Hỗ trợ doanh nghiệp

Samsung đầu tư thêm hàng tỷ USD ở Việt Nam

Nhiệt điện Vũng Áng 3, nhà máy đóng tàu ở Khánh Hòa, Sân bay Long Thành, Lọc dầu Long Sơn… là những dự án mà tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc đang nhắm đến. Đây đều là các dự án tỷ USD.

Samsung Bắc Ninh hiện thu hút 54.000 lao động

Thông tin được đưa trên website Chính phủ, chiều qua (27/5), Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tiếp ông Shin Kim, Tổng giám đốc Văn phòng Chiến lược toàn cầu Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc). 

Tại buổi tiếp, ông Shin Kim đã bày tỏ mong muốn của Tập đoàn Samsung là được tiếp tục đầu tư hàng loạt dự án quy mô lớn tại Việt Nam.

Đó là các dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), Nhà máy đóng tàu tại Khánh Hòa, Sân bay Long Thành (Đồng Nai), Lọc hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số dự án xây dựng dân dụng khác.

Theo thông tin từ Samsung, các dự án đều trị giá hàng tỷ USD này đã và đang được phía Samsung xúc tiến tìm hiểu và triển khai ở các mức độ trên thực tế.

Chuyến thăm Việt Nam của ông Shin Kim, có thể nói, là một lời khẳng định tiếp theo cho đại kế hoạch đầu tư ở Việt Nam, mà Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn đã từng đề cập.

Đại kế hoạch này đã được ông Ha Chan Ho, Cố vấn cấp cao chiến lược của Tập đoàn Samsung, cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, nhấn mạnh với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.

Trước đó, năm 2013, Samsung C&T (Xây dựng và Thương mại) ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hợp tác đầu tư và phát triển hạ tầng. Khi đó, các dự án nói trên cũng đã được nhắc tới.

Trong khi đó, thông tin những ngày gần đây trên chuyên trang tàu biển Seaship News cho biết, Samsung Heavy Industries vừa được phê duyệt mua đến 50% cổ phần một chi nhánh đóng tàu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam tại cảng Cam Ranh (Khánh Hòa).

Liên quan đến kế hoạch đóng tàu của Samsung ở Việt Nam, các bộ đã từng đề xuất Samsung xây dựng nhà máy ở khu vực mà nhà đầu tư Oshima (Nhật Bản) từng dự kiến triển khai dự án đóng tàu 180 triệu USD.

Đây cũng chính là khu vực mà trước đây, STX (Hàn Quốc) định triển khai dự án đóng tàu 500 triệu USD.

Như vậy, đại kế hoạch đầu tư của Samsung ở Việt Nam đang tiếp tục có những động thái mới.

Hiện tại, Samsung có 3 nhà máy ở Việt Nam. Samsung Electronics Việt Nam (SEV), vốn đầu tư 2,5 tỷ USD hiện là một trong những nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất và hiện đại nhất của Samsung trên toàn cầu.

Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, có thể nói, thuộc diện thành công nhất tại Việt Nam hiện nay.

Chính thức hoạt động vào năm 2009, nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, năm ngoái, SEV xuất khẩu 23,9 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và đã mang lại giá trị gia tăng khoảng 7,6 tỷ USD.

Bên cạnh dây chuyền sản xuất điện thoại di động, dây chuyền sản xuất máy hút bụi cũng đã được SEV đưa vào hoạt động. Kế hoạch sản xuất máy tính xách tay tại SEV cũng đang được nghiên cứu để triển khai.

Hiện nay, với số lượng 54.000 nhân viên và công nhân, SEV mỗi ngày tiêu thụ 9 tấn gạo, hơn 10.000 quả trứng và khoảng 20.000 quả dưa hấu.

Trong khi đó, nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung ở Thái Nguyên (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD, vừa đi vào vận hành hồi đầu tháng 3 vừa qua. Và chỉ sau 20 ngày đi vào hoạt động, SEVT đã xuất khẩu được 90 triệu USD.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, SEVT sẽ thu hút được 16.000 nhân công, đạt công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/tháng.

Nhà máy thứ 3 của Samsung ở Việt Nam, chuyên sản xuất TV ở TP.HCM (SamsungVina), tuy có quy mô nhỏ hơn, nhưng đã có bề dày lịch sử gần 18 năm.

SamsungVina trước đây là liên doanh (với Công ty TIE), nhưng hồi năm ngoái, đã chính thức trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.

Nhà máy này, có thể nói, đã góp phần rất lớn đưa thương hiệu Samsung đến Việt Nam. Các sản phẩm TV do SamsungVina sản xuất luôn dẫn đầu thị trường Việt Nam.

Theo Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo