Thông số ấn tượng nhưng vì sao MiG-35 vẫn mãi "ế ẩm"?
DNVN - Mặc dù được truyền thông và giới quân sự Nga tung hô bằng những lời lẽ "có cánh", tuy nhiên triển vọng của tiêm kích đa năng MiG-35 vẫn tỏ ra cực kỳ u ám.
Trung Quốc hoàn thành sửa chữa tàu sân bay trực thăng Minsk mua lại từ Liên Xô / Tiếng nói “diều hâu” đứng sau chiến lược cứng rắn của Mỹ tại hàng loạt điểm nóng
MiG-35 là phiên bản nâng cấp toàn diện của MiG-29 Fulcrum với những công nghệ hàng không mới nhất của Nga. Nó được quảng cáo là thuộc thế hệ 4,5, sở hữu năng lực chiến đấu không thua kém bao nhiêu so với tiêm kích tàng hình, đồng thời là ứng viên sáng giá để thay thế những chiếc MiG-21 huyền thoại.
Tuy nhiên sau những lời có cánh về tính năng "vượt trội" của MiG-35, chiếc chiến đấu cơ này vẫn chưa tìm được khách hàng thực sự tiềm năng. Điều này không có gì là khó hiểu khi nhìn qua tính năng kỹ chiến thuật của nó.
Bỏ qua những màn bay biểu diễn nhào lộn đẹp mắt mà phần nhiều không ứng dụng được vào thực tế chiến đấu, động cơ RD-33MK lắp trên MiG-35 vẫn bị nhận xét rằng còn mang nhiều đặc tính của loại RD-33 ra đời cách đây đã hơn 40 năm.
Bên cạnh đó, bộ phận chỉnh hướng phụt 3D của RD-33MK có thời gian phục vụ quá ngắn (ước tính chỉ 500 giờ trước khi phải tháo ra đại tu), gây gánh nặng lớn cho công tác hậu cần, bảo dưỡng. Ngoài ra nếu không có sản phẩm thay mới ngay thì trong lúc chờ sửa chữa thiết bị này, máy bay sẽ buộc phải nằm đất.
Tiêm kích đa năng hạng trung MiG-35 của Nga
MiG-35 chủ yếu nhắm đến những khách hàng cần một loại tiêm kích hạng nhẹ để san sẻ bớt nhiệm vụ cho chiến đấu cơ hạng nặng, tuy vậy trọng lượng cất cánh tối đa của MiG-35 lại lên tới 29.700 kg, tức là gần bằng F-15C (30.845 kg), vượt xa con số 18.000 kg của MiG-29A.
Chính vì "tăng cân" quá đà do tích hợp thêm nhiều thiết bị điện tử hàng không mới mà vận tốc tối đa của MiG-35 chỉ còn Mach 1,94 (so với Mach 2,35 của MiG-29A), bán kính chiến đấu vẫn không vượt quá 1.000 km, khối lượng vũ khí chỉ đạt 7.000 kg.
Đặt cạnh một chiếc tiêm kích đa năng của phía bên kia như F-15E, "Đại bàng Mỹ" chạm tới tốc độ Mach 2,5+; bán kính chiến đấu 1.270 km; tải trọng vũ khí 10,4 tấn; trang bị radar mảng pha quét chủ động AN/APG-82(V)1 có tầm trinh sát trên 240 km, tức là gấp rưỡi Zhuk-AE của MiG-35.
Ấn tượng của MiG-35 vẫn chỉ giới hạn trong những màn nhào lộn biểu diễn mà thôi
Ngoài ra tuổi khung vẫn là điểm yếu chung của máy bay Nga, mặc dù theo quảng cáo thì MiG-35 đạt tới con số 6.000 giờ bay, tương đương với tiêm kích NATO, nhưng lại đòi hỏi phải đại tu sau mỗi 1.500 giờ hoạt động.
So sánh với F-15/16 của Mỹ, chúng chỉ cần duy nhất một lần nâng cấp giữa vòng đời để đạt tới con số 6.000 - 8.000 giờ phục vụ, có thể kéo dài tới 12.000 - 16.000 giờ tùy thuộc vào tình trạng thay mới linh kiện, tức là vượt xa MiG-35.
Rõ ràng với những hạn chế trên của MiG-35, nếu là khách hàng truyền thống của máy bay Nga thì họ sẽ vẫn đặt niềm tin vào chiến đấu cơ Sukhoi, còn nếu chưa có kinh nghiệm vận hành MiG thì đối tác vẫn có quá nhiều lựa chọn thay thế đến từ Mỹ hay châu Âu.
Viễn cảnh chương trình MiG-35 lâm vào ngõ cụt và bị hủy bỏ cho dù được quảng cáo rùm beng đang dần trở thành hiện thực phũ phàng. Thực tế hiện nay cả Không quân Nga cũng không tỏ ra mặn mà với chiếc tiêm kích trên.
Phong Vũ (Tham khảo Wikipedia)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo