Sau sự thành công của FE Credit, VPBank hướng tới tầng lớp trung lưu
1/2 thu nhập VPBank đến từ "Gà đẻ trứng vàng FE Credit"
Tại đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng VPBank diễn ra chiều 19/3, điều được nhiều cổ đông quan tâm nhất và gửi câu hỏi tới ban chủ tọa là FE Credit. Đây là công ty dịch vụ tài chính tiêu dùng, chuyên cho vay không cần tài sản đảm bảo, nên lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng cao.
VPBank thành lập bộ phận tín dụng tiêu dùng dưới thương hiệu FE Credit vào năm 2010. Trong suốt 3 năm từ 2011-2013, FE Credit không hề có lợi nhuận. Từ năm 2014, mảng kinh doanh này mới bắt đầu có lãi.
Với lợi thế của người đi đầu và xây dựng thị trường, đến nay, toàn thị trường có 12 công ty thì riêng FE Credit nắm giữ tới hơn 50% thị phần, tạo ra gần 13.000 tỷ đồng thu nhập hoạt động thuần cho VPBank năm 2017, tăng trưởng 52% so với năm trước.
Trong năm qua, FE Credit nâng số khách hàng lên 3,5 triệu và tăng số dư cho vay lên gần 45.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, con số dư nợ này của FE Credit chỉ chiếm khoảng 20-25% tổng dư nợ của VPBank, nhưng lại đem về tới 50% thu nhập thuần.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank nhận định, trong 5 năm tới, FE Credit vẫn sẽ là động lực tăng trưởng doanh thu chính cho ngân hàng, bởi lẽ đây là miếng bánh còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của FE Credit sẽ không thể cao mãi. Chính vì vậy, định hướng của VPBank trong tương lai là phát triển Retail Banking.
Khác với FE Credit, Retail Banking hướng đến nhóm khách hàng có thu nhập trung bình, khá. "Đây là cộng đồng mà ban lãnh đạo tin tưởng rằng sẽ phát triển trong thời gian tới khi nền kinh tế đi lên và thu nhập đầu người lên trên 3.000 USD vào năm 2020", ông Vinh đánh giá và cho biết thêm, đây là phân khúc tất cả các ngân hàng đang cạnh tranh và VPBank hiện tại chưa có nhiều lợi thế so với các đối thủ.
Tuy nhiên ngay trong năm 2018, VPBank sẽ tung sản phẩm mới ra thị trường và CEO VPBank tự tin rằng, thương hiệu mới này sẽ đủ sức thu hút khách hàng. Trong tương lai, đây cũng sẽ là mảng kinh doanh lớn nhất của VPBank.
Tăng vốn năm 2018
Năm 2018, VPBank sẽ tăng vốn từ 15.706 tỷ đồng lên tới hơn 27.799 tỷ đồng, thông qua 5 đợt phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức, cổ phiếu thưởng, phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank đánh giá, đây là thời điểm thuận lợi để VPBank tăng vốn điều lệ, khi kinh tế vĩ mô thế giới và kinh tế Việt Nam đều đang tốt và đồng thời thị trường chứng khoán cũng thuận lợi. "Sự thuận lợi này có thể qua đi bất cứ lúc nào nên chúng tôi muốn tăng vốn ngay trong năm nay", ông Dũng nói. Bên cạnh đó, tăng vốn điều lệ sẽ giúp VPBank đảm bảo các chỉ số tài chính, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.
Một nguyên nhân nữa khiến VPBank muốn tăng vốn mạnh là nhằm M&A. "Những năm vừa qua, VPBank chỉ đang phát triển thông thường, chứ chưa tìm cơ hội để thâu tóm và sáp nhập". Chính vì vậy, nguồn vốn tăng thêm trong năm nay sẽ giúp công ty có thêm các lựa chọn và thêm cơ hội phát triển hơn nữa.
Năm 2017, VPBank đạt hơn 8.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sang năm 2018, nhà băng này đặt mục tiêu lãi 10.800 tỷ đồng, tăng trưởng 33%. Tổng tỷ lệ cổ tức, cổ phiếu thưởng cho cổ đông năm nay là 67% và theo chia sẻ của ban lãnh đạo, cổ tức và cổ phiếu thưởng năm sau dự kiến cũng trên 60%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo