Hỗ trợ doanh nghiệp

Quỹ đầu tư mê Indo, bỏ Việt Nam

Đã bước sang tháng 6, nhưng khả năng gây quỹ mới của hầu hết các quỹ đầu tư tư nhân tại Việt Nam vẫn khá mờ nhạt, trong khi dấu hiệu thu hút mạnh dòng vốn này từ Indonesia và Myanmar đang dần rõ nét.

Đã bước sang tháng 6, nhưng khả năng gây quỹ mới của hầu hết các quỹ đầu tư tư nhân tại Việt Nam vẫn khá mờ nhạt, trong khi dấu hiệu thu hút mạnh dòng vốn này từ Indonesia và Myanmar đang dần rõ nét.

 

Xu hướng giao dịch chứng chỉ quỹ với mức chiết khấu lớn so với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) còn có thể kéo dài tới hết năm 2012, thậm chí qua năm 2013. Đó là dự báo của ông Louis Nguyễn, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management. Xu hướng này đang trở thành hiện thực.

 

Có thể trắng tay

 

Tổ chức tài chính LCF Rothschild (Anh) vừa cập nhật kết quả hoạt động của hơn 100 quỹ đầu tư toàn cầu hôm 5.6. Theo đó, NAV của hầu hết các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều tăng trưởng âm, nhất là các quỹ đầu tư tư nhân. Đơn cử, quỹ PCA Vietnam Segregated Portfolio và Vietnam Resource Investment có mức chiết khấu so với NAV lần lượt là -21,2% và -27,5% vào ngày 5.6.2012.

 

Kết quả hoạt động của quỹ đầu tư tư nhân tại Việt Nam không tốt khiến các nhà đầu tư toàn cầu trở nên khó tính trong việc rót vốn mới.

 

Mới đây, ông Hans Christian Jacobsen, Giám đốc Công ty quản lý Quỹ đầu tư cổ phần tư nhân PENM (Đan Mạch), cho biết, Quỹ PENM III đã được huy động thành công với số vốn lên tới 143,5 triệu USD để đầu tư vào các công ty tư nhân tại Việt Nam. Tuy nhiên, quỹ này chưa hề công bố kế hoạch giải ngân cụ thể.

 

Tương tự, quý IV/2011, Dragon Capital từng công bố sẽ huy động thêm khoảng 150 triệu USD cho quỹ đầu tư tư nhân mới. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng đang có dấu hiệu đi dần vào quên lãng.

 

VinaCapital và Mekong Capital cũng đang vất vả không kém trong tiến trình gây quỹ mới. Đến nay, hầu như kế hoạch gây quỹ đầu tư tư nhân mới của VinaCapital vẫn chưa thấy lối ra. Tương tự, Mekong Capital, một trong các công ty quản lý quỹ đã có mức độ thành công nhất định tại Việt Nam, cũng chưa thể huy động được quỹ mới có tên Mekong Enterprise Fund III dù đã lên kế hoạch từ năm 2011.

 

Dấu hiệu chảy vốn vào Indonesia, Myanmar

 

Giải thích về tình trạng ì ạch trong kế hoạch gây quỹ mới, ông Trần Vinh Dự, Giám đốc Điều hành TNK Capital, nêu ra 3 nguyên nhân chính. Đó là chính sách vĩ mô bất cập, thị trường chứng khoán không ổn định và tăng trưởng kinh tế khu vực đang đi xuống.

 

“Sự hạ nhiệt nhanh của lạm phát và lãi suất hiện nay rất giống tình trạng của năm 2010, lãi suất cho vay giảm xuống 15%, lãi suất huy động còn 10-11%; nhưng đến cuối năm lại tăng lên 18-20%. Điều này cho thấy, nội tại của nền kinh tế không có tính bền vững”, ông nói.

 

Trong khi kế hoạch huy động quỹ mới tại Việt Nam tiếp tục trong vòng lẩn quẩn thì Indonesia và Myanmar đang nổi lên với khả năng cạnh tranh thu hút dòng vốn này.

 

Mới đây, thời báo Wall Street Journal (Mỹ) cho biết, Indonesia đang được ví như trung tâm của các nền kinh tế mới nổi và ngày càng thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư.

 

Theo đó, Northstar Pacific Partners, một đối tác Indonesia của Quỹ Đầu tư Texas Pacific Group (Mỹ) đã hút được hơn 800 triệu USD trong năm 2011 để đầu tư vào các công ty tư nhân Indonesia. Trong khi đó, một quỹ đầu tư tư nhân của nước này cũng đang kỳ vọng nhận được hơn 1 tỉ USD khoản ủy thác đầu tư trong năm 2012 từ các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Sandiaga Uno, thành viên sáng lập của một trong những quỹ đầu tư tư nhân đầu tiên tại Indonesia là Saratoga Capital nói: “Quay lại thời kỳ chúng tôi lần đầu tiên huy động vốn vào những năm 2005-2006, không ai muốn nghe về Indonesia. Nhưng bây giờ như thể Indonesia đang trở thành trung tâm của thế giới”. Quỹ này hiện quản lý 3 tỉ USD tài sản ở Indonesia và đang huy động thêm 400 triệu USD trong năm nay.

 

Công ty Nghiên cứu Thị trường Dealogic (Anh) cho biết, năm 2011 đã có hơn 650 triệu USD giao dịch đầu tư tư nhân được hoàn tất tại Indonesia và con số này có thể lên tới 1 tỉ USD trong vài năm tới. Các khoản đầu tư này chủ yếu rót vào các công ty tư nhân thuộc các ngành khai thác mỏ, hàng tiêu dùng, xây dựng cơ sở hạ tầng và tài chính.

 

Không chỉ Indonesia, hôm 14.5 vừa qua, tờ The Financial Times cho rằng, Myanmar sẽ là đích đến mới của các quỹ đầu tư tư nhân trong tương lai.

 

Theo đó, Leopard Capital, quỹ đặt tại Campuchia và tập trung vào các thị trường mới nổi, Bagan Capital tại Hồng Kông và Indochina Opportunities (quỹ liên kết giữa Dragon Capital và Frontier) đang lên kế hoạch đầu tư hơn 250 triệu USD vào các công ty tư nhân của Myanmar trong năm 2012.

 

“Tôi đã chờ đợi cơ hội đầu tư vào Myanmar hơn 23 năm qua. Những nhà đầu tư sớm và đúng hướng vào thị trường này sẽ thu được lợi nhuận lớn trong tương lai”, ông Douglas Clayton, Giám đốc Điều hành Quỹ Leopard, cho biết.

 

 

 

Theo NCĐT

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo