Hỗ trợ doanh nghiệp

Thêm đại gia Mỹ tìm cơ hội tại Việt Nam

Việc ngày càng nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu đầu tư vào Việt Nam không chỉ mang lại lượng, mà cả “chất” cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Dự án của các tập đoàn hàng đầu như Samsung đều đang kinh doanh thành công tại Việt Nam

Những lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Bechtel (Mỹ) đang có chuyến viếng thăm kéo dài khoảng 1 tuần ở Việt Nam. Và mục đích của họ là tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các dự án lớn của Việt Nam, như đường cao tốc, sân bay…

 
Là một trong 10 tập đoàn gia đình hàng đầu của Mỹ và là tập đoàn công nghiệp nổi tiếng đã xây dựng công trình thế kỷ của Mỹ - đập thủy điện Hoover Dam, Bechtel hồi năm ngoái đã đạt doanh thu khoảng 37,9 tỷ USD.
 
Dù chưa có bất cứ ý định nào cụ thể, mới chỉ là những câu hỏi về các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, hay Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh)…, và một bản danh sách các dự án hạ tầng lớn mà Việt Nam đang có kế hoạch phát triển trong tương lai gần, song sự có mặt của lãnh đạo cao nhất tập đoàn này ở Việt Nam đã mang tới kỳ vọng rằng, có thể sắp tới, sẽ có một nguồn vốn lớn từ Mỹ đổ vào Việt Nam.
 
Thực ra, Bechtel không phải là tập đoàn duy nhất tới Việt Nam trong thời gian gần đây để tìm kiếm các cơ hội đầu tư.
 
Hàng năm, luôn có một đoàn gồm các tập đoàn hàng đầu của Mỹ đến Việt Nam. Và liên tục các tập đoàn từ nhiều quốc gia khác cũng đang cân nhắc các kế hoạch đầu tư ở Việt Nam. Chỉ mới cuối tuần vừa rồi, Amata - một tập đoàn lớn của Thái Lan - đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Quảng Ninh.
 
Không chỉ là “mối quan tâm”, Amata và Tập đoàn Tuần Châu (Việt Nam) đã và đang từng bước hiện thực hóa Dự án Khu đô thị - Công nghiệp công nghệ cao, với quy mô khoảng 2 tỷ USD. Dự án này, theo kế hoạch, sẽ được cấp chứng nhận đầu tư vào cuối năm nay. Một tập đoàn lớn khác của Thái Lan - Dầu khí Thái Lan (PTT) - còn đang theo đuổi dự án lọc hóa dầu 27 tỷ USD ở Bình Định.
 
Cũng tới Quảng Ninh trong những tháng qua để tìm kiếm cơ hội đầu tư, theo ông Đỗ Minh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, còn có Las VegasSand (Mỹ), AECON (Canada), Phoenix Macau Tailoi (Macau, Trung Quốc)
 
“Chúng tôi luôn hoan nghênh các nhà đầu tư tìm đến Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia. Với các dự án quy mô lớn, trên 1 tỷ USD, chúng tôi sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn để nhà đầu tư sớm triển khai dự án và sẵn sàng đi cùng nhà đầu tư tới đích cuối cùng”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đã chia sẻ như vậy với lãnh đạo Tập đoàn Bechtel.
 
Tất nhiên, điều mà Thứ trưởng Trung khẳng định, không phải là với bất kỳ nhà đầu tư nào, mà phải là “những nhà đầu tư thực sự có năng lực”.
 
Thực tế cho thấy, 9 tháng đầu năm, với sự có mặt của các tập đoàn lớn như Samsung, LG…, với 6 dự án tỷ USD (vừa đầu tư mới, vừa tăng vốn), vốn FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 15 tỷ USD. Không chỉ là cam kết, các tập đoàn lớn khi đầu tư vào Việt Nam cũng đã rất nhanh chóng triển khai dự án và mang lại sức lan tỏa cho kinh tế - xã hội Việt Nam.
 
Ngày 28/10 tới, nhà máy sản xuất điện thoại di động của Tập đoàn Nokia sẽ khánh thành ở Bắc Ninh. Còn cách đây 2 ngày, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, 9 tỷ USD, của các tên tuổi lớn như Dầu khí Kuwait, Idemitsu Kosan Nhật Bản… đã được khởi công xây dựng. Nhìn lại quá khứ, thì dự án của các tập đoàn hàng đầu như Unilever, Intel, Toyota, Samsung… đều đã và đang sản xuất - kinh doanh thành công ở Việt Nam.
 
Năm nay, vốn FDI vào Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ, và “công” được ghi cho các tập đoàn lớn và dự án lớn. Năm tới, theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI cũng sẽ tiếp tục được cải thiện. Nhìn vào các động thái trong hiện tại về mối quan tâm của nhiều tập đoàn lớn, thì khả năng này là có thể.
 
“Dòng vốn FDI toàn cầu năm 2014 được kỳ vọng tăng hơn so với năm 2013. Các nhà đầu tư lấy lại niềm tin trong trung hạn và do đó kỳ vọng, dòng vốn này sẽ đạt mức 1.600 tỷ USD năm 2014. Dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đang có xu hướng chuyển từ Trung Quốc sang các nước ASEAN. Các nhà đầu tư đang thực hiện chính sách Trung Quốc + 1 để phân tán rủi ro. Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam để tăng cường thu hút FDI từ các quốc gia này”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định.
 
Tất nhiên, điều kiện kèm theo phải là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ các rào cản đầu tư… Đây cũng chính là yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể thu hút tốt hơn các tập đoàn lớn trên toàn cầu tìm đến Việt Nam.
 
Không thể phủ nhận sự đóng góp của hàng nghìn dự án FDI quy mô nhỏ, song khi tổng kết 25 năm thu hút FDI, Chính phủ Việt Nam cũng đã hướng tới việc thu hút các tập đoàn đa quốc gia, những tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh và công nghệ quản lý tiên tiến, công nghệ nguồn. Như vậy, không chỉ lượng tăng, mà chất của dòng vốn FDI cũng tăng.
 
Hiện mới chỉ có khoảng 100 trên tổng số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới đầu tư ở Việt Nam.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo