Hỗ trợ doanh nghiệp

Thép, xây dựng, bất động sản...tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam!

Bất chấp tình hình chung gặp nhiều khó khăn song các doanh nghiệp ngành thép - xây dựng - bất động sản vẫn gây bất ngờ khi dẫn đầu trong số các ngành nghề thuộc danh sách 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.

Ngày 10/3, Công ty Vietnam Report chính thức công bố Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2015.
 
Vietnam Report cho biết, thứ hạng của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng FAST500 được sắp xếp chủ yếu dựa trên tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu trong giai đoạn 2010 đến 2013, có xét đến thực tế và triển vọng tăng trưởng doanh thu năm 2014 và 2015. Ngoài ra, các tiêu chí như tổng tài sản, tổng lao động, lợi nhuận sau thuế, các chỉ số sinh lời ROA, ROE, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông... cũng được sử dụng như yếu tố bổ sung để đánh giá quy mô và vị thế của doanh nghiệp.



Trong danh sách tăng trưởng nhanh năm nay, rất hiếm thấy tên tuổi các


 
Theo thông tin từ đơn vị xếp hạng, tốc độ tăng trưởng bình quân Top 10 của 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2015 đạt 102,18%. Còn tốc độ tăng trưởng bình quân Top 10 của 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2015 đạt 82,29%.
 
Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng trung bình của 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam giai đoạn 2010 - 2013 đạt 31,1%, thấp hơn mức trung bình 44,7% của các doanh nghiệp FAST500 giai đoạn 2009 - 2012, cho thấy đây tiếp tục là giai đoạn khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam.

Mặc dù năm 2013 đã xuất hiện những dấu hiệu khởi đầu của sự phục hồi kinh tế nhưng vẫn chưa bù đắp được sự sụt giảm kinh tế của giai đoạn 2010 - 2012 trước đó, bởi vậy tình hình kinh doanh trong giai đoạn này vẫn chưa có nhiều biến chuyển rõ rệt.
 
Trong giai đoạn 2010 - 2013, khối doanh nghiệp tư nhân vẫn có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 40,1%. Tuy nhiên, khoảng cách tăng trưởng với các khối doanh nghiệp khác đang được rút ngắn đáng kể. Tốc độ tăng trưởng trung bình tương ứng của khối doanh nghiệp FDI đạt 32,2% và doanh nghiệp Nhà nước đạt 27,8%.
 
Điều khá thú vị là mặc dù ngành thép vốn "kêu ca" gặp nhiều khó khăn, nhất là khi phải cạnh tranh với thép ngoại, song tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành thép lại đạt mức cao nhất trong các ngành nghề, với mức 37,4%. Kế đến là ngành xây dựng - vật liệu xây dựng - bất động sản 36,9%. Trong khi đó ngành bán lẻ có hệ số tăng trưởng trung bình thấp nhất bảng khoảng 20%.
 
Theo nhận định của Vietnam Report, những con số này đã phác họa bức tranh kinh doanh giai đoạn 2010 – 2013 với gam màu xám chủ đạo, nhưng cơ cấu hợp lý hơn, là cơ sở để tin tưởng rằng sự sụt giảm kinh tế không thể xuống sâu hơn nữa, do đó năm 2014 và 2015 là thời điểm thích hợp cho các kế hoạch tăng trưởng của doanh nghiệp.
 
Tiết lộ kế hoạch hoạt động trong năm 2015, 75,7% đại diện tham gia khảo sát cho biết doanh nghiệp sẽ mở rộng kinh doanh nhằm tăng doanh thu và sự hiện diện của doanh nghiệp trên thương trường, 19,2% giữ nguyên kế hoạch hoạt động như năm 2014, ngược lại chỉ 5,1% số doanh nghiệp lựa chọn phương án “giảm quy mô kinh doanh” do vẫn còn chút e ngại về cơ hội tăng trưởng trong năm 2015.
 
Đây là tín hiệu tích cực cho thấy các doanh nghiệp đã thoát khỏi “nỗi ám ảnh suy thoái” và sẵn sàng cho một giai đoạn tăng trưởng mới.
 
Nhận định về những thách thức trước mắt, 60,3% doanh nghiệp cho rằng, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh cùng ngành là yếu tố đáng ngại nhất cho tăng trưởng. Do đó, nhu cầu về thông tin minh bạch hiện nay là vô cùng cần thiết, bởi chỉ với thông tin chính xác, các nhà hoạch định chiến lược mới có thể đưa ra một kế hoạch tăng trưởng trung và dài hạn khả thi, phù hợp với năng lực doanh nghiệp cũng như xu thế thị trường chung, đồng thời giảm thiểu những sai lệch trong công tác dự báo.
 
Tìm hiểu về kỳ vọng của doanh nghiệp, 78,2% doanh nghiệp cho rằng “duy trì mức lãi suất thấp” nên là giải pháp ưu tiên trong giai đoạn 4 năm tới, tạo điều kiện vay vốn thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhằm điều tiết hợp lý và kịp thời các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng khi thực thi kế hoạch mở rộng thị trường, tăng doanh thu và lợi nhuận. Đây cũng chính là vấn đề đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (76,9% lựa chọn), hỗ trợ cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhiều hơn (60,3%), hay hỗ trợ nhiều hơn cho các hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực (46,2%).
 

Dân Trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo