Siêu dự án thép của Tôn Hoa Sen: Nỗi ám ảnh về Formosa thứ hai
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen mới đây đã Công bố thông tin về Biên bản hội nghị và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường 2015-2016. Theo nội dung công bố, Đại hội đã nhất trí thông qua chủ trương triển khai đầu tư Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận tại xã Cà Ná và xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, với công suất thiết kế đạt 6 triệu tấn/năm.
Tầm nhìn quy hoạch từ năm 2017 đến năm 2031, công suất thiết kế đạt 16 triệu tấn/năm. Đồng thời, ủy quyền cho HĐQT quyết định phân kỳ giai đoạn đầu tư; quy mô đầu tư, vốn đầu tư cụ thể cho từng giai đoạn; thời điểm đầu tư; hình thức đầu tư; lựa chọn công nghệ sản xuất và xử lý môi trường, đối tác, nhà cung cấp và đơn vị tư vấn, giám sát.
Được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai Tổ hợp Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận theo 5 giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2031, chia làm nhiều phân kỳ, với tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỷ đô la Mỹ.
Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 dự kiến sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019. Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận vừa được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.
Với những thông tin này đã cho thấy sự tự tin của ông Lê Phước Vũ về một dự án thép quy mô lớn, nguồn vốn khả thi, công nghệ hiện đại đến từ Tây Âu, môi trường được bảo đảm an toàn tuyệt đối...
Tuy nhiên, bài học về Formosa vẫn còn nóng thì lo lắng về siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná hoàn toàn dễ hiểu. Điều này càng được đặt ra sau những tuyên bố mạnh mẽ của Hoa Sen thì vẫn còn rất nhiều điều đáng lo.
Theo báo VietnamNet, ngày 1/8/2016, Hoa Sen gửi văn bản cho UBND Ninh Thuận đề cập đến nguồn nước cho siêu dự án thép Cà Ná. Giai đoạn đầu, nhà máy cần 33.000 mét khối nước sạch/ngày. Đến khi vận hành tất cả các hạng mục, lượng nước tiêu thụ là 180.000 mét khối/ngày. Hoa Sen đề nghị Ninh Thuận chuẩn bị và cung cấp đủ nguồn nước để đáp ứng tiến độ và quy mô của dự án.
Đến ngày 16/8, UBND Ninh Thuận chỉ đạo Sở Xây dựng chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước tận nơi cho Hoa Sen, đấu nối từ nguồn nước của Nhà máy nước Phước Nam. Tuy nhiên, hiện nhà máy này chỉ có công suất 30.000 mét khối/ngày, lại đang cung cấp cho các khu vực khác nữa.
Cũng cần phải lưu ý rằng, mấy năm gần đây, hạn hán ở Ninh Thuận ngày càng khốc liệt. Nhiều hồ chứa nước ngọt cạn trơ đáy. Lượng nước tích trữ chỉ còn 15,6% dung tích thiết kế. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại 700 tỉ đồng vì hạn bán trong năm 2015, Bốn tháng đầu năm nay, có tới 6.000 người dân Ninh Thuận thiếu nước sinh hoạt... Cũng vị hạn hán mà chỉ qua ba tháng đã có tới hơn 2.000 con cừu bị chết đói và khát.
Vậy khi nhà máy thép ở Cà Ná hoạt động thì sự thiếu hụt nguồn nước sẽ như thế nào?
Ngay cả trong đề xuất bổ sung dự án thép Cà Ná vào quy hoạch ngành thép được gửi lên Bộ Công thương vào đầu tháng 8-2016, UBND Ninh Thuận đã dành nhiều trang để trình bày về quy mô, tầm cỡ, về năng lực của nhà đầu tư, về những lợi ích mà dự án mang lại... Tuy nhiên, phần tác động đến đời sống người dân lại không có một dòng đề cập.
Trong mọi thuyết trình về dự án, ông Lê Phước Vũ rất tự tin khẳng định: Nhà máy thép đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để một giọt nước ô nhiễm nào ra môi trường. Ông Vũ sẽ dùng công nghệ hiện đại, đến từ Tây Âu? Tư vấn thiết kế dự án cũng là một tập đoàn của Mỹ.
Thế nhưng, trong hồ sơ về quá trình Hoa Sen Group khảo sát mặt bằng, cảng biển và thực hiện các thủ tục đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế là: CISDI Group. Đây là một tập đoàn đến từ Trùng Khánh, Trung Quốc, đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam vào 11/2012. CISDI là đơn vị đã tư vấn thiết kế và làm tổng thầu cho dự án xây dựng hai lò cao - hạng mục quan trọng hàng đầu trong dự án của Formosa Hà Tĩnh.
Ngày 25/6/2015, trong văn bản gửi đến UBND Ninh Thuận về việc khảo sát xây dựng nhà máy, Hoa Sen đã đề nghị Ninh Thuận sắp xếp cho 6 người Trung Quốc là thành viên đoàn khảo sát được thực hiện công việc của họ. Văn bản ghi rõ, 6 người Trung Quốc là người của CISDI.
Điều này khiến những lo lắng liệu có một Formosa thứ hai sẽ xuất hiện tại Ninh Thuận là dễ hiểu.
Cho đến thời điểm nay, dự án mới ở mức khởi động, trong khi tỉnh Ninh Thuận hào hứng, Bộ Công thương đã gật đầu thì các bộ ngành khác như Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư.... đều chưa đưa ý kiến. Điều này có nghĩa, dự án còn đi một chặng đường dài để đi đến quyết định cuối cũng và đó là quãng thời gian quan trọng để chủ đầu tư, địa phương và bộ ngành lắng nghe các ý kiến đóng góp.
Trả lời trên báo điện tử Infonet về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh- Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương cũng bày tỏ: “Tôi rất lo ngại về dự án thép của Tập đoàn Hoa Sen”.
Đánh giá về những biện dẫn của ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Hoa Sen về dự án, theo ông Doanh là không đủ sức thuyết phục. "Thứ nhất Ninh Thuận khô hạn, cây trồng vật nuôi không có nước ngọt để sống. Việc để tỉnh cung cấp nước sạch là không khả thi. Ông Vũ có đưa ra phương án sử dụng nước lọc từ nước biển để sản xuất nhưng cụ thể như thế nào, phải có sự thẩm định và giá thành là bao nhiêu?"
Một yếu tố nữa khiến ông lo lắng là Trung Quốc có công suất 1.200 triệu tấn thép/năm. Hiện nay Trung Quốc đang thừa công suất với nhu cầu xuất đi 600 triệu tấn thép mỗi năm. “Thép của ông Lê Phước Vũ ra lò sẽ cạnh tranh với Trung Quốc như thế nào. Nếu không cạnh tranh được thì ông làm gì với khối thép ấy?”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Chính vì thế ông đề nghị, dự án này cần có sự giám sát của các Hiệp hội, xã hội, chuyên gia độc lập. “Không thể để lặp lại một Formosa thứ hai”, ông Doanh nói.
Mặc dù ông Lê Phước Vũ cam kết: "Chúng tôi sẽ không xả thải ra biển, nếu nhà máy của Hoa Sen khi đi vào vận hành mà gây ô nhiễm môi trường thì chúng tôi sẽ tự đóng cửa nhà máy và giao toàn bộ tài sản cho Nhà nước" nhưng theo chuyên gia Lê Đăng Doanh: “Những cam kết rất cao như ông Vũ mới chỉ là lời nói. Bây giờ chúng ta phải xem xét từng hồ sơ, giám sát, xem xét. Chứ nói như vậy rồi sau đó ai chịu trách nhiệm hay người dân Việt Nam chịu trách nhiệm? Nguồn vốn tài chính như thế nào cũng cần được làm rõ”.
Đến giờ này, tất cả vẫn đều đang trông đợi một câu trả lời khi trong lòng luôn có một nỗi ám ảnh về Fomosa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo