Taxi Hà Nội kêu gọi 77 doanh nghiệp hợp lực cạnh tranh Grab
Tại tọa đàm trực tuyến "Grab thâu tóm Uber, cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?" sáng 6/4, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết, lâu nay 77 doanh nghiệp taxi ở Hà Nội hoạt động bị chia nhỏ, tự làm với kênh kết nối riêng của mình.
Theo ông Hùng, Hiệp hội taxi Hà Nội đã có đề xuất làm tổng đài chung tuy nhiên các doanh nghiệp taxi hoạt động lâu năm không ủng hộ. Trước đối thủ là Grab, Hiệp hội đã kiến nghị xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng và đang đặt công ty phần mềm thiết kế. Đây là một sàn giao dịch dùng chung cho tất cả hãng taxi, giúp mọi người khi đến Hà Nội có thể tải, truy cập phần mềm, có thể lựa chọn hãng tuỳ thuộc vào tên tuổi hay giá cả đã hiển thị sẵn.
"Hiện nay taxi công nghệ như con cá mập đang tấn công mạnh mẽ vào thị trường, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Taxi Hà Nội phải đoàn kết. Việc này phải được thực hiện ngay”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, các hợp tác xã vận tải chỉ là bình phong để Grab/Uber hoạt động. Như vậy, an sinh xã hội ai chịu trách nhiệm? Thực tế cho thấy taxi truyền thống luôn ưu tiên quyền lợi của khách hàng, xử lý khiếu kiện đầy đủ, đảm bảo quyền lợi của người lao động, cụ thể ở đây là lái xe.
"Nghị định 86 nêu rõ tất cả các đơn vị có phần mềm kết nối vận tải sinh lời thì phải chịu các điều kiện quản lý về kinh doanh vận tải. Tôi đề nghị định danh nó cụ thể rõ ràng và quy về một mối", Chủ tịch Hiệp hội taxi nói. .
Đồng tình với ý kiến của ông Hùng, ông Hồ Quốc Phi, Tổng giám đốc Taxi Mai Linh miền Bắc nhìn nhận việc Grab mua Uber sẽ dẫn đến khó khăn hơn nữa cho taxi Việt Nam. Trước đây Uber và Grab cạnh tranh lẫn nhau nhưng nay họ là một và chỉ cạnh tranh với taxi truyền thống.
“Tôi đề nghị các hãng taxi truyền thống phải đoàn kết với nhau để cạnh tranh lại với Grab”, ông Hồ Quốc Phi nói và cho rằng, chủ trương taxi Hà Nội chạy chung cho tất cả các hãng cho toàn thành phố, Mai Linh rất hoan nghênh và sẵn sàng chạy chung với các hãng khác. Như vậy sẽ tạo sức mạnh để phục vụ tốt nhất người dân.
Là đơn vị trực tiếp quản lý nhiều tài xế Uber, Grab, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc HTX Giao thông vận tải Toàn Cầu cho rằng, các hãng thua Grab, là do phải đầu tư rất nhiều tài sản, còn Grab thì không. Mỗi tài khoản Grab một ngày chạy xe đều phải nộp phần trăm (tối đa 28% doanh thu về cho hãng), với 50.000 tài khoản, lượng tiền ròng đổ về khiến Grab thoải mái dùng để khuyến mại giá. Do vậy, không một hãng vận tải nào trong nước hiện nay có đủ tiềm lực bằng Grab và Uber. Các hãng taxi truyền thống càng xoay xở, càng thất bại. Các hãng phải bỏ số tiền lớn để xây dựng nhiều phần mềm, nhưng nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, sẽ rất khó thay đổi và cạnh tranh sòng phẳng được với Grab.
"Nhiều lái xe của hợp tác xã đã phản ánh phải ra đường, không biết đi đâu vì Grab không nhận tài xế, còn Uber đã tuyên bố đóng cửa. Nhà nước cần hỗ trợ, làm gì đó để giúp các tài xế", ông Nguyễn Xuân Tuấn nói.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng, khi xuất hiện một người khổng lồ, các doanh nghiệp thường có tâm lý lo ngại. Nhưng việc Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Chính việc Grab thành công ở Đông Nam Á, giành lại thị phần của Uber là ví dụ rất sinh động các doanh nghiệp ở Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có thể trưởng thành, đứng vững trên thị trường của mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo