Hỗ trợ doanh nghiệp

SCIC tính bán bớt 10% vốn tại đại gia Vinamilk

(DNVN) - Việt Nam đã mời 6 ngân hàng đầu tư nước ngoài để tư vấn cho việc bán cổ phần trong CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM), theo nguồn tin từ hãng tin Reuters.

Cũng theo nguồn tin từ hàng này, hiện đã có 4 ngân hàng bao gồm Credit Suisse, HSBC, J.P Morgan Chase, Nomura Holdings và công ty tư vấn Rothschild đã nhận được yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam để tư vấn cho việc thoái một phần vốn tại Vinamilk. Ngoài ra, còn có 2 công ty chứng khoán trong nước được mời tham gia tư vấn thương vụ là Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn và Công ty Chứng khoán Bản Việt.

Tờ Bizlive.vn dẫn nguồn tin của Reuters, hiện Fraser & Neave Ltd. (F&N), tập đoàn đồ uống của tỷ phú giàu nhất Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, hiện đã sở hữu 10,9% vốn Vinamilk và đang có ý định tiếp tục gia tăng sở hữu tại doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam. Hiện người của F&N đã có một ghế trong HĐQT Vinamilk.

Ảnh minh họa.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, cơ quan chức năng sẽ thực hiện thoái vốn tại Vinamilk ngay trong năm 2016 và 9 doanh nghiệp lớn khác vào đầu năm 2017.

Mặc dù đã tiết lộ thời điểm nhưng vị này, hiện chưa thể tiết lộ phương án bán vốn cụ thể tại Vinamilk nhưng phía Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đang xây dựng phương án cụ thể để báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ. 

“Đây là quá trình phải làm cẩn thận không được vội vàng để tránh ảnh hưởng tới thị trường bởi có thể nhà đầu tư sẽ tập trung hết vào Vinamilk”, ông Tiến nói. 

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện Vinamilk có quy mô rất lớn, với giá trị niêm yết của riêng phần vốn Nhà nước tại đây vào khoảng gần 100.000 tỷ đồng. Cho nên việc bán ra thị trường có thể phải thực hiện nhiều lần.

Cũng theo vị này, Vinamilk là thương hiệu có giá trị bởi khả năng quản trị tốt cũng như luôn đổi mới, sáng tạo. Hiện tại, thương hiệu này không chỉ ở Việt Nam mà là tầm khu vực. Bởi vậy, ngoài nhà đầu tư trong nước, cơ quan chức năng phải kêu gọi của nhà đầu tư nước nước ngoài.

 

Trước đó, vào tháng 10/2015, Chính phủ có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về đề án tái cơ cấu SCIC, trong đó trọng tâm là thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp.

Đứng đầu danh sách là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), nơi Nhà nước đang sở hữu 45,1% cổ phần, tương đương 541,5 triệu cổ phiếu, trị giá 55.233 tỷ đồng (2,47 tỷ USD) theo giá đóng cửa ngày 13/10/2015.

Theo đánh giá, việc thoái vốn nhà nước khỏi Vinamilk và những doanh nghiệp lớn sẽ giúp ngân sách cải thiện nguồn thu, bù đắp bội chi, giảm tỷ lệ vay nợ nước ngoài.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo