Hỗ trợ doanh nghiệp

Sacombank cam kết lộ trình xử lý nợ trong 5 năm

Hiện tại, Sacombank đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và kỳ vọng thời gian thực hiện sẽ tối thiểu là 3 năm và tối đa là 5 năm.

Ngày 20/4, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2017, tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cam kết lộ trình xử lý nợ trong 5 năm, thay vì là 10 năm như đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Cụ thể, tính đến nay Sacombank đã xử lý gần 20.000 tỷ đồng trong khoản nợ xấu 100.000 tỷ đồng. 

Theo ông Dương Công Minh, trong hai năm vừa qua, Sacombank không thực hiện chia cổ tức cho cổ đông là do ngân hàng này đang thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, đồng thời phải tăng trích lập để tăng cường vốn. Hiện tại, Sacombank đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và kỳ vọng thời gian thực hiện sẽ tối thiểu là 3 năm và tối đa là 5 năm. Theo đó, nếu quá trình này diễn ra thuận lợi Sacombank kỳ vọng sẽ có khả năng chia cổ tức cho cổ đông trong năm 2018 hoặc chậm là năm 2019, với sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. 


Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2017, Hội đồng quản trị Sacombank trình cổ đông thông qua 15 tờ trình; trong đó, có báo cáo hoạt động, phương án phân phối lợi nhuận; kế hoạch kinh doanh 2018; trích thưởng khi vượt kế hoạch lợi nhuận... Đặc biệt, là vấn đề cơ cấu Hội đồng thành viên nhiệm kỳ 2017 - 2021 mới, gồm: 7 thành viên; trong đó có 2 thành viên độc lập; Ban kiểm soát gồm 4 thành viên; trong đó 3 thành viên chuyên trách và 1 thành viên không chuyên trách. Đồng thời, thông qua việc miễn nhiệm ông Kiều Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị theo nguyện vọng cá nhân. 

Báo cáo của Sacombank cho thấy, tính đến cuối năm 2017, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng này đạt 368.449 tỷ đồng (tăng 11% so với đầu năm); tổng huy động vốn đạt 338.432 tỷ đồng (tăng 11%); tổng dư nợ tín dụng 225.595 tỷ đồng (tăng 12,5%); tỷ lệ nợ xấu ở 4,59%. Trên cơ sở này, Sacombank xác định nhiệm vụ trong thời gian tới là tập trung xử lý nợ xấu kéo tỷ lệ về dưới 3%, rút ngắn lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt. 

Sacombank đã đặt ra kế hoạch kinh doanh năm 2018, gồm: tổng tài sản là 430.900 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động 399.500 tỷ đồng; dư nợ tín dụng 255.200 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 1.838 tỷ đồng. 

Để thực hiện được kế hoạch này, Hội đồng quản trị Sacombank sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm như định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ hiện đại và đa năng hàng đầu khu vực; tăng cường kiểm soát rủi ro qua việc chủ động trong cảnh báo sớm, kịp thời ngăn chặn rủi ro; đầu tư công nghệ thông tin; chuẩn hóa hoạt động của công ty con, ngân hàng con... 

Theo đánh giá của các tổ chức Fintech thì Sacombank là đơn vị có hệ thống công nghệ tốt nhất Việt Nam, kinh doanh thẻ của Sacombank của số 1, QR code cũng đi đầu và tới đây là ví ngân hàng (ngân hàng số). Mặt khác, Sacombank đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện xong việc thí điểm Dự án Basel II vào cuối năm 2019. 

Nên đọc
Theo BNEWS/TTXVN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo