Hỗ trợ doanh nghiệp

Samsung Việt Nam cần tuyển hàng nghìn sinh viên

Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) đang có một đợt tuyển dụng rộng rãi sinh viên đã và sẽ tốt nghiệp đại học của các năm học 2011 - 2013 trong cả nước, nhằm chuẩn bị cho chiến lược phát triển tiếp theo của Công ty.
Chiến lược này được hiểu bao gồm cả việc mở rộng Nhà máy SEV tại Bắc Ninh, xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong thời gian tới ở Hà Nội và có lẽ, cả nhà máy sản xuất điện thoại di động 2 tỷ USD của Samsung ở Thái Nguyên (SEVT).
 
Hơn 3.000 hồ sơ đã được thông qua sơ tuyển, chờ vào vòng phỏng vấn tiếp theo. Nhưng thông tin từ SEV cho biết, có thể, số lượng này chưa đáp ứng được nhu cầu và trong vòng vài tháng tới, sẽ có những đợt tuyển dụng tiếp theo.
 
Thông tin mới nhất từ SEV cho biết, hiện có hơn 33.000 lao động đang làm việc tại Công ty, trong đó, lao động có trình độ đại học chiếm 5,5%. Khoảng 30% trong số này là lao động của tỉnh Bắc Giang, 10% đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh, số còn lại là của Bắc Ninh và các địa phương lân cận.
 
“Nhu cầu việc làm nhiều, nên chúng tôi không quá khó khăn để tuyển lao động phổ thông. Nhưng tuyển lao động có tay nghề, đặc biệt là các kỹ sư thì khó hơn nhiều. Hơn thế, ngay cả số lao động này cũng chưa hẳn đáp ứng được yêu cầu của chúng tôi, nên hàng năm, Samsung phải bỏ ra một chi phí không nhỏ để đào tạo lại, bao gồm cả đào tạo tại chỗ và học tập ở nước ngoài”, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc SamsungVina cho biết.
 
Trong kế hoạch phát triển của mình, khi SEVT đi vào hoạt động, một lượng nhân lực tương tự cũng sẽ được tuyển dụng. Và theo một lãnh đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, thì đây là một khó khăn không nhỏ, mặc dù địa phương luôn cam kết sẽ hỗ trợ nhà đầu tư trong vấn đề tuyển dụng nhân lực.
 
“Samsung thường trực tiếp kiểm tra lao động rất ngặt nghèo, họ cũng đòi hỏi lao động phải qua đào tạo, nên sẽ không đơn giản trong tuyển dụng nhân công cho nhà máy của mình”, vị này nói.
 
Không chỉ là với lao động cho hai nhà máy chính, khi các nhà đầu tư vệ tinh cho Samsung vào Việt Nam, họ cũng có nhu cầu tuyển dụng một lượng nhân lực không nhỏ.
 
Thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Heasung Vina, công ty chuyên sản xuất các loại camera cho Samsung vừa nhận chứng nhận điều chỉnh để nâng vốn đầu tư từ 13 triệu USD lên 30 triệu USD, chỉ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động. Công ty này hiện giải quyết việc làm cho khoảng 600 lao động và sau khi mở rộng công suất lên 25 triệu sản phẩm/năm, sẽ cần thu hút thêm 700 lao động.
 
Trong khi đó, ở Bắc Giang, Trung tâm Dịch vụ khu công nghiệp tỉnh này liên tiếp đăng tải thông báo tuyển dụng lao động cho các công ty, như Heasung Tech Việt Nam, Sung Gwang, Fuhong… Số lượng cần tuyển lên tới cả nghìn lao động, trong đó có cả các cán bộ cấp cao. Tất cả các công ty này đều là doanh nghiệp vệ tinh cho Samsung.
 
Số liệu thống kê của SEV cho thấy, hiện 54 nhà đầu tư vệ tinh của họ đang giải quyết việc làm cho gần 71.000 người - một số lượng không nhỏ.
 
Nhưng Samsung không phải là đơn vị duy nhất gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Ngay cả các công ty thuộc diện nhỏ và vừa, như Công ty TNHH Pepperl + Fuchs (Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM) cũng gặp tình cảnh tương tự. Công ty chuyên sản xuất thiết bị cảm ứng và truyền tín hiệu có vốn đầu tư 11 triệu USD này đang thu hút khoảng 100 kỹ sư và 300 công nhân. Tuy nhiên, ông Hồng Hán Thành, Tổng giám đốc Công ty đã hơn một lần “than” với lãnh đạo Thành phố về những khó khăn trong tuyển dụng kỹ sư vào làm việc ở Công ty. “Hàng năm, chúng tôi phải chi khoảng 200.000 USD để đào tạo lại, hoặc đưa nhân viên đi học ở nước ngoài”, ông Thành cho biết.
 
Thực tế, thiếu lao động có tay nghề luôn là một rào cản không nhỏ cho hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Không ít lần, tại các diễn đàn doanh nghiệp, các hiệp hội, cũng như các doanh nghiệp FDI đều lên tiếng về việc này.
 
Tình hình, theo các chuyên gia, có thể sẽ căng thẳng hơn trong thời gian tới, khi hàng loạt dự án FDI quy mô lớn đi vào hoạt động. Liên hợp thép Formosa (Hà Tĩnh) là một ví dụ điển hình. Hay ngay trong năm nay, khi Nhà máy Sản xuất điện thoại di động của Nokia ở Bắc Ninh đi vào hoạt động, hoặc khi nhà máy quy mô lớn của LG ở Hải Phòng được xây dựng. Việc Lọc dầu Vũng Rô sẽ sớm được khởi công trong nay mai cũng là một áp lực lớn trong việc đảm bảo có một nguồn lao động có tay nghề phục vụ cho Dự án.
 
“Các địa phương phải có một sự chuẩn bị kỹ càng cho việc này”, một chuyên gia trong lĩnh vực FDI nói.
 
Tất nhiên, sự chuẩn bị, theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, không chỉ là trong ngắn hạn, mà còn là dài hạn. Vị chuyên gia này, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đã từng khẳng định rằng, ông rất vui mừng trước việc Trường đại học Hà Tĩnh đang được xây dựng bề thế và hiện đại. “Nhưng không thể phát triển Đại học Hà Tĩnh như một trường đại học tổng hợp như nhiều trường khác, mà phải hướng vào các chuyên ngành đào tạo phục vụ các dự án lớn của tỉnh, như Thép Formosa, Nhiệt điện Vũng Áng, hay Lọc dầu Formosa…”, ông Mại nói.
 
Có lẽ, đây cũng là điều cần tính tới không chỉ cho Hà Tĩnh, mà còn là Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Yên…, và thậm chí là cả nước, làm sao để có một nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu của các dự án FDI nói riêng, của phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung.
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo