Quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ muốn có F-35 thì phải 'đắp chiếu' S-400

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều có những động thái mới với thương vụ tiêm kích F-35. Tuy nhiên, điều kiện của hai bên đưa ra khó có thể được đối phương chấp thuận.

Nga sẵn sàng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về máy bay chiến đấu / Ai Cập mua RAM Block 2 phòng Thổ Nhĩ Kỳ tấn công

Hãng Izvestia dẫn nguồn tin từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này vừa quyết định thành lập phái đoàn chuyên trách đàm phán với Mỹ về thương vụ F-35. Phái đoàn với nhiệm vụ đặc biệt này chuẩn bị đến Mỹ nhằm thuyết phục chính quyền của Tổng thống Joe Biden nối lại hợp đồng đã bị dừng lại do Ankara mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga.

Tho muon co F-35 thi phai 'dap chieu' S-400
Tiêm kích F-35.

"Song song với những cuộc đàm phán, phái đoàn của Thổ còn thuê một nhóm vận động hành lang của Mỹ tác động đến những nhân vật quan trọng có thể có tác động tích cực cho thương vụ F-35 đang bế tắc", nguồn tin cho biết.

Theo Amur Hajiyev, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, thật sai lầm khi nói rằng vấn đề F-35 chỉ là chính trị, dự án còn có tính kinh tế.

Chính quyền Erdogan đã đổ một số tiền đáng kể vào đó, và một số bộ phận được sản xuất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Vì vậy, việc Washington loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sẽ gây ra những hậu quả kinh tế nhất định.

"Người Mỹ cũng thừa hiểu vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ thế nào trong cả chương trình F-35. Vì vậy, giải pháp tốt nhất là hợp đồng được nối lại, máy bay được chuyển giao và nguồn cung cấp linh kiện từ Thổ vẫn được đảm bảo", chuyên gia Amur Hajiyev nói.

Đáp lại động thái của Thổ, Mỹ đã nêu điều kiện để nối lại thương vụ F-35 và Ankara tiếp tục nhận được những hỗ trợ về an ninh. Cụ thể, Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ "đắp chiếu" hoặc phá hủy hệ thống phòng không S-400 mua của Nga.

 

"Thật không may những gì họ (Thổ Nhĩ Kỳ) lựa chọn là mua và vận hành hệ thống S-400. Chúng tôi yêu cầu họ xem xét lại chuyện này và cho 'đắp chiếu' hệ thống. Chúng tôi cần Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một đối tác tốt của NATO để hỗ trợ an ninh sườn phía nam của NATO", nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ nêu điều kiện như vậy với Thổ và câu trả lời Washington nhận được cũng không hề khác trước. "Sẽ không có chuyện chúng tôi phá hủy hay đắp chiếu S-400. Chúng là hệ thống phòng thủ mạnh nhất chúng tôi có, giúp bảo vệ không phận trước nguy cơ bị tấn công từ bên ngoài", ông Ismail Demir, Cục trưởng Cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Với tuyên bố được cả 2 bên đưa ra, giới chuyên gia cho rằng, sẽ rất khó để Mỹ nối lại hợp đồng F-35 với Thổ khi điều kiện đưa ra không được đáp ứng và hệ thống S-400 đang trực chiến.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký thỏa thuận mua tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017. Mỹ nhiều lần phản đối hợp đồng này, cho rằng S-400 không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và đe dọa tới tiêm kích tàng hình F-35.

Nga đã bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ hai hệ thống S-400 hoàn chỉnh, trong đó tổ hợp đầu tiên được chuyển tới căn cứ Murted. Vì S-400, Washington đã gạt Ankara khỏi chương trình siêu tiêm kích F-35, từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A nước này đã đặt mua và loại bỏ các tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 để đáp trả.

 

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm