Hỗ trợ doanh nghiệp

Quỹ đầu tư thận trọng hơn

Thoái vốn và tìm kiếm cơ hội đầu tư mới là hai hoạt động được dự đoán sẽ diễn ra mạnh mẽ tại các quỹ đầu tư từ nay đến cuối năm.
Khảo sát mới đây của Grant Thornton Việt Nam về lĩnh vực đầu tư cổ phần tư nhân(Private Equity Investment) cho thấy, dù có lạc quan hơn 12 - 18 tháng trước, nhưng vẫn có đến 39% đối tượng được khảo sát - trong đó chủ yếu là các quỹ đầu tư - đưa ra quan điểm trung lập về triển vọng kinh tế Việt Nam trong vòng 12 tháng tới.
 
 
Tỉ lệ này trong cuộc khảo sát quý IV/2011 là 32%. Chính sự hoài nghi này khiến nhà đầu tư thận trọng trong quyết định sẽ tiếp tục rót vốn vào thị trường Việt Nam hay xây dựng kế hoạch thoái vốn phù hợp.
 
 

Tìm kiếm cơ hội mới

 

Hỏi ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư Tập đoàn VinaCapital, đang quản lý 4 quỹ đầu tư với tổng giá trị tài sản lên đến 1,6 tỷ USD có hứng thú với bất động sản nữa không, vì nhiều chủ đầu tư trong nước đang tìm đối tác sang nhượng với mức giá khá hấp dẫn, đại diện VinaCapital cười nói: ngay cả đất dự án dù đã "sạch" nhưng phải mất ít nhất 2 - 3 năm mới phát triển được công trình; chi phí vốn khi ấy sẽ "đội lên", đầu ra khó khăn, liệu tính khả thi có cao bằng tham gia vào thị trường chứng khoán hay không?

 

Nhìn vào những động thái từ cuối năm 2011 đến nay, có thể thấy nhiều khoản đầu tư của VinaCapital đã đến thời kỳ thoái vốn. Theo đó, VinaCapital tiến hành thoái vốn hoàn toàn khỏi Công ty cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico), một phần tại Trường quốc tế Sài Gòn và toàn bộ cổ phần tại Bệnh viện Hoàn Mỹ (tỷ suất hoàn vốn nội bộ - IRR của các vụ thoái vốn đạt trung bình 48,1%. Thông thường các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tỷ lệ hoàn vốn của mỗi khoản đầu tư trên 30%).

 

Ông Andy Ho cho biết, VinaCapital vẫn luôn tìm kiếm những cơ hội đầu tư vào ngành y tế, giáo dục, hàng tiêu dùng. Riêng mảng bất động sản thì Quỹ chỉ quan tâm đến cổ phiếu của các công ty niêm yết (hiện tại Andy Ho đã trở thành Chủ tịch HĐQT của Công ty cổ phần Địa ốc Khang Điền - KDH và một thành viên của VinaCapital là thành viên HĐQT của Quốc Cường Gia Lai - QCL).

 

Vì sao VinaCapital lại đặt ra chiến lược này? Năm 2011, ngành hàng tiêu dùng và y tế có mức hoàn vốn cao hơn so với bất động sản, dịch vụ tài chính, đạt trung bình 20 - 21%. Khảo sát vừa công bố của Grant Thorton cũng chỉ rõ: nông nghiệp, giáo dục và y tế là những lĩnh vực hàng đầu được nhà đầu tư tư nhân quan tâm, với 48% ý kiến đánh giá hấp dẫn.

 

Bất động sản và dịch vụ tài chính là hai lĩnh vực kém hấp dẫn nhất, điều này trái ngược với cuộc khảo sát trước đó, khi bất động sản được đa số nhà đầu tư "để mắt".

 

Bất động sản xuống "giá"

 

Đối với bất động sản, VinaCapital sẽ tìm cơ hội thoái vốn khỏi một số dự án lớn. Song, điều này không đồng nghĩa với chuyện VinaCapital sẽ "nói lời chia tay" với lĩnh vực này. Ông Andy Ho nhìn nhận: gần đây, tình hình kinh tế vĩ mô đã có những biến chuyển rõ nét.

 

Lạm phát và lãi suất đã được kiềm chế và đang trên đà giảm, trong khi giá trị của các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa tăng mạnh. Vì thế, đây là thời điểm tốt để đầu tư vào những công ty bất động sản đã niêm yết có giá trị nội tại bền vững, có tỷ lệ nợ trên vốn thấp.

 

"Các công ty chưa niêm yết thường cho rằng, giá đất của họ được định giá là 100 thì giá trị của công ty cũng tương ứng là 100, trong khi đó với công ty lên sàn thì tỷ lệ này là 100:50, điều này sẽ cản trở quá trình tìm tiếng nói chung", Andy Ho chia sẻ.

 

Đại diện của VinaCapital còn cho rằng, nguồn tiền mặt của VinaCapital đang có từ việc chưa giải ngân hết vốn hoặc thoái vốn một số khoản đầu tư để tiếp tục đầu tư trong tương lai. Tập đoàn đang tạm hoãn việc huy động vốn tại thời điểm hiện tại do kinh tế toàn cầu đang ở thời điểm không ổn định, đặc biệt là kinh tế châu Âu và Trung Quốc.

 

Không riêng gì VinaCapital mà ngay cả Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) cũng nhắm vào việc mua lại cổ phiếu của các công ty bất động sản lên sàn. Điểm khác biệt là với quy mô vốn nhỏ (đang quản lý 125 triệu USD), SAM chọn những công ty vừa và nhỏ, có quỹ đất sạch mua trước năm 2007 để đầu tư (SAM đang tham gia vào HĐQT của Công ty cổ phần Thế kỷ 21 - C21, Công ty cổ phần Hợp tác kinh tế và XNK Savimex - SAV, Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy - NBB).

 

Ông Vũ Quang Hiển, Giám đốc điều hành mảng Bất động sản SAM cho biết, những sản phẩm của đối tác mà SAM tham gia đầu tư phải phục vụ nhu cầu đa số, chẳng hạn như căn hộ trung bình có giá dao động từ 600 - 800 USD/m2 và đối tượng khách hàng có độ tuổi từ 25 - 40.

 

Trong khi đó, hai trong số 5 quỹ đầu tư hàng đầu tại Việt Nam là Indochina Land và Dragon Capital đã có những động thái cụ thể. Theo đó, sau nhiều lần đàm phán, Indochina Land (do Indochina Capital quản lý) đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Công ty Nam Long để cùng phát triển dự án căn hộ trung bình tại quận Bình Tân (TP.Hồ Chí Minh).

 

Còn dự án khu liên hợp sân golf Sài Gòn (SGCCR) tại quận 2 (câu lạc bộ Golf sở hữu cổ phần đầu tiên tại Việt Nam) mà Vietnam Properties Fund - VPF (một trong 4 quỹ do Dragon Capital quản lý) là cổ đông cũng đã chính thức khởi động vào tháng 4 vừa rồi.

 

Ngoài những lĩnh vực nói trên, các công ty quản lý quỹ chắc chắn sẽ không rời mắt theo dõi động tĩnh của quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (SOEs). Theo đó, từ đây đến hết năm 2015, các SOEs lọt vào tầm ngắm không chỉ dừng lại ở MobiFone mà còn có cả Satra (bán lẻ), Vinatex (may mặc), Agribank (ngân hàng)…

 

Nhà đầu tư tư nhân chờ đợi…

 

Khi được hỏi về việc có bất kỳ mối quan ngại nào đối với "tài sản bị mắc kẹt" khi thoái vốn, đã có 55% đối tượng được khảo sát trả lời "Có"; 28% bình thường; 11% ít quan ngại và 6% không đáng quan ngại.

Sự phân bổ vốn của các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính vào Việt Nam tăng so với quý IV/2011, cụ thể là 32% so với 29%, nhưng lại thấp hơn so với cách đây hai năm.

 

Điều đáng nói là có đến 54% nhà đầu tư tư nhân có động thái nghe ngóng và chờ đợi những giải pháp của Chính phủ Việt Nam đối với các vấn đề lạm phát, lãi suất và sự ổn định của tiền đồng; tỉ lệ này tăng so với 43% trong cuộc khảo sát quý IV/2011.

 

Bên cạnh đó, có đến 14% nhà đầu tư cho biết giảm các khoản đầu tư vào Việt Nam, thấp hơn tỉ lệ 27% của năm 2011.

 

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng, những "tài sản xấu" có thể trở thành cơ hội đầu tư của họ ở thị trường Việt Nam. Bên cạnh các cơ hội đầu tư, nhiều nhà đầu tư tư nhân cũng đang tiến hành thoái vốn, cụ thể là có đến 46% giao dịch bán cồ phần tại các công ty tư nhân, công ty gia đình của Việt Nam. Tỉ lệ này tăng so với 31% ở cuộc khảo sát gần đây.

 

Đối với chiến lược thoái vốn, chào bán cho các nhà đầu tư trong cùng ngành là chiến lược thoái vốn khả thi nhất cho các nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam. Khi được hỏi về việc có bất kỳ mối quan ngại nào đối với "tài sản bị mắc kẹt" khi thoái vốn, đã có 55% đối tượng được khảo sát trả lời "có quan ngại"; 28% bình thường; 11% ít quan ngại và 6% không đáng quan ngại.

 

 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo