Hỗ trợ doanh nghiệp

Starbucks sẽ “bán mình” cho Nestlé?

Từng thất bại trong liên doanh bán cà phê với Kraft Foods, không quá cần tiền mặt là những lý do khiến giới chuyên gia cho rằng, liên doanh mà Starbucks mới thiết lập với Nestlé rất có thể là động thái khởi đầu cho một thương vụ M&A khủng trong ngành hàng cà phê thế giới.

Khoản chi 7,15 tỷ USD của Nestlé và sự hoài nghi 

Ông Rechard Kestenbaum, đồng sáng lập Triangle Capital LLC, chuyên thực hiện các thương vụ M&A, tăng vốn cho các công ty trong lĩnh vực thời trang, bán lẻ và tiêu dùng đã nhanh chóng có những nhận định về liên doanh trị giá 7,15 tỷ USD của Starbucks và Nestlé mới đây. Đó là số tiền mà Nestlé sẽ phải trả cho Starbucks để được quyền tiếp thị, bán và phân phối cà phê Starbucks bên ngoài các cửa hàng của hãng trên toàn cầu. Thoả thuận hiệu lực trên quy mô toàn cầu và có thời hạn vĩnh viễn. Starbucks kỳ vọng thoả thuận trên sẽ có hiệu lực vào mùa hè hoặc đầu mùa thu năm nay.

Động lực quan trọng của Nestlé trong giao dịch này là muốn sử dụng hệ thống phân phối mạnh mẽ hơn của mình để mở rộng phân phối Starbucks. Đặc biệt, khả năng đưa cà phê Starbucks vào hệ thống phân phối độc quyền của Nestlé (Nespresso và Nescafé Dolce Gusto) và sử dụng sức mạnh phân phối của Nestlé tại Trung Quốc. Có thể nói, cả hai đang cố gắng tiếp cận người tiêu dùng thông qua Nestlé.

Starbucks hiện có hơn 28.000 cửa hàng trên toàn cầu.

Nếu làm đúng như những gì đã thỏa thuận, giao dịch này sẽ khiến doanh thu và lợi nhuận của cả hai bên mạnh lên nhiều. 

Kevin Johnson, Chủ tịch và CEO của Starbucks cho rằng, liên minh cà phê toàn cầu trong ngành đồ uống, tiêu dùng này sẽ giúp cả hai mở rộng các sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ thực phẩm. Trong khi đó, Mark Schneider, Giám đốc điều hành của Nestlé lại cho rằng, giao dịch này sẽ giúp Hãng bắt kịp ở thị trường cà phê của Mỹ.

Về cơ bản, thông tin này khiến thị trường tin tưởng vào tương lai của hai đế chế ngành cà phê thế giới này, khi giá cổ phiếu của cả hai tăng. Tuy nhiên, với kinh nghiệm 35 năm trong ngành tiêu dùng, đồ uống và các thương vụ M&A, ông Rechard Kestenbaum tỏ vẻ hoài nghi về độ bền của liên doanh này.

Theo ông, những gì người tiêu dùng muốn bây giờ là các thương hiệu trực tiếp truyền đạt giá trị của họ đến người tiêu dùng. Đó là lý do tại sao rất nhiều thương hiệu hiện đã trực tiếp bán hàng đến người tiêu dùng, thay vì chỉ bán thông qua các nhà bán lẻ đa thương hiệu như Nestlé. 

Rất có thể, Nestlé sẽ không cố tình làm điều gì gây ảnh hưởng đến thương hiệu, sản phẩm Starbucks, nhưng nếu họ chỉ quan tâm đến việc bán nhiều cà phê hơn, họ sẽ khó có bảo vệ thương hiệu, giữ cho vị trí của nó an toàn, sáng tạo về cách nâng cao vị thế của thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.

 

Đây không phải lần đầu tiên, Starbucks thiết lập liên doanh. Trong quá khứ, Starbucks đã bắt tay với Kraft Foods, công ty con của đại gia chế biến thực phẩm - Mondelez International (đơn vị đã mua toàn bộ mảng bánh kẹo Kinh Đô ở Việt Nam cuối năm 2014) và đã có được bài học nhãn tiền mà Starbucks không thể quên trong lịch sử kinh doanh của mình.

Kraft bắt đầu tiếp thị và bán cà phê đóng gói nhãn hiệu Starbucks năm 1988. Hợp đồng giữa hai bên kéo dài đến tháng 3/2014. Tuy nhiên, Starbucks đã chấm dứt hợp đồng vào năm 2011 vì cho rằng, Kraft đã vi phạm một số thỏa thuận, bao gồm cả việc quản lý sai thương hiệu và tháng 8/2010 đã đề nghị thanh toán 750 triệu USD để chấm dứt thỏa thuận. 

Nhưng Kraft từ chối lời đề nghị đó, phủ nhận bất kỳ vi phạm nào. Cuối cùng, Starbucks đã phải trả Kraft 2,23 tỷ USD thiệt hại, cộng với 527 triệu USD cho lãi suất và phí pháp lý để chấm dứt thỏa thuận bán hàng, tiếp thị và phân phối cà phê bán lẻ với Kraft ít nhất ba năm đầu.

Dấu hiệu Starbucks “bán mình”

Trở lại việc liên doanh Nestlé, Starbucks cho biết, sẽ dùng số tiền thu được từ thương vụ này để đẩy nhanh quá trình mua lại cổ phần từ các cổ đông từ nay đến năm 2020, trị giá lên tới 20 tỷ USD.

 

Tuy nhiên, ông Rechard Kestenbaum cho rằng, Starbucks không có nhu cầu bức xúc về tiền mặt đến vậy. Theo ông, có thể đây là dấu hiệu khởi đầu cho một thương vụ khủng trong tương lai, có thể Starbucks sẽ được bán lại cho Nestlé.

“Chúng tôi đang nhìn thấy rất nhiều thương hiệu bán lẻ lớn được các đối  thủ cạnh tranh nhỏ hơn mua lại vì các đối thủ này biết kể câu chuyện thương hiệu của họ hiệu quả hơn, trực tiếp hơn với người tiêu dùng thông qua phương tiện truyền thông xã hội”, Rechard Kestenbaum nói. 
Năm ngoái, Starbucks đã bán thương hiệu trà Tazo cho Unilever với giá 384 triệu USD và đóng cửa các cửa hàng bán lẻ Teavana kém hiệu quả. Mặc dù thương hiệu trà Tazo đã mang về 112 triệu USD doanh thu cho Starbucks trong 12 tháng qua. Đây là thương hiệu mà Starbucks mua lại năm 1999 với giá 8,1 triệu USD. 

Starbucks có mặt tại Việt Nam từ năm 2013 và nhanh chóng phát triển.

Lý do khiến Starbucks bán Tazo vì muốn dồn toàn lực phát triển một thương hiệu trà khác của mình là Teavana, vốn đạt doanh thu tới 1,6 tỷ USD trong cùng kỳ. Starbucks đã chi ra 620 triệu USD để mua lại hãng trà Teavana hồi tháng 11/2012 với tham vọng xây dựng một đế chế về trà, tương tự như những gì đã làm với cà phê. Mục tiêu của Starbucks là xây dựng Teavana thành một mảng kinh doanh trị giá 3 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Theo nhận định của Starbucks, tại 16 thị trường thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, xu hướng uống trà đang tăng mạnh. Tại Việt Nam, Starbucks đã có 36 cửa hàng tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng sau 5 năm hiện diện. 

Kết thúc năm tài chính 2016-2017, doanh thu của Starbucks đã tăng 5%, lên 22,4 tỷ USD và thu nhập trên mỗi cổ phiếu không bao gồm các mặt hàng đặc biệt tăng 11,4%, lên 2,06 USD/cổ phiếu. Đặc biệt, Starbucks ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, Trung Quốc - thị trường lớn thứ hai và phát triển nhanh nhất, chứng kiến doanh số bán hàng tăng 8% trong năm qua. CEO Starbucks ước tính doanh thu năm 2018 có thể bị sụt giảm, nhưng ông kỳ vọng sự đột phá các sản phẩm về trà sẽ giúp Starbucks lấy lại phong độ tăng trưởng cho cả ngành hàng cà phê. Starbucks có kế hoạch mở 1.000 cửa hàng Starbucks Reserve cao cấp và một số cửa hàng cà phê Roastery để tiếp nhận các đối thủ cà phê cao cấp như Intelligentsia Coffee & Tea và Blue Bottle.

 

Mặc dù mọi chuyện mới chỉ khởi đầu và mang tính dự đoán, nhưng đây chắc chắn là thông tin mà giới đầu tư tài chính, nghiên cứu sẽ không thể bỏ qua trong thời gian tới.

Starbucks cho biết, sẽ dùng số tiền thu được từ thương vụ này để đẩy nhanh quá trình mua lại cổ phần từ các cổ đông từ nay đến năm 2020, trị giá lên tới 20 tỷ USD.
Nên đọc
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo