Hỗ trợ doanh nghiệp

Suy giảm hiệu quả xuất khẩu

Cho dù đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây và được vinh danh trên thị trường thế giới, nhưng dường như hiệu quả thúc đẩy nền kinh tế phát triển của XK thì lại suy giảm rất đáng kể.

Trong chiến lược xuất khẩu đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây, Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp các loại với tổng trị giá lên tới 40 tỉ USD, trong đó, nông sản sẽ mang về 22 tỉ USD, hải sản đạt 11 tỉ USD và lâm nghiệp đạt 7 tỉ USD.

 

“Ngôi sao” trong làng xuất khẩu hàng hóa thế giới

 

Nếu so sánh những gì đã thực hiện được so với những gì các nhà hoạch định chiến lược xuất nhập khẩu nước ta đã hình dung lâu nay, có thể thấy một sự tréo ngoe. Đó là, trong khi các nhà hoạch định chiến lược đã quá “nắn nót” trong việc đưa ra nhịp độ tăng trưởng rất thấp, nhưng “đoàn tàu xuất, nhập khẩu” của nước ta vẫn liên tục tăng tốc mạnh.

 

Trước hết, nếu so với mục tiêu phấn đấu 37 - 45 tỉ USD vào năm 2000 mà Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 đã đề ra, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trong thập kỷ này đã vượt 53,2 - 86,4%.

 

Với nhịp độ tăng trưởng nhanh như vậy, “trái ngọt” đầu tiên mà chúng ta thu được là lọt vào “tốp 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có kim ngạch xuất khẩu hàng hoá lớn nhất thế giới” khi lần đầu tiên WTO mở rộng bảng danh mục xếp hạng từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trước đó lên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 1999.

 

Mặc dù vậy, đến năm 2000, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của nước ta cũng mới đạt 14,455 tỉ USD, còn nếu so với “rổ GDP” thì cũng mới bằng 46,4%.

 

Theo quy luật thông thường, khi đã đạt được nhịp độ tăng trưởng rất cao trong một thời gian dài thì giai đoạn tiếp theo sẽ giảm tốc, cho nên có thể coi mục tiêu tăng trưởng 14%/năm cho cả chặng đường 10 năm tiếp theo để đạt 54,594 tỉ USD vào năm 2010 mà các nhà hoạch định chiến lược đã khẳng định có thể coi là một đề xuất táo bạo. Mặc dù vậy và mặc dù phải đối mặt với hai cuộc “sụt hố” trong thập kỷ này, “đoàn tàu xuất khẩu” vẫn về đích một cách không thể ngoạn mục hơn.

 

Đó là, tuy ngay trong năm đầu tiên thực hiện chiến lược này chúng ta phải đối mặt với tình trạng xuất khẩu“rơi tự do” do suy thoái chu kỳ của kinh tế thế giới cộng hưởng với sự kiện “ngày 11 tháng 9 đen tối của nước Mỹ” năm 2001 và năm 2009 giảm 8,92% do khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 vẫn đạt 72,237 tỉ USD, tức là gần “y chang” mục tiêu 72,547 tỉ USD mà các nhà hoạch định chiến lược đã điều chỉnh.

 

Như vậy, thay vì 17,5%/năm như đã được điều chỉnh, nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân trong thập kỷ vừa qua đã đạt 17,34%/năm. 

 

Chính vì đã đạt được nhịp độ tăng trưởng ngoạn mục như vậy, cho nên Việt Nam đã trở thành một trong ba quốc gia có thành tích tốt nhất trong xuất khẩu hàng hoá trên thị trường thế giới. Đây là thành tích tốt thứ hai thế giới, bởi chỉ kém Ấn Độ được thăng hạng 11 bậc từ thứ 32 lên thứ 21, nhưng nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu thì vẫn còn thấp hơn của nước ta (16,9%/năm so với 17,4%/năm).

 

Còn trong năm 2010, tuy chúng ta vượt qua Chile để giành vị trí thứ 39, nhưng thành tích này chỉ còn đứng thứ ba, bởi quốc gia giàu dầu mỏ có lẽ bậc nhất Châu Phi Nigeria từ không có tên trong bảng xếp hạng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất năm 1999 đã leo thằng lên vị trí thứ 37 nhờ kim ngạch xuất khẩu “vàng đen” đạt xấp xỉ 71 tỉ USD trong “rổ hàng hoá xuất khẩu” chỉ có 82 tỉ USD và năm 2011 vừa qua lại bị đẩy trở lại vị trí thứ 40 do một quốc gia cũng rất giàu dầu mỏ ở Trung Đông là Kuwait đã đối mặt XK hàng hoá này ra thị trường thế giới.

 

Căn bệnh thêm nặng ?

 

Cho dù đã đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng như vậy và cho dù đã khắc phục được một cách rất cơ bản “căn bệnh kinh niên” nhập siêu từ rất lâu nay, nhưng điều quan trọng bậc nhất là sức kéo nền kinh tế phát triển của “đoàn tàuxuất khẩu” lại sa sút nghiêm trọng và đang ở mức đáy.

 

Trước hết, trong khi Chiến lược xuất, nhập khẩu thời kỳ 2001 - 2010 có lẽ cũng đã “rón rén” ấn định mục tiêu xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015 là 12%/năm, nhưng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 còn “rón rén” hơn do đã hạ thấp mục tiêu này xuống chỉcòn 10%, cho nên chỉ còn 79,46 tỉ USD.

 

Trong khi đó, xuất khẩu trong năm 2011 đã tăng bùng nổ 34,15% và đạt 96,906 tỉ USD. Đây là mức tăng kỷ lục trong vòng 16 năm trở lại đây.

 

Bên cạnh đó, do mục tiêu kiềm chế nhập siêu được ấn định không quá 18%, cho nên mục tiêu nhập khẩu đề ra cho năm 2011 cũng chỉ là 93,76 tỉ USD, tức là chỉ được phép tăng 10,52%. Trong khi đó, do xuất khẩu tăng bùng nổ như vậy, cho nên nhập khẩu tuy cũng tăng bùng nổ 25,83%, đạt kỷ lục chưa từng có 106,75 tỉ USD, nhưng tỉ lệ nhập siêu cũng chỉ là 10,16%, thấp “một trời một vực” so với mục tiêu.

 

Như vậy, mục tiêu kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu được các nhà hoạch định chiến lược hình dung là phải chờ đến giữa thập kỷ này hầu như đã trở thành hiện thực ngay trong năm đầu tiên. Còn trong 2012, tuy hãy còn sớm, nhưng cũng rất có thể các mục tiêu đã đề ra sẽ thêm một lần “bị đổ” một cách đáng mừng như năm 2011.

 

Đó là, trong khi mục tiêu xuất khẩu chỉ là tăng 12 - 13% thì thực tế quý I đã tăng 25%, còn nhập khẩu cũng chỉ tăng quá “hẻo” 6,1%, cho nên nền kinh tế đã chuyển từ nhập siêu “kinh niên” sang xuất siêu giống như cùng kỳ 2009.

 

Hẳn nhiên, những kết quả rất đáng mừng nói trên là do những biến động của giá cả một mặt làm khuếch đại kim ngạch xuất khẩu, và mặt khác, giữ vai trò của “chiếc phanh hãm” nhập khẩu khi sốt nóng, và ngược lại, trong điều kiện giá cả thế giới hạ nhiệt, nó làm cho cả kim ngạch xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều “co lại”, nhưng trong đó kim ngạch nhập khẩu “co lại” mạnh hơn (do nền kinh tế nước ta vẫn còn nhập siêu), nhưng không thể phủ nhận những tác động hết sức tích cực từ những thay đổi trong cơ cấu sản xuất của nền kinh tế.

 

Đó là, một số ngành công nghiệp nguyên liệu, công nghiệp chế biến, cũng như một số ngành công nghiệp trung gian, công nghiệp hỗ trợ đã có những bước phát triển tích cực, cho nên vừa có thể gia tăng đáng kể xuất khẩu, vừa có thể hạn chế đáng kể nhập khẩu.

 

Mặc dù vậy, có lẽ không ai có thể phủ nhận một thực tế là, tuy xuất khẩu tăng bùng nổ như vậy, nhưng tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển của nó lại giảm rất mạnh. Đó là, trong khi hệ số giữa nhịp độ tăng trưởng của xuất khẩu so với nhịp độ tăng trưởng GDP thời kỳ 1911 - 2000 là 2,60 lần, thời kỳ 2001 - 2010 giảm nhẹ xuống 2,41 lần, nhưng năm 2011 vừa qua tăng “khủng” lên 5,8 lần.

 

Đây cũng chính là kỷ lục cao nhất trong vòng 21 năm trở lại đây.

 

Do vậy, đây có lẽ là điều các nhà quản lý cần sớm tìm ra lời giải, bởi chắc chắn việc tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu với nhịp độ tăng “khủng” như vậy sẽ là điều cực kỳ khó khăn, nếu như không muốn nói là không tưởng, bởi chúng ta đang ở mức đỉnh của thế giới, trong khi nhịp độ tăng trưởng kinh tế của nước ta đã mất đà tăng trưởng liên tục trong bốn năm qua.
 
 
Ông Vũ Huy Hoàng - Bộ trưởng Bộ Công Thương:
Giải pháp “vượt khó đi lên”
 

Trước những diễn biến mới của tình hình kinh tế thế giới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, đặc biệt tập trung vào 5 điểm chính:

Thứ nhất, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng nhà nước Việt Nam,... đề xuất với Chính phủ các giải pháp với cam kết để hỗ trợ thiết thực và phù hợp đối với đặc thù, yêu cầu của từng ngành hàng xuất khẩu, nhằm phát huy hơn nữa khả năng thâm nhập thị trường thế giới, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả xuất khẩu của các sản phẩm có lợi thế như các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp chế biến.

Thứ hai, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính triển khai có hiệu quả hướng dẫn về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu.

Thứ ba, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng tập trung phát triển sản phẩm xuất khẩu mới có lợi thế cạnh tranh, không bị hạn chế về thị trường xuất khẩu và sản xuất các mặt hàng đáp ứng nhu cầu trong nước.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp.

Thứ năm, tổ chức hiệu quả, đồng bộ hoạt động thông tin, dự báo tình hình thị trường trong nước và thế giới để giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro và thâm nhập thị trường hiệu quả; tận dụng cơ hội từ các FTA.

 

Ông Trương Đình Tuyển:
XK làm... gia tăng nhập siêu
 

Sau khi gia nhập WTO, luồng vốn đầu tư tăng nhanh nhưng tỉ trọng đầu tư vào các ngành chế biến, chế tạo giảm, đầu tư nước ngoài không làm tăng mạnh năng lực sản xuất mà lại góp phần gia tăng nhập siêu. Nếu trừ phần xuất khẩu dầu thô thì khu vực FDI vẫn là khu vực nhập siêu; đầu tư cao, chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư ngày càng lớn trong khi hiệu quả đầu tư ngày càng thấp (cùng với phản ứng chính sách không hợp lý) là nguyên nhân gốc rễ của lạm phát và những bất ổn kinh tế vĩ mô những năm qua.

Tỉ lệ nhập siêu/GDP đã tăng từ mức 3,6% năm 2001 lên 12,9% vào năm 2003 trước khi giảm xuống còn 8,3% vào năm 2006. Từ năm 2007, nhập siêu so với GDP đã có những thay đổi lớn. Tỉ lệ này lên tới 20% vào các năm 2007-2008 và sau đó giảm mạnh xuống chỉ còn 12% vào năm 2010. Như vậy, nhập siêu còn tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng GDP. Nói cách khác, những đánh đổi từ việc chấp nhận chênh lệch giữa đầu tư và tiết kiệm trong nước dường như chưa mang lại hiệu quả rõ rệt về tăng trưởng kinh tế.

Hạn chế hiện nay là văn bản pháp quy liên quan đến chính sách quản lý xuất khẩu của các bộ, ngành thường xuyên bổ sung, sửa đổi nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Tiếp đến là chưa xây dựng đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và sự bất cập trong công tác kiểm tra theo các tiêu chuẩn này đối với hàng nhập khẩu để góp phần bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng phù hợp; công tác tổ chức xuất khẩu, nhất là xuất khẩu những mặt hàng có khối lượng và giá trị lớn còn nhiều hạn chế, chưa tạo điều kiện tốt cho việc xác lập mối liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu, doanh nghiệp chế biến, thương nhân xuất khẩu nhằm ổn định nguồn nguyên liệu, bảo đảm chất lượng sản phẩm và khả năng điều tiết lượng hàng xuất khẩu, đạt đến giá xuất khẩu cao. Việc vận dụng các biện pháp phòng vệ thương mại chưa thực sự hiệu quả.

 

 

Theo DĐDN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo