, vũ khí cỡ nhỏ và thậm chí cả tên lửa.

 

Hiện tại, bộ đội đường sắt của Quân khu phía Nam được trang bị bốn đoàn tàu đặc biệt “Baikal”, “Amur”, “Terek” và “Don” (theo một số nguồn tin khác - chỉ có đoàn thứ nhất và thứ hai - “Baikal” và “Amur”). Đã có lúc, Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov muốn loại chúng khỏi biên chế, nhưng lệnh của ông đã bị người kế nhiệm Sergei Shoigu hủy bỏ.

Triển vọng tàu hỏa bọc thép

Tương tự như trước đây, trong tương lai, về tổng thể, tàu hỏa bọc thép khó có thể có ứng dụng đại trà, ví dụ chỉ trong các cuộc nội chiến, nơi không thể sử dụng rộng rãi xe tăng, máy bay, tên lửa hành trình… Vì một số lý do, sẽ có một sự suy giảm ý nghĩa và vai trò của các phương tiện chiến tranh khác nữa.

Tàu hỏa bọc thép được cho là rất hữu ích đối với một quốc gia như Nga. Nguồn: zr.ru
Tàu hỏa bọc thép được cho là rất hữu ích đối với một quốc gia như Nga. Nguồn: zr.ru

Tuy nhiên, vũ khí phòng không trên đường sắt, có thể rất hữu ích ở nước Nga hiện đại, với ý nghĩa cực kỳ quan trọng của giao thông đường sắt trong nền kinh tế và quốc phòng, cũng như chiều dài lớn của đường sắt, phần lớn không được bảo vệ bởi phòng không mặt đất. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh với kẻ thù được trang bị tốt, việc bảo vệ các cơ sở hạ tầng giao thông và thậm chí cả các đoàn tàu nhỏ lẻ sẽ trở nên vô cùng quan trọng.

Do đó, việc sản xuất trước và triển khai một số lượng đủ lớn các toa tàu hỏa, chẳng hạn với hệ thống tên lửa phòng không Pantsir, không phải là thừa. Với thiết kế mô-đun của các tổ hợp này, có thể được triển khai một cách nhanh chóng trên các ray đường sắt thông thường. Tuy nhiên, nên phát triển một phiên bản đặc biệt được ngụy trang thành một toa chở hàng hoặc toa đông lạnh có mái che, giúp tăng đáng kể khả năng sống sót của nó.

 

Tàu hỏa bọc thép có một số hạn chế cố hữu đáng kể so với các loại vũ khí khác. Vì lý do này, thực tế không có chỗ cho chúng trong một cuộc chiến toàn diện hiện đại. Nhưng trong tương lai, chúng có thể phát huy ý nghĩa trong các cuộc xung đột quân sự cường độ thấp, chẳng hạn như các cuộc nội chiến, khi những hạn chế trên có thể bị bỏ qua. Những toa tàu gắn các tổ hợp phòng không (đặc biệt là tầm ngắn) sẽ rất hữu ích đối với một quốc gia như Nga.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm