Hỗ trợ doanh nghiệp

Rời Sacombank, gia đình đại gia Trầm Bê còn những gì?

Dứt duyên với ngành tài chính - ngân hàng, tuy nhiên gia đình ông Trầm Bê vẫn còn những khoản đầu tư giá trị tại những lĩnh vực khác...

Như tin tức đã đưa, Ngân hàng Nhà nước ngày 24/2 đã phát đi thông báo về việc chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và người có liên quan tại Sacombank.

Thông báo cho biết, thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề nghị của hai ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chấp thuận sáp nhập Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam (PNB) vào Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Ngày 01/10/2015, PNB và Sacombank đã hoàn thành các thủ tục sáp nhập theo quy định pháp luật. Ông Trầm Bê và các tổ chức, cá nhân liên quan đã thực hiện ủy quyền quyền cổ đông (quyền biểu quyết và quyền đề cử) tại PNB/Sacombank/Sacombank sau sáp nhập cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Trầm Bê đi thu phiếu biểu quyết của cổ đông tại Đại hội cổ đông Sacombank tháng 7/2015, bàn về sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Ảnh: VnExpress.

Tiếp tục triển khai thực hiện Phương án tái cơ cấu hai ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa (con trai ông Trầm Bê) cũng đã có đơn gửi Hội đồng quản trị Sacombank và Ngân hàng Nhà nước xin từ nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị Sacombank.

Trên cơ sở đề nghị của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa, xét thực tiễn quá trình triển khai Phương án tái cơ cấu PNB/Sacombank/Sacombank sau sáp nhập và các ý kiến chỉ đạo có liên quan của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, ngày 24/2/2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank.

Ông Trầm Bê và người có liên quan có trách nhiệm tiếp tục xử lý các tồn tại tại Sacombank theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc chấm dứt vai trò quản trị điều hành đối với ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank nằm trong lộ trình và các giải pháp thực hiện Phương án tái cơ cấu Ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gắn với Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, Phương án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo Sacombank khẩn trương tổ chức Đại hội đồng cổ đông trong tháng 4/2017 để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, thông qua các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông, tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, ổn định tình hình tổ chức và phát triển hoạt động của Sacombank, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

 

Thông tin cha con ông Trầm Bê chấm dứt vai trò quản trị, điều hành tại Sacombank khiến nhiều người quan tâm, và đặt câu hỏi: Rời Sacombak, gia đình ông Trầm Bê còn những gì?

Theo báo VnExpress, dứt duyên với ngành tài chính - ngân hàng, tuy nhiên gia đình ông Trầm Bê vẫn còn những khoản đầu tư giá trị tại những lĩnh vực khác. Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An (Bệnh viện Triều An) tiền thân là Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Tư nhân Triều An, đặt tại TP HCM là một trong số đó. 

Đây là bệnh viện đa khoa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào năm 1999, chính thức hoạt động từ 2001, đổi tên vào năm 2006. Theo dữ liệu từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, đơn vị này hiện đang có vốn điều lệ 590 tỷ đồng và 9 cổ đông sáng lập đang sở hữu trên 83% vốn điều lệ. Trong đó, ông Trầm Bê đang sở hữu 9 triệu cổ phiếu của Bệnh viện Triều An, tương đương 15,25% vốn điều lệ và là cổ đông lớn thứ 3 trong danh sách cổ đông sáng lập còn sở hữu cổ phần. 

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 của đơn vị này cũng cho biết, tính tới 31/12/2015, ông Trầm Bê và con gái là bà Trầm Thuyết Kiều đều đang giữ chức vụ thành viên trong Hội đồng quản trị của bệnh viện (tổng sở hữu khi đó đạt trên 26% vốn điều lệ). Riêng ông Trầm Bê kiêm nhiệm thêm chức danh Cố vấn Hội đồng quản trị. Cương vị Chủ tịch bệnh viện do ông Trần Ngọc Henri và Trưởng ban kiểm soát là ông Trầm Sê - em ông Trầm Bê nắm giữ.

Hoạt động kinh doanh của Bệnh viện Triều An duy trì khá ổn định trong thời gian gần đây với doanh thu đạt trên 300 tỷ đồng, lợi nhuận trong khoảng gần 30 đến 40 tỷ đồng mỗi năm. Phần lớn lợi nhuận sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính của bệnh viện đều được sử dụng để chia cổ tức cho các cổ đông. Năm 2014 và 2015, phần cổ tức ông Trầm Bê và bà Trầm Thuyết Kiều nhận được đạt từ 8 đến 9 tỷ đồng.

 

Một đơn vị khác là Công ty Thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC) cũng là một trong số doanh nghiệp do gia đình ông Trầm Bê còn sở hữu. Số liệu mới nhất từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, bà Trầm Thuyết Kiều vẫn đang sở hữu 11% vốn tại doanh nghiệp có vốn điều lệ 450 tỷ đồng này. 

Được thành lập từ đầu năm 2007 với hậu thuẫn là Ngân hàng Phương Nam. Sau 4 năm đầu tăng trưởng mạnh kể từ năm 2011 đơn vị này bắt đầu rơi vào khủng hoảng, cũng tương tự nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng khi đó.

Đạt đỉnh vào giai đoạn 2009-2010 với doanh thu từ 6.600 đến 7.600 tỷ đồng, lợi nhuận 29-40 tỷ đồng, tuy nhiên từ năm tiếp sau đó hoạt động của NJC bắt đầu lao dốc và lần đầu ghi nhận thua lỗ vào năm 2013. Xuất phát từ những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, giữa tháng 8/2013, NJC đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua việc chuyển đổi mô hình công ty từ công ty cổ phần sang công ty TNHH 2 thành viên.

Ông Trầm Bê, thời điểm đó là cổ đông sáng lập, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của NJC đã xuất hiện và tuyên bố sẽ mua lại cổ phần của cổ đông khi chuyển mô hình hoạt động. Tuy nhiên, quyết định thời điểm đó không được thông qua do Đại hội phải tạm hoãn. Kế hoạch chuyển đổi cũng bị tạm dừng cho đến hiện tại với lý do được ban lãnh đạo đưa ra là cổ đông chưa bán lại hết cổ phần.

"Điệp khúc" đặt mục tiêu kinh doanh hòa vốn được ban lãnh đạo công ty đưa ra trong nhiều năm gần đây, nhưng chưa năm nào đạt kế hoạch. Đến năm 2015, khoản lỗ đã vượt qua mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi NJC hoạt động (hơn 41 tỷ đồng).

 

Ngoài những khoản đầu tư nói trên, ông Trầm Bê cũng từng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác trước khi "toàn tâm, toàn ý" cho tài chính ngân hàng.

Lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp là dấu ấn đầu tiên của doanh nhân gốc Trà Vinh với Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh (1991 - 2001) và Công ty cổ phần Chế biến thủy hải sản Sơn Sơn (2002 - 2004).

Năm 1999, ông cũng tham gia vào lĩnh vực bất động sản với việc trở thành thành viên Hội động quản trị của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI). Tuy nhiên sau 17 năm gắn bó, ông Trầm Bê đã rời khỏi vị trí này vào tháng 8/2016.

Nên đọc
Công Danh (tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo