Sải rộng cánh bay lên Tây Nguyên
Nếu không có gì thay đổi, vào ngày 20/5, VietJetAir sẽ chính thức khai trương đường bay nội địa thứ 10 của hãng hàng không chi phí thấp chặng TP.HCM - Buôn Ma Thuột với tần suất 7 chuyến/tuần.
Cụ thể, chuyến bay từ TP.HCM sẽ khởi hành vào lúc 18h30, lên đến Buôn Ma Thuột lúc 19h25. Chặng bay ngược lại cất cánh lúc 19h50, về đến TP.HCM 55 phút sau đó.
Thành công bước đầu từ đường bay Hà Nội – Đà Lạt được mở vào đầu tháng 12/2012 là động lực khiến VietJetAir sốt sắng mở đường bay thứ hai lên Tây Nguyên.
Theo ông Desmond Lin, Giám đốc Phát triển kinh doanh của VietJetAir, tần suất bay từ TP.HCM tới Cảng hàng không Buôn Ma Thuột sẽ tăng tần suất vượt quá con số 1 chuyến/ngày ngay khi Hãng nhận được phản hồi tích cực của thị trường. Được biết, giá vé mà VietJetAir chào bán là khá hấp dẫn, giá khởi điểm là 300.000 đồng lượt.
Cần phải nói thêm rằng, VietJetAir là hãng hàng không chi phí thấp thứ hai có kế hoạch mở đường bay lên Buôn Ma Thuột trong vòng 3 tháng qua.
Trước đó, vào cuối tháng 3, Công ty cổ phần Hàng không Jetstar Pacific (JPA) đã khai trương hai đường bay thẳng giữa TP.HCM - Buôn Ma Thuột và Buôn Ma Thuột – Vinh cũng bằng tàu bay A320. Hai đường bay này nằm trong số đường bay do Công ty cổ phần Hàng không Mê Kông khai thác, trước khi Công ty tạm ngừng bay.
“Hai đường bay này có triển vọng hơn các đường bay nhỏ lẻ khác và đây là lần đầu tiên, hàng không giá rẻ chính thức được triển khai trên đường bay đến Tây Nguyên. Trong tương lai, hai đường bay này có thể sẽ kích thích nhu cầu đi lại thông qua giá vé rẻ và có thể lượng khách sẽ nhiều lên”, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Jetstar Pacific đánh giá.
Như vậy, tất cả các chặng bay từ Hà Nội, TP.HCM, Vinh lên các điểm cầu ở Tây Nguyên mà hãng hàng không tư nhân Air Mekong tạm bỏ đã sớm được lấp đầy.
“Do cả VietJetAir và Jestar Pacific đều dùng tàu bay A320 chở được 180 khách nên hiện tải cung ứng đối với các đường bay kết nối Tây Nguyên còn lớn hơn thời điểm Air Mekong đang khai thác”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Cần phải nói thêm rằng, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vẫn cam kết duy trì mạng đường bay dày đặc lên Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đà Lạt, Tây Nguyên từ 3 sân bay: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM. Hiện Vietnam Airlines có 16 chuyến bay/tuần lên Tây Nguyên từ Hà Nội; 12 chuyến bay/tuần từ Đà Nẵng và 51 chuyến bay/tuần từ TP.HCM.
Theo ông Lê Trung Bình, Phó giám đốc Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, ngoài hệ thống đường bộ kết nối Tây Nguyên xuống đồng bằng như Quốc lộ 14, Quốc lộ 25, Quốc lộ 27 đang đầu tư nâng cấp, sự xuất hiện của nhiều dự án đầu tư quy mô lớn vào chế biến nông sản, cây công nghiệp, du lịch khiến lượng khách qua các cảng hàng không Tây Nguyên tăng nhanh.
Được biết, để cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có văn bản số 1932/BGTVT-KHĐT đồng ý với đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về chủ trương đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay Cảng hàng không Pleiku.
Hiện tại, Cảng Hàng không Pleiku có một đường cất hạ cánh (1.829m x 36,6m); một đường lăn (1830m x 18m), sân đỗ tàu bay 11.871m2 sử dụng cho tàu bay FK70, ATR72 hoặc tương đương, kết hợp cả hàng không dân dụng và quân sự.
Theo đề án nâng cấp, Cảng Hàng không Pleiku sẽ là sân bay cấp 4C theo tiêu chuẩn của ICAO, xây dựng đường cất hạ cánh kích thước 3.000m x 45m, đủ khả năng khai thác thường xuyên máy bay A321 và tương đương.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đang gấp rút khảo sát, lên phương án triển khai, báo cáo Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan, nhằm hỗ trợ về vốn để thực hiện dự án.
“Đây là dự án góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không ngày càng cao của tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong công tác quốc phòng - an ninh khu vực Tây Nguyên”, ông Thanh đánh giá.
Nhật Minh
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo