Quốc tế

Tổ hợp tên lửa CCMS-H: Dự án phát triển vũ khí chống tăng mới của quân đội Mỹ

Lầu năm Góc đang lên kế hoạch phát triển tổ hợp chống tăng dẫn đường CCMS-H thế hệ mới, thay thế toàn bộ hệ thống BGM-71 TOW lỗi thời, nhằm bắt kịp các mẫu vũ khí tương tự hàng đầu của các nước trong tương lai.

Liệu UAV siêu nhỏ có thể thay thế súng trường và vũ khí nhỏ khác? / Mỹ lo lép vế khi Trung Quốc và Nga bắt tay phát triển vũ khí trí tuệ nhân tạo

Quân đội Mỹ bắt đầu trang bị hệ thống tên lửa chống tăng BGM-71 TOW từ những năm 1970. Nhờ một loạt nâng cấp, tên lửa dẫn đường chống tăng này vẫn đang được sử dụng và là hệ thống chính của dòng vũ khí này trong lực lượng vũ trang nước này. Tuy nhiên, trong tương lai, Washington lên kế hoạch từ bỏ BGM-71 TOW để chuyển sang sử dụng một hệ thống vũ khí đầy hứa hẹn khác. Hiện công việc sơ bộ của hướng kế hoạch này đã được triển khai.

Kế hoạch cho tương lai

Ngày 7/4, tại căn cứ Fort Benning (bang Georgia) đã diễn ra hội nghị thường niên của Ban quản lý Phát triển và Tích hợp khả năng cơ động (Maneuver Capabilities Development and Integration Directorate) về việc phát triển vũ khí của lực lượng mặt đất. Trong sự kiện này, người đứng đầu lực lượng cận chiến Mark Andrews đã tiết lộ các kế hoạch hiện tại để thay thế các tên lửa dẫn đường chống tăng BGM-71 TOW.

Mỹ dự định thay thế toàn bộ hệ thống tên lửa chống tăng BGM-71 TOW lỗi thời. Ảnh: Topwar.

Theo đó, Lầu Năm Góc có kế hoạch khởi động chương trình Hệ thống tên lửa chiến đấu tầm gần hạng nặng (Close Combat Missile System-Heavy - CCMS-H), trong đó một tên lửa dẫn đường chống tăng hiện có hoặc một phương án triển vọng sẽ được lựa chọn, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của quân đội Mỹ. Phiên bản phù hợp với các yêu cầu hiện tại cần gia tăng tất cả các đặc tính chiến thuật và kỹ thuật, cũng như có nhiều phương thức hoạt động khác nhau hay đơn giản hóa hoạt động.

Cho đến nay, các phác thảo ban đầu của phiên bản dựa trên các yêu cầu đã được nêu ra. Trong tương lai, sau khi có giấy phép và nguồn tài chính thích hợp, một chương trình chính thức dự kiến sẽ được khởi động. Sau đó, sẽ diễn ra phần thi cạnh tranh giữa các nhà thầu tham gia.

Dựa theo kết quả, Lầu Năm Góc sẽ chọn ra nhà thầu chính cho chương trình này. Việc sản xuất hàng loạt các hệ thống chống tăng mới và triển khai trong quân đội Mỹ sẽ bắt đầu không sớm hơn trong giai đoạn 2028-2030.

Tại hội nghị ở căn cứ Fort Benning, các bên cũng làm rõ về tên lửa dẫn đường chống tăng đầy hứa hẹn dành cho quân đội. Các phương tiện chiến đấu tự hành với tên lửa mới sẽ được sử dụng ở cấp trung đội và đại đội, hoặc có thể đưa lên cấp lữ đoàn. Tuy nhiên, các khía cạnh cụ thể của việc triển khai và sử dụng các tổ hợp tên lửa CCMS-H mới này vẫn đang trong quá trình xem xét.

Yêu cầu mới đối với tên lửa chống tăng

 

Ông M. Andrews đã tiết lộ những yêu cầu cơ bản đối với tên lửa chống tăng dẫn đường mới trong tương lai. Trước đây, đã có các đề xuất chế tạo một tổ hợp vũ khí hạng nặng bố trí trên các thiết bị khác nhau. Tuy nhiên, cần phải gia tăng đáng kể các đặc điểm chính và bổ sung thêm các khả năng chiến đấu mới.

Theo đó, vũ khí thuộc chương trình Hệ thống tên lửa chiến đấu tầm gần hạng nặng (CCMS-H) có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 10km. Trong trường hợp này, quá trình bay của tên lửa phải diễn ra ở độ cao không quá 912m so với mặt đất và không phụ thuộc vào đặc điểm tình hình trên không. Đồng thời, tên lửa CCMS-H cần gia tăng tốc độ bay nhanh hơn so với các sản phẩm hiện tại.

Tổ hợp chống tăng mới có thể thực hiện một số nguyên tắc dẫn đường và kiểm soát phức tạp. Tên lửa phải được dẫn đường bằng lệnh từ bệ phóng, có chế độ “bắn và quên”, đồng thời có khả năng ngắm bắn mục tiêu trước và sau khi phóng, cũng như khi di chuyển đến khu vực có tọa độ cho trước.

Đầu đạn của tên lửa CCMS-H phải đảm bảo tiêu diệt được các phương tiện bọc thép và công trình kiên cố hiện có và dự kiến trong tương lai. Đối với các tên lửa hiện tại, đầu đạn được tách ra sau khi bay 1-2 km, còn trong tương lai, khoảng cách này đối với tổ hợp mới sẽ giảm xuống 100m. Tên lửa có khả năng chống lại mọi phương tiện bảo vệ mục tiêu, từ phương tiện chế áp điện tử đến thiết bị bảo vệ tích cực.

Ngoài các yêu cầu cơ bản trên, còn có một số yêu cầu bổ sung khác được nêu ra. Tên lửa CCMS-H có thể theo dõi mục tiêu, khai hỏa và dẫn đường cho tên lửa khi di chuyển. Thiết bị của tên lửa có thể giúp người điều khiển xác định mục tiêu, tính toán mức độ ưu tiên và phân phối nhiệm vụ giữa một số phương tiện chiến đấu. Đồng thời, sẽ rất hữu ích nếu giảm bớt vai trò của định vị vệ tinh, vốn dễ bị đối phương tấn công.

 

Thay thế tổ hợp BGM-71 TOW lỗi thời

Tổ hợp chống tăng CCMS-H được coi là sự thay thế trong tương lai cho tất cả các hệ thống BGM-71 TOW. Hiện tại, một số phiên bản của TOW là vũ khí chống tăng chính của Lục quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Ngoài ra, các hệ thống chống tăng này đang được sử dụng tại 50 quốc gia khác trên thế giới.

Tùy thuộc vào biến thế, tên lửa chống tăng BGM-71 TOW có chiều dài lên tới 1,5m và nặng tới 23kg. Phạm vi bay tối đa đạt 4,2km, với tốc độ lên đến 278m/s. Có một số loại đầu đạn tích hợp có sức xuyên lên tới 850-900mm. Tất cả phiên bản của TOW đều sử dụng thiết bị dẫn đường bán tự động, trong đó thiết bị phóng sẽ truyền lệnh tới tên lửa theo các dây dẫn độc lập.

Tổ hợp tên lửa chống tăng M1167 tự hành của quân đội Mỹ. Ảnh: Topwar .

Quân đội Mỹ đang sử dụng một số phiên bản chống tăng BGM-71 TOW. Cụ thể, lực lượng mặt đất và Thủy quân Lục chiến sử dụng các tổ hợp di động, trong đó có trên 1.000 đơn vị tên lửa chống tăng M1167 tự hành và hơn 130 khẩu M1134 đặt trên trên khung xe Stryker. Ngoài ra, lực lượng Thủy quân Lục chiến còn sử dụng trên một trăm xe bọc thép LAV-AT. Mỹ và quân đội một số quốc gia khác cũng sử dụng BGM-71 TOW làm vũ khí tấn công mục tiêu cho máy bay trực thăng.

Hiện tại, quân đội Mỹ không hài lòng với tên lửa chống tăng BGM-71 TOW, do tầm bắn hạn chế, không còn lợi thế chiến đấu trước đối phương. Ngoài ra, tốc độ di chuyển thấp của tên lửa cũng bị chỉ trích, bởi vì nó làm tăng thời gian bay, giảm khả năng bắn trúng mục tiêu và dẫn đến các rủi ro cho việc tính toán. Bất chấp các nỗ lực nâng cấp, tổ hợp TOW vẫn có hệ thống dẫn đường khá cũ và các đặc tính của đầu đạn không đảm bảo khả năng đánh bại xe tăng hiện đại.

 

Triển vọng của dự án

Với tuổi đời và những hạn chế của hệ thống BGM-71 TOW, việc phát triển chương trình CCMS-H được xem là một bước đi hợp lý và đáng mong đợi đối với Lầu Năm Góc. Trong vài năm tới, các vấn đề về đặc tính kỹ chiến thuật yếu và lỗi thời nói chung của BGM-71 sẽ làm gia tăng mức độ phù hợp của dự án mới, từ đó phương án thay thế sẽ được xem xét, quyết định.

Các yêu cầu được công bố đối với tổ hợp tên lửa dẫn đường chống tăng đầy hứa hẹn cũng phản ánh nhu cầu của quân đội Mỹ và xu hướng phát triển đối với hệ thống chống tăng hiện nay. Các yêu cầu về phạm vi phát triển dự án cho thấy, Lầu Năm Góc mong muốn bắt kịp các mẫu vũ khí hàng đầu tương tự của các nước. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đặt ra trong việc chế tạo và thực hiện các giải pháp hoàn toàn mới cho dự án. Đặc biệt là vấn đề tăng khả năng chống chịu của tên lửa đối với hệ thống phòng thủ của đối phương.

Do đó, dự án chế tạo tên lửa chống tăng dẫn đường mới nêu trên không hề đơn giản. Có thể, trong tương lai gần, Lầu Năm Góc sẽ chuẩn bị nêu các yêu cầu dành cho phiên bản cuối cùng của tên lửa CCMS-H. Từ đó cho phép khởi động công việc của chương trình chế tạo mới. Dự kiến sẽ có một số công ty Mỹ tham gia, với các dự án đầy triển vọng. Ngoài ra, các công ty nước ngoài khác cũng có thể tham gia dự thầu. Đặc biệt, các yêu cầu được phía Mỹ công bố đều phù hợp với một số tổ hợp tên lửa dòng Spike của Israel.

Lầu Năm Góc không đề cập đến việc hiện đại hóa mẫu vũ khí hiện có, mà là về việc phát triển loại vũ khí hoàn toàn mới, cho nên chương trình CCMS-H có thể kéo dài trong vài năm. Rõ ràng, Lầu Năm Góc hiểu rõ điều này và đã đưa ra những ước tính thực tế. Theo đó, dự án có thể hoàn thành việc phát triển và bắt đầu tái vũ trang không sớm hơn trước giai đoạn 2028-2030. Chi phí ước tính của chương trình và các sản phẩm cụ thể vẫn chưa được làm rõ.

 

Theo các chuyên gia, chương trình phát triển tổ hợp tên lửa chống tăng CCMS-H sẽ phức tạp, tốn kém và tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc triển khai thành công sẽ cho phép Hoa Kỳ có được một hệ thống chống tăng đầy hứa hẹn, ít nhất là không thua kém các mẫu vũ khí của nước ngoài. Tất cả sẽ được biết chính xác sau một vài năm nữa.

Vũ khí - Khí tài
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm